Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Chu Ngọc Anh: Dấu ấn của vị Tiến sĩ Vật lý với ngành KHCN Việt Nam
18/09/2020 17:45

Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, kỳ trước đã giới thiệu bài viết “PGS.TS Phạm Minh Chính – Dấu ấn từ cựu bí thư đổi mới đến Trưởng ban Tổ chức Trung ương” kỳ này Cánh Cò trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết “Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Chu Ngọc Anh: Dấu ấn của vị Tiến sĩ Vật lý với ngành KHCN Việt Nam”. Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã được tin tưởng giao phó trọng trách Phó bí thư Thành ủy Hà Nội. 

Theo xu hướng phát triển 4.0 toàn cầu, khoảng vài chục năm nữa, những thành phố hiện đại nhất sẽ dựa vào công nghệ thông tin để phát triển. Dự báo của giới chuyên môn cho thấy GDP của những thành phố công nghệ sẽ tăng 36% trong vòng 10 năm tới, so với mức tăng trưởng 19% của những thành phố đã phát triển khác. Không ngoài xu hướng đó, Việt Nam đang đẩy nhanh mọi nguồn lực nhằm tìm chỗ đứng trong danh sách về bảng xếp hạng các thành phố công nghệ. Trọng trách đó đang được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội. Và thật trùng khớp, khi người vừa được tin tưởng giao phó vị trí Phó bí thư Thành ủy Hà Nội – Tiến sĩ khoa học Chu Ngọc Anh không những đang đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, mà ông còn thể hiện niềm đam mê bất tận với lĩnh vực này.

Một điều thú vị khi nhắc đến Bộ trưởng Chu Ngọc Anh là sự nghiệp của ông gắn liền với công nghệ. Tiến sĩ Chu Ngọc Anh có xuất thân là một giảng viên Vật lý tại Đại học Bách Khoa Hà Nội danh giá. Với những đóng góp và sáng kiến về công nghệ, ông đã được tin tưởng giao trọng trách Trưởng phòng vô tuyến thuộc Bộ thông tin và truyền thông. Sau những nỗ lực khi đảm nhiệm chức vụ mới, ông tiếp tục nhận được phiếu tín nhiệm giao trọng trách Phó Vụ trưởng, Cục trưởng rồi đến Thứ trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Mặc dù, đã từng điều chuyển công tác làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, thế nhưng cái duyên với công nghệ không rời bỏ, khi một lần nữa ông tiếp tục được tín nhiệm giao trọng trách làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Với những gì đã cống hiến và thể hiện ở cương vị Thứ trưởng, cuối cùng ông đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Với tôn chỉ, “cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh, hiệu quả để đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc đời sống của của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam”. Chính vì vậy, trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chương trình hành động cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực tăng cường hoạt động khoa học và công nghệ để tạo nền tảng vững chắc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu như: Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; …

Vị tư lệnh ngành khoa học công nghệ chia sẻ, Doanh nghiệp dường như còn chưa có nhu cầu tự thân đối với công nghệ. Công nghệ nghiên cứu ra thì nhiều, nhưng muốn thành hàng hóa thì phải có đầu tư. Nhưng doanh nghiệp còn chưa có tư duy cạnh tranh bình đẳng với vũ khí là công nghệ. Nhằm cung cấp “vũ khí” trong thời đại 4.0, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động; thúc đẩy năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp… thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Đồng thời, khuyến khích nhập khẩu công nghệ tiên tiến, giải mã, làm chủ và bản địa hóa công nghệ nhập; liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đổi mới công nghệ.

Điều đáng nói, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã thể hiện tầm nhìn rất lớn của một người có thâm niên gắn bó với công nghệ 25 năm, khi không chỉ quan tâm về quyền sở hữu trí tuệ mà còn đặc biệt chú ý đến vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN). Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ thì lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tăng trên từ 15% mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các Cơ quan Sở hữu trí tuệ của từng quốc gia riêng rẽ, nghĩa là phải làm nhiều đơn khác nhau bằng ngôn ngữ và yêu cầu của các nước sở tại, và phải chịu nhiều khoản chi phí, đặc biệt là phí thuê luật sư. Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ KDCN của mình tại Việt Nam. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có một chính sách giúp hỗ trợ cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài vượt qua thành trì hành chính đầy nhiêu khê này. Với trăn trở đó, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ đã tìm mọi cách xúc tiến các thủ tục cần thiết để Việt Nam có thể gia nhập Thỏa ước Lahay. Hệ thống Lahay đã ghi nhận những bước phát triển rất đáng chú ý với sự tham gia các nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Canada. Không phụ lòng mong đợi, ngày 01/01 vừa qua, thỏa ước đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Điều đó cũng đồng nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp nước ngoài sẽ dễ dàng đăng ký, bảo hộ KDCN ở gần 70 nước.

Nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng việc nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như cải thiện môi trường đầu tư mà thời gian qua, Việt Nam đã đón nhận sự đầu tư của hàng loạt các tập đoàn công nghệ hàng đầu, mang lại một nguồn thu to lớn cho ngân sách nhà nước. Mà điển hình phải kể đến, Samsung – doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, có thời điểm đóng góp tới 28% giá trị GDP của Việt Nam. Và gần đây nhất, khi làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng xảy ra, việc đón tiếp hàng loạt tập đoàn quốc gia lớn, trong đó có cả những cái tên đầu bảng như Apple đã chọn Việt Nam là nơi “làm tổ” thì không thể quên mất công lao rất lớn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Từ những quyết định góp phần thay da đổi thịt của hàng loạt doanh nghiệp trong nước cũng như thu hút được làn sóng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp nước ngoài, để thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà ngày 18/09, ông được giao trọng trách Phó bí thư Thành ủy Hà Nội. Bởi hiện nay, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hà Nội ngoài vị trí là trung tâm về chính trị, kinh tế, giáo dục đào tạo, ngoại giao, thành phố còn xác định vị trí là một trung tâm lớn về khoa học công nghệ. Một đơn đặt hàng “thành phố thông minh” ở Đông Anh đã được Thủ tướng gửi tới Hà Nội. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn đối với thành phố chỉ 3.300 km2 và có tới hơn 7 triệu dân. Chính vì vậy, rất cần những vị lãnh đạo có kiến thức đủ lớn và kinh nghiệm đủ dày để thúc đẩy Hà Nội phát triển theo đúng xu hướng toàn cầu.

Với những kiến thức về công nghệ chảy trong trái tim và khối óc, tin tưởng rằng ông sẽ đảm nhiệm tốt trọng trách mới, dẫn dắt thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu của Châu Á. Và hơn cả, là mang lại cuộc sống hiện đại, đầy thỏa mái cho người dân.

BBT Cánh Cò

Tags:
Đọc nhiều