Xung đột Nga – Ukraine: Bên nào sẽ giành chiến thắng?
Mới đây, trang Le Figaro đã có bài viết với tiêu đề “Chiến tranh ở Ukraine và trận chiến Donbass”, qua đó đánh giá lại toàn bộ diễn biến chiến sự tại Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay.
Theo bài viết, sau hơn hai tháng giao tranh, quân đội Nga đã có những thay đổi quan trọng cả về chiến lược và chiến thuật trên chiến trường Ukraine. Trong khi đó, mặc dù đã để mất nhiều vị trí quan trọng ở Donbass vào tay Nga, nhưng quân đội Ukraine vẫn nỗ lực cầm cự và chờ đợi cơ hội phản công với những trợ giúp quân sự từ phương Tây. Chiến tranh dường như sẽ kéo dài và chưa thể khẳng định ai sẽ giành chiến thắng, song những tiêu hao lực lượng nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra.
Theo Le Figaro, chiến tuyến đã thay đổi đáng kể kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24/2/2022. Đến những ngày đầu tháng 4, chiến dịch này lộ diện như một cuộc xâm lược toàn diện với ba mặt trận ở phía Bắc, Nam và Đông.
Nhưng rồi quân đội Nga đã từ bỏ mặt trận Kiev và tái triển khai lực lượng ở khu vực phía Đông Donbass, một vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai từ năm 2014. Đây là nơi tập trung giao tranh và có thể trở thành một trận chiến leo thang mang tính quyết định. Ngày 27/4, Ukraine thừa nhận mất quyền kiểm soát tại nhiều cứ địa vào tay người Nga. Ngược lại, ở phía Nam, tiền tuyến không có nhiều thay đổi.
Cho dù đang tái định hướng chiến lược nhằm vào Donbass, giống như một “chương II” của chiến tranh ở Ukraine, Nga vẫn đang dấn mình vào một chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ năm 1945. Không kể Nga, Ukraine là quốc gia lớn nhất ở châu Âu (603.548 km2), lớn hơn Pháp (543.940 km2). Chỉ hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Luhansk tạo thành Donbass (52.000 km2) đã có diện tích tương đương Bosnia-Herzegovina (51.000 km2) và lớn hơn nhiều so với Bỉ (30.000 km2).
Bởi vậy, Moskva đã không thể tiêu diệt quân đội Ukraine hoặc lật đổ chính phủ nước này. Kể từ ngày 24/2, người Ukraine đã cho thấy một tinh thần phản kháng quyết liệt. Nga chỉ kiểm soát được một thành phố lớn là Kherson (hoặc gần như hai thành phố với cảng chiến lược Mariupol) và đã từ bỏ chiến dịch bao vây Chernihiv, Kharkov hoặc Kiev.
Cuộc giao tranh, hứa hẹn sẽ kéo dài trừ khi có một bước đột phá ngoại giao lớn ở giai đoạn này, phần lớn diễn ra ở các khu vực đô thị, dẫn đến các cuộc đụng độ chết người, kể cả đối với dân thường.
Mặt trận phía Đông, trận chiến quyết định ở Donbass
Ở phía đông Ukraine, các lực lượng Nga vẫn tiếp tục tạo áp lực ở vùng ngoại ô Kharkov để giữ chân lực lượng Ukraine tại thành phố lớn thứ hai Ukraine với 1,5 triệu dân này. Tuy nhiên, quân đội của Putin đã từ bỏ nỗ lực bao vây thành phố nói tiếng Nga hiện đang được đánh giá là ngoài tầm với của họ.
Các lực lượng Nga cũng rời khỏi Sumy, xa hơn về phía bắc Ukraine, nằm trên trục đường dẫn thẳng đến Kiev. Bất luận thế nào, mặt trận phía Đông vẫn mang tính chiến lược nhất bởi đây là hướng tấn công chính của Nga tại Donbass, khi quân ly khai đang kiểm soát 50% khu vực Donetsk và 90% của Luhansk. Phòng tuyến của Ukraine được bố trí dày đặc ở khu vực này, với khoảng 40% lực lượng của Kiev được rải khắp các công sự được xây dựng từ năm 2014. Các lực lượng Nga đang cố gắng vượt qua hệ thống công sự Ukraine bằng gọng kìm xuất phát từ phía Bắc và từ phía Nam Donbass.
