Xung đột Nga – Ukraine: Cái giá cho sự chiến thắng?

Bảo Trâm 05/06/2022 15:39

Trong bài viết phần 1, trang Le Figaro đã phân tích kỹ càng những diễn biến quân sự xảy ra xuyên suốt từ tháng 2 đến nay giữa Nga – Ukraine. Với phần này, chúng ta cùng phân tích xem liệu Nga chiến thắng hay thất bại khi mở ra giao tranh giữa hai nước.

Chiến lược của Nga thất bại?

Phải khẳng định rằng chiến lược của Nga ở Ukraine đã thất bại. Ban đầu, chiến lược này phản ánh truyền thống “các chiến dịch thọc sâu” của Liên Xô trước đây. Đây không phải là chiến lược kiểu “blitzkrieg” (chiến tranh chớp nhoáng) nổi tiếng của Đức vốn dựa vào một mũi tấn công thần tốc ban đầu, mà là phát động cùng lúc các mũi tấn công thọc sâu trên nhiều mặt trận rộng lớn nhằm tạo ra một “cú sốc”, từ đó chia nhỏ và phá vỡ cấu trúc lực lượng đối phương.

“Binh pháp” của Nga nhấn mạnh các chiến dịch quy mô lớn bao vây đối phương, dồn đối phương vào các “túi lớn” – một ý đồ đang được thực hiện, nhưng ở quy mô nhỏ hơn, nhằm tạo gọng kìm siết chặt các lực lượng Ukraine ở Donbass. Nhưng ở Kiev, Kharkov, Chernihiv hoặc Mykolaiv, quy mô lớn hơn nhiều.

Nga đang đứng trước nguy cơ sa lầy và rơi vào một cuộc chiến tranh tiêu hao lực lượng kéo dài, với việc buộc phải duy trì vòng vây bao quanh các thành phố lớn, nơi lợi thế thuộc về lực lượng phòng thủ của đối phương. Để tránh một thất bại như vậy, Moskva đã phải từ bỏ các cuộc bao vây quy mô lớn để tái triển khai lực lượng tập trung vào khu vực Đông Nam Ukraine.

Pháo binh Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt

Tuy nhiên, ở Donetsk và Luhansk, người Ukraine đang chống trả quyết liệt bằng các đội quân đô thị. Nga đã mất rất nhiều thời gian và chịu nhiều tổn thất để giành giật từng kilomét tại chiến trường này. Việc điều chỉnh chiến dịch của Moskva còn lâu mới đi đến thắng lợi, bởi nếu như các lực lượng Nga từ mặt trận phía Bắc được tái triển khai về Donbass, thì quân đội Ukraine cũng có động thái tương tự.

Trông cậy ngày càng nhiều vào pháo binh

Từ khi bùng nổ xung đột đến nay, giới quan sát quân sự nhận ra rằng chiến thuật của Nga đã có sự thay đổi như một phản ứng trước sự kháng cự không thể ngờ tới của Ukraine. Trong ngày đầu tiên, các cuộc tấn công dữ dội của Nga được thực hiện trên toàn lãnh thổ Ukraine, với 160 tên lửa tầm xa được bắn trong một đêm theo thống kê của Mỹ, mà tầm bắn thậm chí vươn đến tận thành phố Lviv ở vùng Viễn Tây của Ukraine.

Các khẩu đội tên lửa Iskander- M đặt tại Nga và Belarus đã được sử dụng, ngoài ra còn có tên lửa hành trình Kalibr bắn từ tàu hoặc tên lửa bắn từ máy bay chiến đấu. Người Nga nhắm mục tiêu vào các kho đạn dược, trung tâm chỉ huy, căn cứ không quân và hệ thống phòng không hòng tiến hành các chiến dịch trên bộ trong khi làm chủ bầu trời và tấn công đối phương đang trong tình trạng vô tổ chức.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vẫn chưa đến hồi kết. (Ảnh: Reuters)

Những cuộc oanh kích chính xác gợi nhớ đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq năm 2003. Do không đạt được mục tiêu ban đầu, tức là đảm bảo quyền kiểm soát hoàn toàn bầu trời và gây rối loạn cho hệ thống chỉ huy của đối phương, Nga đã buộc phải thay đổi chiến thuật. Kể từ đầu tháng 3, quân đội Nga đã tăng cường ngày càng nhiều trận địa pháo trên khắp chiến tuyến, theo đúng như học thuyết của Liên Xô trước đây.

Có rất nhiều video cho thấy quân đội Nga sử dụng dàn phóng tên lửa đa nòng, chẳng hạn các dàn Grad và Smerch, hay còn gọi là kẻ thừa kế “dàn pháo Stalin” thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Thậm chí dàn TOS-1 phóng đạn nhiệt áp có sức phá hủy đặc biệt tàn khốc cũng được mang ra sử dụng. Máy bay tiêm kích Sukhoi, ban đầu bị hạn chế, cũng được tăng cường. Đến giữa tháng 4, máy bay ném bom Tupolev cũng lần đầu tiên được nhìn thấy trên bầu trời Ukraine, cho thấy sự gia tăng sức mạnh tấn công của Nga.

Theo Washington, các vụ phóng tên lửa chính xác tầm xa vẫn đang tiếp diễn cho dù kho vũ khí này của Nga không phải là vô hạn: Quân đội nước này có thể đã bắn hơn 1.000 quả trong tổng số ước tính từ 1.500 đến 2.000 quả. Người Nga cho biết lần đầu tiên họ sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal. Việc sử dụng loại vũ khí “chiến lược” này mang hàm ý gửi một thông điệp tới phương Tây và là một phần của “quy tắc” răn đe được áp dụng kể từ khi xung đột bùng nổ.

Nga công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine với mục đích “bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk”.

Sức kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine

Về phía Ukraine, trang bị phần lớn có nguồn gốc từ Liên Xô, vì vậy khá giống với trang bị của người Nga. Nhưng Kiev cũng có thể dựa vào các loại vũ khí mà phương Tây cung cấp từ năm 2014 và đặc biệt từ hơn hai tháng qua, nhất là tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger. Các tháp pháo xe tăng T-72 hoặc T-90 của Nga mặc dù được trang bị lồng “chống Javelin” nhưng hiệu quả cũng chỉ tương đối. Từ khi bắt đầu chiến tranh đến nay, thế giới đã được xem rất nhiều hình ảnh những chiếc xe tăng Nga bị bốc cháy. Đã có hơn 1000 xe tăng Nga bị phá hủy hoặc bị bắt giữ tại các chiến trường Ukraine.

Ukraine cũng có máy bay không người lái Bayraktar TB2 mua của Thổ Nhĩ Kỳ mà hiệu quả đã được chứng minh ở Syria, Libya hoặc Nagorno- Karabakh. Một số đoàn xe của Nga đã bị phá hủy, bao gồm các hệ thống phòng không không thể phản ứng. Hệ thống phòng không Ukraine vẫn tồn tại cho dù đã chịu tổn thất nặng nề sau các cuộc không kích của Nga. Nhiều máy bay chiến đấu và trực thăng của Nga đã bị bắn hạ trong những tuần gần đây.

Tổn thương của bộ binh Nga, cụ thể là những đơn vị tham gia tấn công nhưng không có sự hỗ trợ thường xuyên của không quân hoặc các phương tiện trinh sát thích hợp, là điều hiển nhiên. Quân đội Nga cũng bộc lộ những yếu kém về hỗ trợ hậu cần, một vấn đề mang tính “truyền thống” nhưng càng trở nên trầm trọng hơn trên một chiến tuyến trải rộng. Giao thông liên lạc cũng có vẻ là một điểm yếu, khi các binh sĩ Nga được thấy sử dụng các bộ đàm dân sự đơn sơ dẫn đến thông tin truyền đi bị phía Ukraine gây nhiễu hoặc ngăn chặn.

Nga vẫn còn khả năng chiến thắng?

Tất nhiên, tất cả những thông tin trong bài này cần được kiểm chứng thận trọng, bởi rất khó để đánh giá tình hình thực tế do những hình ảnh được công bố trên mạng xã hội có thể tạo ra “hiệu ứng phóng đại”, gây hiểu lầm, trong khi lợi thế truyền thông chiến tranh đang nghiêng về Kiev.

Tiếp theo là gì? Tướng Olivier Kempf, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS), phân tích trên Twitter: “Chúng ta đang chứng kiến một cường quốc hạt nhân tấn công một quốc gia phi hạt nhân và cán cân quyền lực, trên lý thuyết, rõ ràng nghiêng về phía người Nga. Đây là lý do giải thích tại sao ban đầu giới quan sát nghĩ đến một cuộc xung đột bất đối xứng.

Tuy nhiên, diễn biến của cuộc chiến khiến dư luận không khỏi nghĩ về một cuộc xung đột cân xứng”. Khoảng 150.000 binh sĩ Nga đã tham chiến ở Ukraine, một con số thực sự rất nhỏ để có thể xâm lược một đất nước rộng lớn như vậy.

Câu hỏi lớn nhất bây giờ là số phận của Donbass: Liệu Nga có đánh bại người Ukraine trong một trận chiến quyết định? Và nếu vậy, liệu Moskva có thể tiếp tục cuộc tấn công về phía phía Tây Crimea để thâu tóm bờ biển Đen và tước đoạt quyền tiếp cận đường biển của Ukraine? Điều này khiến người ta liên tưởng tới tuyên bố gần đây của một tướng Nga, người đã nhắc đến mục tiêu kiểm soát toàn bộ miền Nam Ukraine, thậm chí trích dẫn trường hợp nước láng giềng Transnistria, một nước cộng hòa ly khai thân Nga của Moldova.

Nhưng cũng không nên đánh giá quá cao sức nặng của những phát biểu này, đặc biệt ở khía cạnh quân sự, bởi một mục tiêu như vậy không thể đạt được trong ngắn hạn. Ngược lại, liệu người Ukraine có thể thực hiện một cuộc phản công quy mô lớn, chẳng hạn ở phía Nam gần Kherson? Việc chuyển giao vũ khí hạng nặng của phương Tây, đặc biệt là các loại pháo và thiết giáp, có thể giúp gì cho họ ở nơi này? Một lần nữa, còn quá sớm để tìm ra câu trả lời.

Thực ra, người Nga vẫn còn khả năng giành một chiến thắng về mặt quân sự, nhưng vấn đề là với cái giá nào? Tướng Olivier Kempf kết luận: “Chiến tranh càng kéo dài, thì một bên hoặc bên kia càng ít sẵn sàng từ bỏ cuộc chơi. Chiến tranh do đó sẽ còn kéo dài. Và dù Ukraine có giành chiến thắng đi chăng nữa thì họ cũng phải gánh chịu những tổn thất rất nặng nề do cuộc chiến gây ra”.

Bảo Trâm (Theo Le Figaro)

Đọc nhiều