419
category
456331

Mưu hèn, kế bẩn của những kẻ đi ngược lại lợi ích dân tộc

Komi 10/12/2020 17:54

Sáng 9/12, tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định mục tiêu của ngành giáo dục là trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số. Trái ngược với mong đợi của số đông về quyết tâm của ngành giáo dục, một số kẻ lại tiếp tục “cười nhạo” cho rằng Bộ trưởng Nhạ đang “mị dân”.

Chuyển đổi số trong giáo dục là nhiệm vụ phải làm và có thể làm

Tài khoản “Ngô Đồng” trên mạng xã hội Facebook có bài “BỘ TRƯỞNG NHẠ LẠI MỊ DÂN” trong đó khẳng định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ “nói hay, làm dở” khi đưa ra mục tiêu mà không đề cập các bước thực hiện. Cùng đó, người này cũng nhắc lại những tiêu cực trong ngành giáo dục nhiều năm qua như việc nữ giáo viên bị đưa đi tiếp khách, bạo lực học đường, xâm hại tình dục học sinh, gian lận điểm thi THPT quốc gia, mua bán bằng giả,… để khẳng định mục tiêu của ngành giáo dục không thể thành công.

Cách nhìn nhận vấn đề từ “Ngô Đồng” và một nhóm người ủng hộ thể hiện sự phán xét chủ quan, cảm tính và hoàn toàn không có thiện chí đóng góp, xây dựng chung. Chủ đích của những lời phán xét này rõ ràng là nhằm tấn công, hạ bệ ngành giáo dục, bôi lem người đứng đầu ngành giáo dục mà thôi.

Chuyển đổi số trong giáo dục là tất yếu và khả thi

Xét về tính thời điểm, Bộ Giáo dục đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục là hoàn toàn cấp thiết, không phải “nói để oai” hay “nói cho vui”. Đứng trước sự phát triển nhanh chóng và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không chỉ riêng ngành giáo dục mà tất cả các ngành khác như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng,… đều phải coi chuyển đổi số là mục tiêu tiên quyết phải đạt được. Bởi lẽ, trong kỷ nguyên công nghệ số, không có chuyển đổi số sẽ đồng nghĩa với thất bại, tụt hậu.

Ngành giáo dục với quyết tâm thay đổi mạnh mẽ như vậy xứng đáng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội chứ không phải sự dè bỉu, chê bai hay hoài nghi.

Xét về tính khả thi, Việt Nam cũng đầy đủ các yếu tố về nhân lực và khoa học kỹ thuật để đưa ngành giáo dục có bước phát triển vượt bậc trong chuyển đổi số. Ngay trong buổi hội thảo ngày 9/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh “chuyển đổi số là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải là có khả năng hay không”.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới tự nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ 5G. Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart (một doanh nghiệp Việt Nam) cũng công bố phát triển thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G. Và còn vô số các công ty công nghệ khác đang trên đà phát triển mạnh mẽ, sằn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về cơ sở, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ,… giúp chuyển đổi số cho tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Đây là cơ sở, niềm tin vào một sự chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc đua công nghệ số không chỉ riêng ngành giáo dục mà là tất cả các ngành, lĩnh vực khác.

Xét về lộ trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin ngành Giáo dục hiện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục vẫn xác định việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất để việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời hiệu quả, mang lại giá trị. Ngoài ra, Bộ Giáo dục còn xác định phải trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo các cấp học.

Như vậy, lộ trình phát triển của Bộ Giáo dục đưa ra là rất hợp lý, dựa trên cơ sở những thành tựu đã có chứ không hề mơ hồ, xa xôi.

Xét về biện pháp thực hiện, Bộ Giáo dục cũng đã xác định và chỉ ra cần xây dựng đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường đại học được yêu cầu rà soát để mở mã ngành chưa có trong truyền thống nhằm phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp.

Tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ký kết hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Rõ ràng, những nỗ lực, cố gắng của ngành giáo dục trong mục tiêu chuyển đổi số đã được tính toán rất cụ thể, chi tiết với những bước thực hiện bài bản. Có thành công hay không phụ thuộc vào quyết tâm và quan trọng hơn là ủng hộ, đoàn kết của cả dân tộc. Trách nhiệm đưa giáo dục nước nhà dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà cần sự đóng góp của tất cả chúng ta.

Thay vì chỉ trích, chê bai như Ngô Đồng hay một số người khác, ủng hộ bằng trí tuệ, vật chất, sức lực hay đơn giản chỉ là mặt tinh thần cũng đều là cách mà mỗi người dân Việt Nam đóng góp chung cho sự phát triển của ngành giáo dục nói riêng, cả cả đất nước nói chung!

Komi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều