Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Vị Giáo sư điềm đạm dẫn dắt đầu tàu kinh tế của đất nước
31/07/2020 10:28

Theo tuyến bài DẤU ẤN NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI XII, kỳ trước đã giới thiệu bài viết “Phó thủ tướng trẻ nhất Việt Nam và anh hùng chống giặc thời bình Vũ Đức Đam”, kỳ này Cánh Cò trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Vị giáo sư có nhiều trăn trở về giáo dục và kinh tế của đất nước”. Ông Nguyễn Thiện Nhân được biết đến là một chính khách điềm đạm, hiếm hoi có cả học vị lẫn học hàm và giành được thiện cảm rất lớn của các chuyên gia quốc tế.

 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân được nuôi dạy bởi cha là Đại tá, giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, một trí thức hoạt động cho phong trào độc lập và thống nhất Việt Nam và mẹ là Thượng úy, bác sĩ, nguyên Trưởng phòng Y vụ Bệnh viện Thống Nhất TPHCM. Chịu ảnh hưởng của thân phụ, sau khi tốt nghiệp cấp 2, ông Nguyễn Thiện Nhân nhập Trường Văn hoá quân đội – Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó, ông tình nguyện nhập ngũ, phục vụ lâu dài trong Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi thi đạt điểm cao vào trường Đại học kỹ thuật quân sự. Và với tư cách là học viên xuất sắc nhất của trường ông được cử đi học tại Đức. Không chỉ đi tiếp thu kiến thức nơi nước bạn mà Bí thư Nguyễn Thiện Nhân còn là người có công gắn kết mối quan hệ ngoại giao của 2 nước Việt – Đức. Chính vì vậy, năm 2012, ông đã vinh hạnh được Tổng thống Đức tặng Huân chương Đại công trạng của Đức – Phần thưởng duy nhất và cao nhất vinh danh những cá nhân có đóng góp đặc biệt to lớn cho đất nước Đức.

Một điều khá thú vị là, sự học của ông gắn liền với sự nghiệp, cứ một thời gian công tác ở đâu đó xong là ông lại tiếp tục học để nâng cao kiến thức của mình. Đó là lý do vì sao, ông có 3 bằng đại học ở Megdeburg Đức, Harvard, Oregon (Mỹ) và cả Tiến sĩ danh dự ngành Thương mại của trường Đại học RMIT Việt Nam. Điều đó cũng góp phần tiếp nối truyền thống khi gia đình ông là một trong số gia đình ít ỏi ở Việt Nam có hai cha con được phong hàm Giáo sư.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là một trong những chính khách có thể thỏa mái giao tiếp, phát biểu bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức. Ông gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế bằng những kiến thức về kinh tế được trò chuyện thỏa mái bằng tiếng Anh. Thời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có bài giảng bằng tiếng Anh tại ĐH Ngoại thương Hà Nội khiến bao sinh viên trầm trồ thán phục. Hay trong những buổi gặp mặt tại các trường, ông thường sử dụng tiếng Anh trong suốt buổi nói chuyện, khiến học sinh vô cùng thích thú và hào hứng. Rất nhiều thế hệ học sinh đã coi ông như thần tượng về cách sử dụng ngôn ngữ quốc tế đầy thông thạo và gần gũi.

 

Sự nghiệp chính trị của ông cũng gắn liền với giáo dục, khi thực sự được người dân biết đến nhiều từ giữa năm 2006 trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà ông được tin tưởng giao nhiệm vụ “Tổng tư lệnh” ngành giáo dục, bởi từ những năm 1993 ông đã gắn bó với ngành trên cương vị là giảng viên Đại học Bách khoa, rồi sau đó là Tùy viên giáo dục ở Đại sứ quán Đức. Đặc biệt, ông Nguyễn Thiện Nhân là người nước ngoài đầu tiên được mời giảng một chuyên đề về “cạnh tranh” cho sinh viên kinh tế năm thứ 2 tại Khoa kinh tế doanh nghiệp của Trường Đại học Kỹ thuật Magdeburg Đức.

Không phụ sự mong đợi, từ khi đảm nhiệm chức vụ này, ông Nguyễn Thiện Nhân đã thay da đổi thịt nền giáo dục của đất nước lúc bấy giờ. Nhiều người nhắc đến ông với dấu ấn “Hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử” và “Nói không với việc chạy theo thành tích”. Với cách làm quyết liệt, bảng thành tích của ngành giáo dục cuối năm học 2006-2007 đã thay đổi rõ rệt qua kết quả tốt nghiệp THPT giảm gần 30% so với năm học trước đó, thậm chí có trường tỷ lệ đỗ là 0%. Tuy nhiên, việc học đã đi vào đúng thực chất khi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2008 đã diễn ra thành công với kết quả đỗ cao hơn năm trước: tỷ lệ đỗ khoảng 76%. Khi đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đã trở thành bộ trưởng hiếm hoi dám đưa ra những cam kết như “Sẽ không một sinh viên nào phải bỏ học”.

