Xung đột Mỹ – Iran có ảnh hưởng kinh tế Việt Nam?
Các chuyên gia phân tích trước hàng loạt câu hỏi từ người dân rằng liệu sự căng thẳng Mỹ – Iran có ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam và cả khả năng đầu tư của người dân vào vàng, chứng khoán… như thế nào.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng khó có khả năng có ảnh hưởng lớn và nếu có cũng là chuyện ảnh hưởng của toàn cầu.
Giá vàng phụ thuộc tình hình Mỹ – Iran
Sau khi tăng lên mức đỉnh 7 năm, cuối ngày 7-1 giá vàng thế giới đã giảm xuống mức 1.565 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 43,83 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cũng giảm 450.000 đồng/lượng, xuống còn 44 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán vàng miếng tại Công ty SJC giảm xuống còn 350.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới quay đầu đi xuống khi giới đầu tư bớt lo về căng thẳng Mỹ – Iran. Trước đó, giá vàng thế giới đã “bùng nổ” và tăng lên mức cao nhất kể từ quý 2-2017. Chỉ tính riêng năm 2019 giá vàng thế giới đã tăng hơn 20%. Giá vàng trong nước cũng tăng tương tự và bám sát giá vàng thế giới.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng trong ngắn hạn giá vàng có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên về trung hạn, từ 6 tháng đến 1 năm, Iran không thể gây chiến tranh quy mô lớn do nguồn lực có hạn.
Ở góc độ khác, dù giá vàng tăng nhưng chỉ số USD – Index tăng, bên cạnh đó trái phiếu Mỹ cũng tăng giá đã thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào kinh tế Mỹ. Do vậy yếu tố kinh tế không hỗ trợ cho giá vàng tăng.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng hiện giá vàng đã ở mức tương đối cao. Trong ngắn hạn diễn biến giá vàng sẽ phụ thuộc vào tình hình Mỹ – Iran, còn về trung hạn khả năng giá vàng sẽ giữ ở mức hiện nay.
Chuyên gia Trần Thanh Hải cũng nhận định thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ đã đến rất gần. Do vậy xung đột giữa Mỹ – Trung và Mỹ – Iran sẽ được kiểm soát ở mức độ nhất định nên giá vàng thế giới sẽ khó có thể tăng phi mã như nhiều nhận định.
Do vậy, theo ông Hải, nhà đầu tư nên cân nhắc các yếu tố này khi đổ vốn vào vàng. Tuy nhiên nếu xung đột Mỹ – Iran đi theo hướng xấu hơn đẩy giá vàng thế giới tăng lên ngưỡng mới thì sẽ kích hoạt tâm lý người mua do họ lo ngại giá vàng còn tăng nữa và sợ vuột mất cơ hội.
Mặt khác, đang cận Tết Nguyên đán, người lao động được nhận lương và tiền thưởng cuối năm nên nhu cầu mua sắm vàng, nữ trang cũng tăng.
VN-Index tăng nhưng khó bền
Ngày 7-1, cả VN-Index và chứng khoán thế giới đã bước vào sắc xanh phục sau khi giảm mạnh. Cụ thể, sau khi “rớt thảm” 9,35 điểm trong phiên 6-1, chốt phiên giao dịch 7-1, sàn VN-Index đã hồi phục 3,09 điểm (+0,32%) lên mức 958,88 điểm. Toàn sàn có khối lượng giao dịch đạt hơn 181,62 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch ước tính đạt 3.664 tỉ đồng. Sàn có 169 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 161 mã giảm giá.
Ông Phan Dũng Khánh – giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng – nhận định thông tin Hạ viện Mỹ sẽ giới hạn quyền lực của Tổng thống Donald Trump tấn công Iran đã tác động đến thị trường chứng khoán, khiến tâm lý nhà đầu tư có phần nào tốt hơn. Đồng thời, việc giá vàng rời mốc cao kỷ lục, giá dầu quay đầu giảm nhẹ cũng khiến các nhà đầu tư quan tâm kênh đầu tư chứng khoán.
Thêm vào đó, theo ông Khánh, VN-Index có tăng nhưng không ổn vì phiên trước đã giảm mạnh, phiên sau chỉ tăng lên không đáng kể, chưa lấy lại được những gì đã mất. Đồng thời, thanh khoản cũng khá yếu. Vì vậy, sự phục hồi này chỉ mang tính kỹ thuật.
Có thể áp lực lên lạm phát
Theo chuyên gia Võ Trí Hảo, với một quốc gia có độ mở kinh tế lớn, giao thương xuất khẩu ra nhiều quốc gia như Việt Nam, việc các xung đột trên thế giới diễn ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Từ khi xung đột Mỹ – Iran xảy ra, giá vàng, giá dầu và tỉ giá đồng USD đã biến động ít nhiều, trong đó giá dầu đã tăng gần 4%, các doanh nghiệp được khuyến khích theo dõi tình hình thế giới cũng như đánh giá tác động dự báo.
