Xung đột giữa Nga – Ukraine: Cơ hội để Việt Nam biến nguy thành cơ
Căng thẳng quan hệ giữa Nga-Ukraine chưa có hồi kết đang gây tác động tiêu cực không chỉ ở hai nước mà đang lan ra tới châu Âu, Mỹ, châu Á và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhất định. Đáng chú ý, những tác động tiêu cực được đánh giá không hề nhỏ trong cả trước mặt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính tiền tệ, năng lượng, vận tải và chuỗi sản xuất, cung ứng. Tuy nhiên nếu biết nắm bắt, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt biến “nguy” thành “cơ”. Vì vậy ngoài điều hành chính xác, linh hoạt thì cần tạo cho người dân và doanh nghiệp niềm tin bằng chính sách cụ thể để biến thách thức thành cơ hội cho Việt Nam phục hồi và phát triển nhanh và mạnh hơn.
Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực
Cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine có tác động đa chiều, trực tiếp, gián tiếp lên nền kinh tế Việt Nam. Tác động đầu tiên từ cuộc xung đột này làm gia tăng sức ép lên giá xăng dầu khiến giá của mặt hàng quan trọng này năm 2022 có thể tăng bình quân 30%-40% so với bình quân giá dầu năm 2021.
Tiếp đến là xuất, nhập khẩu, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta với Nga đạt trên 7 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 4,9 tỉ USD. Với Ukraine, thương mại hai chiều mới đạt 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021, Với quan hệ thương mại như vậy, tác động về mặt kinh tế giữa ta với các nước này chưa lớn. Song về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của các nước với Nga cũng như bất ổn tại Ukraine, sẽ khiến ta khó thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư một cách sâu rộng hơn, đặc biệt khi phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Trước đại dịch Covid-19, có khoảng 650.000 khách Nga đến Việt Nam mỗi năm. Song xung đột giữa Nga – Ukraine, cùng với diễn biến khó đoán địch của dịch Covid-19 đã và đang làm lượng khách Nga đến Việt Nam tiếp tục ít đi. Chưa kể, các biện pháp cấm không phận khiến đi lại khó khăn, thu nhập không tăng như kế hoạch, giá vé máy bay có thể tăng theo giá xăng dầu khiến nhiều du khách quốc tế khác sẽ cân nhắc đi du lịch. Kế hoạch phục hồi du lịch hậu Covid-19 sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.
Ngoài ra còn những ảnh hưởng khác như các vấn đề về đứt gãy chuỗi logistics, thanh toán, liên lạc mạng bị gián đoạn, các giao dịch trực tiếp trên lĩnh vực thương mại đầu tư, việc làm, thu nhập giữa 2 nước và đặc biệt là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, thu nhập của người Việt Nam đang sống ở Ukraine.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn, cuộc chiến này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm gia tăng lạm phát, sẽ tạo sức ép cho Việt Nam trong ngắn hạn. Đặc biệt khi ta đang thực hiện hàng loạt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6 – 6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức không nhỏ.
Cơ hội “kép” cho doanh nghiệp Việt
Rõ ràng là khủng khoảng Nga – Ukraine tạo ra những khó khăn, thách thức nhất định cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, đấy là cách mà doanh nghiệp và người dân chúng ta đã thường xuyên ứng phó với khó khăn tương tự đã xảy ra. Trong quá trình tìm hiểu, thích ứng đấy, rất có thể chúng ta lại bắt gặp những cơ hội mới.
Khi phương Tây căng thẳng với Nga, cơ hội cho doanh nghiệp nước ta có thể tiến vào thị trường Nga trở nên lớn hơn, Nga hướng về châu Á và Việt Nam sẽ là điểm đến quan trọng của Nga. Phương Tây rút đi cũng mở ra cơ hội hàng xuất nhập khẩu của chúng ta sang Nga. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới rời Nga cũng là những nền kinh tế nước ta có FTA thế hệ mới. Đây là lợi thế ta có thể tăng cường, biến Việt Nam thành cứ điểm cho chuỗi cung ứng toàn cầu, và nước ta có thể tranh thủ được. Một cơ hội lớn nữa của Việt Nam đó chính là cơ hội nhập hàng giá rẻ do đồng rúp mất giá. Đồng thời, việc Việt Nam gia nhập nhiều FTA cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam năng động, biết chớp thời cơ, biết tận dụng tối đa các FTA mà Việt Nam đang tham gia để mang lại cơ hội kinh doanh thương mại giữa các thị trường Nga, Việt, Trung và nhất là EU, Mỹ để lách cấm vận, tận dụng hàng giá rẻ, ứ thừa (kể cả dầu thô) ở Nga.