Ông cũng là Bộ trưởng góp phần xây dựng chính sách vay vốn cho sinh viên nghèo. Trước đó, nhiều học sinh học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn thường tìm đến các trường quân đội, công an, sư phạm để khỏi phải đóng học phí. Nhưng từ khi chính sách ưu việt đó ra đời, các thí sinh có lực học tốt – hoàn cảnh khó khăn đã có thêm nhiều lựa chọn. Không chỉ quan tâm đến học sinh mà ngay cả những cán bộ giáo viên cũng nhận được sự chú tâm đặc biệt của ông. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân từng được hàng trăm cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục vỗ tay rầm rầm bởi họ cảm kích trước những thấu hiểu của Tân bộ trưởng lúc đó dành cho các nhà giáo khi có những lời phát biểu gan ruột rằng, “Đó là những nụ cười ra nước mắt. Khi tôi lên các vùng cao và nói chuyện với các thầy cô ở đây, lúc nói chuyện, họ hay lấy tay che miệng. Không phải để làm duyên mà để che hàm răng đen vì phải thường xuyên ăn rau đắng. Ở đó, các thầy cô cũng không có nhiều P/S hay Colgate như ở dưới miền xuôi!”. Đáng quý hơn cả là với những trăn trở đó, ngay cả khi đã thôi giữ chức Bộ trưởng, ông vẫn luôn dành sự quan tâm đến ngành Giáo dục.

 

Nhắc đến Bí thư Nguyễn Thiện Nhân không thể không kể đến giai thoại  ở vai trò Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giai đoạn này ông có một biệt danh mới là “người hùng chống cát tặc”. Khi tiếp xúc cử tri, ông lắng nghe rất nhiều ý kiến về nạn khai thác cát không phép, trái pháp luật gây tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông khiến cuộc sống của bà con thêm cơ cực khốn đốn. Chỉ 1 đêm tất cả tài sản trôi theo dòng nước mà người dân chỉ biết đứng chết trân nhìn trong vô vọng. Tai nghe nhưng mắt phải thấy, chính bản thân ông đã đi thị sát hàng loạt các điểm nóng để hiểu rõ hơn về vấn nạn này. Ngay sau đó, thấu hiểu và đồng cảm với người dân ông đã mạnh dạn đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Sau tiếng nói thẳng thắn của ông rằng, “ nạn ‘cát tặc’ xảy ra công khai trong thời gian dài mà không bị xử lý chính là biểu hiện, là địa chỉ của lợi ích nhóm”, hàng loạt các vụ khai thác cát trái phép đã bị ngăn chặn, hàng loạt cá nhân đã bị khởi tố…

Ít ai biết rằng, ông Nguyễn Thiện Nhân đã được phong hàm Giáo sư ngành kinh tế từ năm 2002. Và ông cũng là cá nhân duy nhất được tôn vinh nhận giải thưởng Sao Khuê vì những đóng góp tích cực trong hoạch định và thi hành chính sách phát triển công nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin của Việt Nam từ thời đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM năm 2005. Ông và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là hai chính khách hiếm hoi được nhận giải Sao Khuê danh giá này. Có lẽ, đây cũng chính là những yếu tố quan trọng để ông nhận được phiếu tín nhiệm 100% trong 9 phương án nhân sự được Bộ Chính trị cân nhắc khi trao cương vị Bí thư Thành ủy TP HCM – một thành phố lớn và trung tâm kinh tế của cả nước vào ngày 10/5/2017. Khi nhận chức bí thư đây quả thật là một áp lực rất lớn vì lúc ấy, người dân TP HCM đang dành nhiều thiện cảm cho ông Đinh La Thăng, hơn nữa người tiền nhiệm bị điều chuyển giữa nhiệm kì để lại một mối ngổn ngang, rất nhiều khó khăn còn tồn đọng, trong đó điểm nóng ở Thủ Thiêm là gay gắt nhất.