Ông Võ Trí Hảo cho biết trước mắt xuất nhập khẩu của VN sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do quan hệ kinh tế của Việt Nam với Iran không lớn, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường bên ngoài vẫn đang rất tốt. Riêng giá vàng có biến động mạnh những ngày qua nhưng sẽ chỉ tác động đến giới đầu cơ, từ lâu người dân không còn trữ vàng.
Ngay trong năm 2019, giá vàng thế giới đã tăng hơn 18% và trở thành một trong những tài sản trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, tuy nhiên, thị trường vẫn khá trầm lặng.
“Vàng là mặt hàng xa xỉ, bằng chứng là nhiều ngày qua, khi giá vàng tăng lượng giao dịch không tăng đột biến, do đó có thể nói không liên quan nhiều đến chỉ số CPI. Tuy nhiên, giá vàng tăng có thể hấp dẫn một số nhà đầu tư chuyển đổi từ danh mục đầu tư bất động sản sang vàng” – ông Hảo nhận định. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng có thể ảnh hưởng đến nỗ lực giữ lạm phát thấp của Việt Nam.
Theo ông Phạm Việt Anh – chuyên gia tư vấn và phát triển doanh nghiệp, xung đột Mỹ – Iran sẽ tác động đến sự phát triển ổn định kinh tế Việt Nam nhưng tác động đến mức độ nào thì chưa lường trước được.
Trong trường hợp tỉ giá USD tăng sẽ tạo áp lực lên chỉ số lạm phát của Việt Nam năm 2020. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu hàng hóa và cũng có thể được lợi từ tỉ giá, nhưng chúng ta cũng là nước nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị nhiều, điều này sẽ đẩy chi phí sản xuất cao.
Ngoài ra, nếu đồng USD tăng giá cũng sẽ khiến các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam đến hạn tăng theo, áp lực mất giá lên tiền đồng. “Hai thách thức mà Chính phủ nhìn thấy nếu xung đột Mỹ – Iran leo thang đó là chi phí sản xuất sẽ tăng do giá cả đầu vào tăng và tỉ giá hối đoái giữa VND và USD sẽ lên giá” – ông Phạm Việt Anh nhận định.
Các chuyên gia cũng cho rằng sẽ có nhiều yếu tố bất định, khó lường ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam nhưng đây sẽ là khó khăn chung của toàn cầu. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM cho biết đang theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, yếu tố bên ngoài chỉ là một phần của khoản đầu tư. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vẫn trông chờ vào môi trường kinh doanh ổn định, bền vững.
Tỉ giá gần như đứng im
Một điểm “lạ” trong đợt biến động giá vàng lần này là tỉ giá niêm yết tại ngân hàng gần như không biến động. Cuối ngày 7-1, giá bán USD niêm yết tại Vietcombank ở mức 23.235 đồng/USD. Trong khi giá bán USD niêm yết tại Eximbank ở mức 23.220 đồng/USD. Tỉ giá mua vào tại các ngân hàng dao động từ 23.080 – 23.110 đồng/USD, ngang với tỉ giá tháng 7-2018 – thời điểm mới bắt đầu nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Thị trường thế giới: tác động không lớn
Báo Financial Times cho rằng những biến động của thị trường thế giới thực tế vẫn khá khiêm tốn, nếu so với dự đoán từ các nhà phân tích địa chính trị. Tâm lý thị trường hiện tại vẫn ổn định, khi các nhà đầu tư chờ đợi phản ứng từ Iran sau cái chết của tướng Soleimani.
Trong lúc giới đầu tư tiếp tục quan sát, nhiều nhà phân tích cho rằng có rất ít lý do để kết luận nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại vì giá dầu tăng. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cam kết giữ mức lãi suất thấp. Điều này đồng nghĩa FED sẽ không tăng lãi suất trong thời gian sắp tới để đối phó với bất cứ hiệu ứng lạm phát nào do giá dầu tăng gây ra, theo AP. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo nếu Mỹ và Iran dấn sâu vào cuộc đối đầu thì nền kinh tế Mỹ sẽ chịu rủi ro về lâu dài.
Các nước phương Tây hiện không còn phụ thuộc vào dầu mỏ nhiều như trước và xuất khẩu dầu của Iran vốn đã bị giới hạn vì lệnh trừng phạt. Hơn nữa, sự ra đời của dầu đá phiến đã giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và ngay cả đồng minh của Washington, Saudi Arabia, cũng có thể tự xoay xở ngăn giá dầu thô tăng quá cao.
Chứng khoán châu Âu cũng đã phục hồi trong ngày 7-1 sau 2 ngày thua lỗ vì căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ của Phố Wall cũng phục hồi theo.
Theo Reuters, cơn sốt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu đã dịu bớt nhờ cả Washington và Tehran vẫn chưa có động thái cụ thể leo thang xung đột.
(Theo TTO)