Về du lịch, chắc chắn người Nga sẽ không dễ dàng chọn du lịch sang Mỹ hoặc phương Tây, đương nhiên họ sẽ có nhu cầu đi du lịch các nơi khác, đó cũng là cơ hội cho chúng ta. Việt Nam phải tận dụng các cơ hội này, nâng tỷ trọng thương mại hai nước cao hơn nữa, nó sẽ hỗ trợ cho tương lai lâu dài về sau.
Về cơ hội đầu tư vào Nga, theo các chuyên gia kinh tế đây là thời điểm “chín muồi” để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện các thương vụ sáp nhập, hợp nhất và mua lại (M&A) với các doanh nghiệp Nga gặp khó khăn, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Nga. Có thể hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong thâm nhập sâu hơn vào những thị trường 2 bên cùng xuất khẩu, trong kinh doanh tiêu thụ ở Nga, Việt Nam. Tất nhiên, cơ chế thanh toán giữa 2 nước vẫn là điểm nghẽn không những hiện nay mà đã là trước khi chiến tranh nổ ra.
Giải pháp biến “nguy” thành “cơ”
Ngay tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới các vấn đề ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine đã cho thấy Chính phủ nhận thức rõ được mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột này. Và để có thể biến “nguy” thành “cơ” cần:
Về phía Nhà nước:
Các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga – Ukraine và động thái, chính sách của phương Tây để có tổng hợp, phân tích, báo cáo và đề xuất giải pháp ứng phó kịp thời. Chính phủ, bộ, ngành cần tiếp tục nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế – xã hội theo hướng quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022.
Hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, thủ tục hành chính; phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn. Cùng đó là phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả nhằm thực hiện tốt chương trình phục hồi cũng như kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với cơ quan liên quan có đánh giá tác động của việc Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT, khả năng hệ thống thanh toán thay thế của Nga, để có chính sách, giải pháp hỗ trợ các định chế tài chính, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Các hiệp hội ngành nghề, tổ chức tài chính Việt Nam tăng cường tư vấn doanh nghiệp, thiết kế dịch vụ phù hợp bối cảnh mới. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán và chủ động biện pháp kiểm soát rủi ro kịp thời, phù hợp.
Về phía doanh nghiệp:
Cần rà soát lại toàn bộ hệ thống quy trình sản xuất kinh doanh, cập nhật thông tin để dự báo chính xác xu thế thị trường, mở rộng thị phần và các thị trường thay thế để bù đắp các thiếu hụt nguồn cung từ thị trường truyền thống. Đồng thời tăng khả năng cạnh tranh, am hiểu thông lệ quốc tế để thiết lập các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, Nhật và các nước Tây Âu. Bên cạnh đó, cần chủ động vấn đề logistics, bởi Việt Nam là nền kinh tế có giao thương nhiều các nước trên thế giới, nhưng hệ thống logistics lại phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài.
Các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất – kinh doanh tại Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn thì cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước để tìm hướng tháo gỡ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường.
Về phương thức thanh toán, các doanh nghiệp Việt cũng cần Nghiên cứu và đa dạng hoá hình thức thanh toán. Trong lịch sử, Việt Nam và Liên Xô/Nga đã có truyền thống trao đổi hàng với hàng, nếu áp dụng phương thức trao đổi này cả Nga và Việt Nam sẽ đều có lợi, ít nhất là có thể giải toả bớt những khó khăn trước mắt.
Về vận chuyển, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu vận chuyển hàng hoá qua các tuyến tàu hỏa liên vận giữa Việt Nam – Trung Quốc – Nga, vừa có chi phí rẻ hơn lại không lo ách tắc, đứt gãy chuỗi vận chuyển vì cấm vận và Covid-19.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) đã bước sang năm thứ 7 đã đem đến những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai bên. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực sử dụng các cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Nói tóm lại: Có thể thấy, căng thẳng Nga-Ukraine chưa biết lúc nào có điểm dừng sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng… Nhưng việc chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm cùng với sự bình tĩnh sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra.
Diệu Hương