Tháo gỡ điểm nóng ở Thủ Thiêm là việc đầu tiên được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tiến hành. Ông đã đến tận nơi, lắng nghe tiếng nói của nói của bà con, để thấu hiểu và để người dân nơi đây biết chính quyền TP HCM luôn đồng hành cùng họ. Ông đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của bà con khi tâm sự rằng: “Hôm nay gặp bà con lần đầu, thấy mọi người bức xúc quá, tôi không vui, không yên tâm. Chúng tôi làm việc vài năm nữa nghỉ hưu, nhưng bà con bức xúc hàng chục năm rồi”. Nhận thấy bà con nơi đây quá cơ cực, ông đã khuyên mọi người lên khu tái định cư ở tạm trong khi chờ quyết định của Thanh tra Chính phủ với lời hứa “không lừa bà con như lời hứa không phản bội Tổ quốc khi ông tình nguyện đi bộ đội năm 17 tuổi”. Ngay sau đó, đã có phương án đền bù cho người dân 4,3ha và người đứng đầu thành phố cũng đã chỉ đạo quận 2 tiếp xúc với 331 hộ để đưa ra chính sách cho người dân lựa chọn. Và điều đáng mừng hơn nữa là 66 cán bộ liên quan đến sai phạm Thủ Thiêm cũng đã bị xử lý. Trong đó, có cả những cán bộ cấp cao như ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy,… khiến người dân rất hồ hởi và tin tưởng.

Một điều khá thú vị ở vị Tân bí thư Nguyễn Thiện Nhân so với người tiền nhiệm Đinh La Thăng là phong cách lãnh đạo hoàn toàn trái ngược nhau. Đối với ông Đinh La Thăng, ta thấy sự ồn ào, cấp tập, luôn là tâm điểm chú ý của dư luận thì với ông Nguyễn Thiện Nhân ta lại thấy sự điềm đạm, luôn để cho các cộng sự của mình có tiếng nói, luôn có đất cho cấp dưới phát huy. Từ khi ông đảm đương chức vụ Bí thư, những lãnh đạo chủ chốt của TP HCM vẫn luôn thể hiện được sự chỉ đạo đối với những lĩnh vực chuyên trách. Các cơ quan truyền thông, vẫn đưa tin rải đều chứ không chú ý vào bất cứ vị lãnh đạo nào cả. Đây là một tuyệt vời hiếm có ở một vị lãnh đạo giữ cương vị cao như Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.

Có thể nói những gì báo chí đưa tin về ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Những gì chúng ta có thể nghe, thể thấy chỉ là một phần nhỏ đối với tâm huyết của ông dành cho đầu tàu kinh tế của cả nước – nơi ông vẫn gọi thân thương là “nhà”. Dưới sự lãnh đạo của ông, bộ máy thành phố làm việc rất trơn tru và hiệu quả. Minh chứng tiêu biểu nhất là đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Là một thành phố lớn, chưa kể đến dân cư mà lượng khách di chuyển qua lại cũng rất đông, đây là điều kiện tuyệt vời để dịch bệnh bùng phát vì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Thế nhưng, sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh, TPHCM đã làm rất tốt, phải nói là gần như rất an toàn trước dịch so với các địa phương khác, ngay cả trường hợp ổ dịch Buddha cũng đã được xử lý rất gọn gàng. Và cả trong đợt dịch mới này, khi những cơ quan đầu não của ban phòng chống dịch đã ra tiếp sức cho Đà Nẵng thân thương, thì cho đến nay TP HCM vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Sự tự tin đó đến từ những phương án chuẩn bị sẵn sàng khi có sự kiện là chủ động tiến hành ngay.

Bên cạnh vấn đề kiểm soát dịch bệnh, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không kể đến 6 tháng đầu năm của TP HCM vẫn tăng trưởng 1,02% so với cùng kì năm ngoái, góp phần giúp Việt Nam vụt lên là điểm sáng về kinh tế trên trường quốc tế. Nhưng điều đó vẫn tương đối nhỏ so với những nỗ lực của ông trong việc thành lập được thành phố phía Đông với quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo hướng phát triển công nghệ cao. Mô hình thành phố trong thành phố có thể gọi là một “di sản” của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Đây sẽ là quả đấm kinh tế, dự báo đóng góp đến 30% GRDP của TPHCM. Điều này đồng nghĩa “Thành phố phía Đông” sẽ đóng góp kinh tế gấp 3 lần so với mức bình quân của toàn thành phố. Đây cũng là tầm nhìn chiếc lược của người đứng đầu thành phố nhằm đón đầu làn sóng ồ ạt của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Không rầm rộ, không ồn ào, không khoa trương, có lẽ chính vì thế mà truyền thông ít nói về ông như những vị chính khách khác. Tuy nhiên, với những chiến công thầm lặng đóng góp cho đất nước, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân vẫn nhận được sự tín nhiệm rất lớn của lãnh đạo và cả trong nhân dân. Ở ông, người dân nhìn thấy hình ảnh một vị lãnh đạo “không nói mà làm” và có những phẩm chất rất đáng quý, xứng đáng để ngưỡng mộ. Với những gì ông đã cống hiến cho TP HCM không khó để hiểu vì sao ông nhận được phiếu tiến nhiệm 100% của Bộ chính trị.

BBT Cánh Cò

Đọc nhiều