86
topics
330533

Thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước: Bài toán vẫn chưa có lời giải

30/10/2019 17:02

Cuộc tranh luận giữa Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn và Đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề nhân tài và sử dụng nhân tài phần nào cho thấy đây là vấn đề khó, gai góc cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước: Bài toán vẫn chưa có lời giải
Thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước: Bài toán vẫn chưa có lời giải

Tranh luận nảy lửa

Thảo luận về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công chức, Viên chức tại nghị trường Quốc hội trở thành cuộc tranh luận nảy lửa về khái niệm nhân tài và thu hút người tài vào cơ quan nhà nước.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), cho rằng không nên hiểu theo nghĩa nhân tài ở đây là xuất chúng, thiên tài vì hiểu như vậy là vượt ra khỏi phạm vi của luật Cán bộ, công chức. “Một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất được cả, vì họ thực hiện theo luật pháp, quy trình đã định. Công chức có năng lực thì chỉ cần đánh máy giỏi, không có lỗi chỉ để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi”. “Bây giờ chúng ta nói chỉ có công chức yêu nước? Còn những người tài năng làm ở những nơi khác không yêu nước à?”.

Tranh luận với Đại biểu Dương Trung Quốc, Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói: “Cho dù thời cuộc có thay đổi, cơ chế thị trường, đồng tiền len lỏi vào từng người, từng nhà, từng cơ quan, nhưng chúng tôi, những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, cán bộ viên chức đang làm việc trong nhà nước không phải vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc, vì lòng yêu nước giống hệt các nhân sĩ cách đây 70 năm”.

Trao đổi lại, Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh học tập người xưa là phải biết vận dụng chứ không thể giáo điều và quan trọng nhất là đừng chụp mũ. “Tôi xin hỏi Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, bây giờ có thể bổ nhiệm giám đốc sở chứ đừng nói là một Phó chủ tịch nước hay là Chủ tịch Quốc hội là người ngoài Đảng không? Chắc chắn là không, vì cơ chế thay đổi rồi”.

Còn dưới góc nhìn của cử tri, nhân dân thì người tài đôi khi đơn giản như Đại biểu Lê Thanh Vân nói là người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Cụ thể, trong chính trị là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để lại cho muôn đời sau… Quan trọng là chúng ta biết dùng người, tìm người như thế nào mà thôi.

Nhân tài và kiến quốc theo Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều ý kiến tranh luận trên mang tính chất hàn lâm so với thực tiễn, đặc biệt là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn khi ông cho rằng người tài phải là “tổng hợp của tổng hợp” – tức là phải có nhiều tố chất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, dù rằng ông cũng có lý khi nói phải học hỏi cách dụng người của Hồ Chí Minh. Vậy Hồ Chí Minh dụng người như thế nào?

Hồ Chủ tịch viết: “Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Cần nhất lúc đó là kiến thiết: Kiến thiết ngoại giao – Kiến thiết kinh tế – Kiến thiết quân sự – Kiến thiết giáo dục.

Để chọn lựa nhân tài và sử dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngại ngần mời cả những người không đảng phái (cụ Huỳnh Thúc Kháng, luật sư Phan Anh, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên) hoặc những người đối lập (Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh) tham gia Chính phủ Liên hiệp.

Đồng thời, Người mạnh dạn sử dụng nhân tài trẻ như phong Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp lúc ông mới 37 tuổi, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho ông Nguyễn Văn Huyên (một người không phải là Đảng viên) lúc ông mới 38 tuổi.

Nhưng cũng khá nghiêm khắc khi nhân tài vi phạm kỷ cương phép nước như Bác Hồ cũng là người quyết định án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham nhũng.

Và rồi Người đã nói: “Có tài không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.

Gỡ rào cản để thu hút nhân tài

Thực ra, vấn đề mà các Đại biểu tranh luận không mới nhưng gian nan. Người ta đã mổ xẻ vấn đề này ở các cơ quan nhà nước – nơi thu hút phần lớn nhân tài theo quan niệm thông thường. Người ta cũng đem vấn đề này vào trong những cuộc họp ở các công ty tư nhân – nơi quan niệm về nhân tài đôi khi hoặc thực tế hoặc thực dụng hơn. Người ta nói câu chuyện này ở cả những quán nước – nơi con người cảm thấy tự do hơn và do đó, sẽ nói về những vấn đề kiểu như thế một cách hồn nhiên hơn, thẳng thắn hơn và đôi khi với một thái độ bất mãn hơn. Dường như, vấn đề này đã nóng tới mức các Đại biểu tranh luận khá gay gắt ở nghị trường khiến dư luận cũng phải nóng theo.

