Gymer có tiếng gây phẫn nộ khi đưa tin sai chuyến bay nghệ sĩ Chí Tài về Mỹ
Trên YouTube liên tục xuất hiện video đưa tin sai lệch về lịch trình chuyến bay chở linh cữu cố nghệ sĩ Chí Tài về Mỹ sẽ bị xử phạt như thế nào?
YouTube bất chấp câu view gây phẫn nộ
Đúng 16h ngày 12/12, linh cữu cố nghệ sĩ Chí Tài được đưa ra khỏi nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) để di chuyển ra sân bay về Mỹ theo nguyện vọng của gia đình.
Đúng 23 giờ ngày 12/12, chuyến bay đưa thi hài nghệ sĩ Chí Tài đã cất cánh, chở theo biết bao tình cảm, niềm thương tiếc của khán giả trong nước. Vì tình hình phức tạp của dịch bệnh nên không nghệ sĩ nào đi theo máy bay để đích thân đưa thi hài cố nghệ sĩ Chí Tài về xứ cờ hoa.
Được biết, chuyến bay số hiệu KE684 đã đáp ở Seoul (Hàn Quốc) vào lúc 3h55 phút rạng sáng ngày 13/12. Sau đó, linh cữu cố nghệ sĩ Chí Tài được di chuyển sang chuyến bay số hiệu KE17, lúc 8h30 sáng (theo giờ Việt Nam) sẽ tiếp tục khởi hành và lần này bay thẳng từ Hàn Quốc đến Mỹ. Dự kiến chuyến bay hạ cánh vào lúc 8h30 ngày 13/12 (theo giờ Mỹ, khu vực California), tức 23h30 tối 13/12 tại Việt Nam.
Dựa theo lịch trình đưa linh cữu cố nghệ sĩ Chí Tài về Mỹ được công bố ở trên, khoảng hơn 7 giờ đồng hồ nữa, linh cữu của cố danh hài mới về đến Mỹ
Song, trên YouTube đã xuất hiện hàng loạt video mô tả: “Nóng: Nghệ sĩ Chí Tài đã về đến Mỹ – vợ oà khóc nức nở khi gặp được chồng”, “Cố nghệ sĩ Chí Tài đã về đến Mỹ, vợ nghệ sĩ, Hoài Linh, Việt Hương đau đớn suy sụp”, “Vợ nghệ sĩ Chí Tài đã đón anh về nhà đoàn tụ và trực tiếp tổ chức lễ tang tạo nhà thờ Thánh Linh (Mỹ)”…
Đơn cử, trong đoạn video có tên “Nóng: Nghệ sĩ Chí Tài đã về đến Mỹ – vợ oà khóc nức nở khi gặp được chồng” của kênh Tin tức 24h TV, giọng đọc mô tả: “Linh cữu cố nghệ sĩ Chí Tài đã về đến Mỹ an toàn, máy bay hạ cánh tại sân bay Los Angeles (California), sau đó được đưa tới nhà tang lễ Peek Family… Vợ cố nghệ sĩ đã oà khoá nức nở khi thấy thi thể của chồng nhưng không được gặp mặt…”, đi kèm đó là những hình ảnh về linh cữu được khiêng xuống từ máy bay nhưng không phải là linh cữu của cố nghệ sĩ Chí Tài.
Trước việc đưa tin sai lệch của một số kênh YouTube, đông đảo khán giả tỏ ra vô cùng phẫn nộ. “Tẩy chay kênh này. Toàn ghép hình ảnh và đưa tin không trung thực. Sáng ngày 13 tháng 12 giờ bên Mỹ mới về tới. Giật tít tầm bậy”, “Linh cữu cố nghệ sĩ Chí Tài chưa về tới Mỹ đâu. Kênh này đưa tin không đúng nha cả nhà”… là một số bình luận của khán giả.
Mới đây nhất, dân mạng truyền tay nhau đoạn clip được cho là của một gymer khá có tiếng livestream nói về cố nghệ sĩ Chí Tài và vợ với những lời lẽ khiến người nghe vô cùng bức xúc. Chi tiết mời khán giả theo dõi video
Trước đó, tình trạng YouTube đưa tin sai lệch về đám tang của cố nghệ sĩ sinh năm 1958 cũng khiến dư luận phẫn nộ. Cụ thể, dù đám tang nghệ sĩ Chí Tài chưa diễn ra nhưng nhiều YouTuber đã đăng tải video giả livestream và thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ sau vài giờ đăng tải.
Tuy vậy, đây chỉ là video giả livestream. Nội dung video này chủ yếu là phát lại từ những hình ảnh của danh hài Chí Tài kèm theo giọng đọc thể hiện sự tiếc thương của nhiều nghệ sĩ.
YouTube đưa tin sai lệch có thể xử phạt thế nào?
Trao đổi với PV, luật sư Trần Anh Dũng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc một số YouTuber trà trộn vào chụp ảnh, quay lén clip trong tang lễ của nghệ sĩ Chí Tài là vi phạm pháp luật bởi vì không được cá nhân, gia đình họ đồng ý.
Bởi, theo điểm mới tại Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định tại Điều 32: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Trong đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, điểm 2, Điều 34: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định: Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Theo điểm 4 của Điều này: Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
Luật sư Trần Anh Dũng nhấn mạnh thêm, hành vi đưa thông tin chưa xác định, sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính theo các Điều, khoản tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trong đó, khoản 1a, Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Khoản 3e, Điều 102: Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Nếu nghiêm trọng hơn, việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng xã hội có thể xử lý hình sự theo Điều 156: Tội vu khống, Bộ Luật Hình Sự 2015. Theo đó, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
PV