Ở phía Bắc Donbass, chiến sự vẫn diễn ra ác liệt kể từ khi người Nga chiếm được toàn bộ thành phố Izyum ở thời điểm đầu tháng 4. Tuy nhiên, các đơn vị Nga không thể tiến nhanh bởi các khu vực đô thị hóa đang gây rất nhiều khó khăn cho việc triển khai tấn công. Ngày 19/4, Nga tuyên bố chiếm được thành phố Kreminna và sau đó một tuần, Ukraine thừa nhận đã để mất một số cứ địa, bao gồm Zavody, một phần của Velyka Komyshuvakha, Zarichne và Novotoshkivske.
Không có cứ địa nào có tầm quan trọng chiến lược, nhưng việc đánh chiếm thành công các khu vực này cho thấy Nga đã tạo được một bước đột phá đối với các mục tiêu ở Donbass: Trước hết là các thành phố Sievierodonetsk và Lisichansk ở Luhansk và sau đó là các thành phố Sloviansk và Kramatorsk ở Donetsk. Kramatorsk thậm chí còn là thủ phủ vùng của Chính quyền Ukraine kể từ khi quân ly khai chiếm được thành phố Donetsk năm 2014.
Tình hình chiến sự ở phía Nam Donbass cũng hết sức khốc liệt do có hải cảng Mariupol trên biển Azov. Được hỗ trợ của lực lượng ly khai Donetsk và Luhansk và các chiến binh Chechnya, một chủ bài của Điện Kremlin nhờ có kinh nghiệm chiến đấu trong đô thị, quân đội Nga tiến hành bao vây thành phố cảng kể từ đầu tháng 3. Đến ngày 21/3, Nga tuyên bố thâu tóm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố, ngoại trừ khu phức hợp luyện kim Azovstal.
Ở phía Nam Donbass, bước đột phá bị chặn ở sông Dnieper
Trận chiến Mariupol và rộng hơn là trận chiến Donbass không còn giới hạn ở mặt trận phía Đông Ukraine. Việc bao vây thành phố và nỗ lực tạo gọng kìm ở khu vực sẽ không thể thực hiện được nếu ở mặt trận phía Nam Ukraine, quân đội Nga không thể vượt ra ngoài Crimea để hình thành một hành lang trên bộ giữa bán đảo được Moskva sáp nhập vào năm 2014 và các vùng ly khai Donetsk và Luhansk. Trước khi tiến đến điểm then chốt Mariupol, quân Nga đã đánh chiếm thị trấn Melitopol ngày 26/2, sau đó một ngày là cảng Berdiansk.
Do vậy, mặt trận phía Nam Ukraine chắc chắn có mục tiêu kiểm soát bờ biển Azov, nơi sẽ trở thành một “vùng hồ” của Nga, nhưng không chỉ có vậy. Nó cũng cho phép người Nga đi ngược lên từ phía Bắc Crimea để tạo thành một mũi của gọng kìm.
Như vậy, từ Bán đảo Crimea, quân đội Nga đã đột phá lên phía Bắc để chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vào ngày 3/3, nằm dọc sông Dnepr ở phía Nam thành phố Zaporizhzhia, nơi sau này có thể là mục tiêu tiếp theo của Moskva. Trong hai tuần, Nga đã lấn dần lãnh thổ Ukraine ngay cả khi bước tiến của họ không nhanh như giai đoạn đầu cuộc chiến.
Ngược lại, việc kiểm soát rìa biển Đen ở phía Tây Crimea, cho dù về lý thuyết vẫn là một mục tiêu khả thi, không còn mang tính thời sự trong ngắn hạn. Tại hướng này, chiến tuyến không có gì thay đổi, với các cuộc phản công cục bộ của Ukraine và sự đáp lại của các lực lượng Nga. Ban đầu, tức là những ngày đầu của cuộc xâm lược, các lực lượng Nga đã rất nhanh chóng đẩy lùi các lực lượng Ukraine từ phía Tây Bắc Crimea.
Từ ngày 2/3, Nga chinh phục thành phố lớn Kherson từ cửa sông Dnepr, một điểm chiến lược do đây là nguồn cung cấp nước cho Bán đảo Crimea. Các đơn vị Nga đã vượt qua con sông lớn để sang bờ bên kia và tiến đến Mykolaiv, nhưng đã không bao vây được thành phố cảng này. Thậm chí các lực lượng này đã nhanh chóng bị đẩy lùi về phía Odessa, thành phố lớn thứ ba của đất nước và là một hải cảng quan trọng trên bờ biển Đen, nơi được cho là hướng tiếp cận tiềm tàng của lực lượng “lính thủy đánh bộ” Nga.