Hiện có nhiều người Việt được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đạt thành tựu nhất định. Nhiều người trong số này, khi có điều kiện, sẵn sàng đóng góp cho đất nước. Và một quốc gia có hơn 90 triệu dân như nước ta, ngay từ trong nước, chắc cũng không thiếu người tài. Chỉ có điều đang có những “nút thắt” trong việc dùng người của chúng ta hiện nay mà thôi.

Sở dĩ có chuyện người giỏi, người tài chưa được trọng dụng một cách xứng đáng, vấn đề chưa phải là chuyện đãi ngộ, lương bổng mà ở chỗ là chúng ta không tôn trọng đúng mức người tài, không tạo điều kiện cho người tài được phát huy. Người ta có thể dễ dàng tôn vinh một anh thợ giỏi có sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhưng người ta lại sẵn sàng dè bỉu, chê bai một lãnh đạo có phong cách quản lý mới, độc đáo, dám làm dám chịu. Lý do của  tình trạng này là vì chúng ta hiểu chưa đúng hoặc làm không đúng về cơ chế lãnh đạo tập trung dân chủ, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây thực sự là hòn đá tảng ngăn cản những người có thực tài phát huy tối đa năng lực và trí tuệ của mình.

Cơ chế tuyển dụng chưa minh bạch là lý do khiến nhiều người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, nếu có về Việt Nam thì cũng tìm cách làm việc cho các công ty nước ngoài hoặc các tổ chức phi chính phủ. Việc cất nhắc, bổ nhiệm vẫn dựa vào các yếu tố “quan hệ, tiền tệ” thì chắc chắn sẽ là lực cản rất lớn đối với việc cải thiện môi trường làm việc. Dẫn chứng đó là câu chuyện “cả họ làm quan” này hình như đã được “phổ cập”  khắp Bắc, Trung, Nam: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định,  Đăk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An… Ngoài ra, với tư duy bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “sống lâu lên lão làng” cũng là một “điểm trừ” trong thu hút nhân tài vào cơ quan Nhà nước.

Đã tới lúc dỡ bỏ các rào cản để người tài tham gia giữ chức vụ quan trọng ở cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Người tài trước khi về nước cống hiến thường muốn biết công việc rõ ràng, minh bạch với những thuận lợi để có thể phát triển. Cần lắm một bộ khung chuẩn với số lượng thành phần nhân tài để biết khi về nước sẽ làm công việc nào và tham gia vào các dự án cụ thể như nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội.

Nên chăng là đổi mới cách tổ chức thi tuyển sao cho mang tính cạnh tranh công bằng chọn người để bổ nhiệm làm quản lý, điều hành. Chẳng hạn, không phân biệt đối tượng phải có trong danh sách quy hoạch cán bộ, bằng cấp về lý luận chính trị… Đối tượng dự thi ngoài đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thì có thể mở rộng ra cho người ngoài Đảng, Việt kiều… Tùy theo lĩnh vực mà có thể mời gọi trọng dụng cả người nước ngoài. Ví dụ như các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ.

Người sử dụng nhân tài phải vì lợi ích chung, có toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, không bị ràng buộc bởi ý kiến chỉ đạo hay các quy định chồng chéo, phải có khả năng  thuyết phục và bản lĩnh chấp nhận thử nghiệm những ý tưởng mới, không tư lợi. Bởi lẽ thực tế, nhân tài không rời bỏ công việc mà chỉ rời bỏ người quản lý yếu kém.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi việc và công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì thế, dù các Đại biểu có tranh luận đến đâu đi nữa thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là gỡ được những “nút thắt” trong việc phát hiện và sử dụng người tài hiện nay cho phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, đất nước. Nó phải được thực hiện một cách thường xuyên vì nếu quốc gia sử dụng được các nhân tài trên mọi lĩnh vực thì dân giàu nước mạnh. Nếu quốc gia chỉ sử dụng những kẻ bất tài vô dụng, phường giáo áo túi cơm thì dân nghèo, nước yếu.

Diệu Hương

Đọc nhiều