Cuộc đổ bộ của hải quân đã không diễn ra khi cuộc tấn công mặt đất bị ngưng trệ, và giờ đây gần như là không thể thực hiện được sau khi tàu tuần dương Moskva bị bắn chìm. Ngoài ý nghĩa biểu tượng, việc mất soái hạm Nga của Hạm đội biển Đen cho thấy Kiev vẫn có đủ phương tiện cần thiết để ngăn chặn Nga sử dụng hải quân để tiếp cận các vùng biển của Ukraine.
Ngược lại, về lâu dài, trận thua này của Nga rất có thể khiến Moskva muốn đẩy mạnh cuộc tấn công theo hướng Tây Crimea. Nếu mất Odessa, một thành phố được thành lập vào năm 1794 bởi Hoàng hậu Nga Catherine II, Ukraine sẽ thực sự bị tước bỏ mọi quyền tiếp cận biển. Nhưng Kiev có thể yên tâm bởi các lực lượng Nga đang bị dồn vào thế phòng thủ và bị chia cắt ở Kherson.
Ở mặt trận phía Bắc Ukraine, trận chiến Kiev kết thúc
Tình thế đảo ngược đáng chú ý nhất chính là sự kết thúc, ít nhất là tạm thời, của trận chiến Kiev vào đầu tháng 4. Trước các đợt phản công dữ dội của Ukraine, quân đội Nga đã rút khỏi khu vực miền Bắc khi chỉ còn cách trung tâm thủ đô 30 km. Việc chiếm giữ cái nôi của “Nhà nước Kiev” thế kỷ thứ 9, nhà nước Slavơ lớn đầu tiên mà Ukraine và Nga tranh chấp quyền hậu duệ, và thậm chí khu đô thị của 2,8 triệu dân đã vượt ra ngoài tầm với của Nga.
Quân đội của Putin không thể dàn trải lực lượng để bao vây một khu vực có chu vi lên tới 150 km. Ngay cả khi không chính thức bị đánh bại, do đã rút khỏi khu vực, thì đây vẫn giống như một thất bại đối với Điện Kremlin bởi khi phát động cuộc chiến, với việc triển khai một lực lượng đông đảo, quân đội Nga đã coi miền Bắc Ukraine là mặt trận chiến lược nhất.
Do đó, việc điều chỉnh hướng tấn công về Donbass phải được xem là quyết định thu nhỏ các mục tiêu của Nga. Lập luận của Moskva rằng chiến dịch Kiev thực ra chỉ là thứ yếu và nhằm mục đích khu biệt các lực lượng Ukraine ở đó dường như không đáng tin cậy nếu xét đến việc triển khai các lực lượng Nga giai đoạn đầu cuộc xâm lược. Thực tế đã có ba mũi tiến công hướng về Kiev.
Với hai mũi đầu tiên, các lực lượng Nga đã hành quân từ lãnh thổ Belarus theo hai bên bờ sông Dnepr. Quân Nga đã tiến đến phía Tây thủ đô và gây ra các cuộc giao tranh dữ dội ở Irpin và Bocha, một địa phương ghi nhận nhiều thi thể thường dân bị bắn chết. Họ cũng tiếp cận Brovary ở phía Đông Kiev. Cánh quân này đi ngược qua thành phố Chernihiv, nơi các đơn vị Nga đã không thể chiếm giữ hoặc bao vây hoàn toàn.
Cuối cùng, mũi tấn công thứ ba trực tiếp đến từ mặt trận phía Đông Ukraine, xuất phát từ lãnh thổ Nga, không phải Belarus, sau khi bao vây thành phố Konotop. Cả ba cánh quân hướng về thủ đô này đều đã rút hết.
Kế hoạch ban đầu của Nga mở một cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào thủ đô Kiev để hạ bệ Chính phủ Ukraine đã thất bại. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch, Nga đã cho các trực thăng đổ quân xuống sân bay Antonov ở Hostomel, cách trung tâm Kiev chỉ 20 km. Mục tiêu là trấn giữ khu vực để thiết lập một đầu cầu hàng không hòng tấn công ngay vào trung tâm thủ đô. Nhưng các lực lượng Ukraine đã phản công mạnh mẽ, gây tổn thất nặng nề cho đối phương, khiến Nga không thể triển khai nhanh chóng quân tiếp viện.
Liệu Nga đã thất bại? Còn tiếp…
Bảo Trâm (Theo Le Figaro)