Xung đột Azerbaijan-Armenia: Động thái của ông Putin
Hôm 27/9, giao tranh khốc liệt với sự tham gia của xe tăng, chiến đấu cơ và pháo binh nổ ra giữa Azerbaijan và Armenia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorno-Karabakh. Cuộc xung đột thu hút sự chú ý lớn của thế giới và ông Putin cũng không thể ngồi yên.
Tờ Sky News hôm 28/9 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi chấm dứt giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan liên quan tới tranh chấp lãnh thổ ở Nagorno-Karabakh, khu vực được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng hiện do Armenia kiểm soát.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia đã thảo luận tình hình qua một cuộc điện thoại hôm 27/9.
Một tuyên bố cho biết cuộc trao đổi nhấn mạnh, điều quan trọng là không làm leo thang xung đột giữa Armenia và Azerbaijan và đặc biệt phải ngừng ngay mọi hành động quân sự.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov “đang tìm cách trao đổi kỹ nhằm thúc đẩy các bên ngừng bắn và bắt đầu đàm phán để ổn định tình hình”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Armenia tuyên bố đã bắn hạ 2 trực thăng và tiêu diệt 3 xe tăng của Azerbaijan trong cuộc xung đột giữa 2 nước. Bộ Quốc phòng Armenia cũng tuyên bố đã hủy diệt 4 trực thăng, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng của Azerbaijan trong các cuộc đụng độ hôm 27/9.
Văn phòng công tố chung Azerbaijan cho biết, 5 thành viên trong cùng một gia đình đã thiệt mạng do các cuộc pháo kích từ quân đội Armenia.
Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc, xung đột mới nhất giữa 2 bên bắt đầu bằng một cuộc tấn công từ phía Azerbaijan, trong khi Azerbaijan tố lại rằng, Armenia tấn công trước và họ chỉ thực hiện một cuộc phản công.
Cả Armenia và Nagorno-Karabakh đều tuyên bố thiết quân luật và huy động quân đội. Quân đội Azerbaijan tuyên bố họ không cần phải làm tương tự như Armenia vì quân đội đã được biên chế đầy đủ.
Bộ Quốc phòng Armenia đã công bố video quay cảnh tấn công hủy diệt xe tăng của Azerbaijan. Armenia tuyên bố quân đội nước này chỉ hành động để đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu dân sự, bao gồm cả Stepanakert, thủ phủ của khu vực Nagorno-Karabakh.
“Động thái đáp trả của chúng tôi sẽ rất thích đáng và giới chức quân sự – chính trị của Azerbaijan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình hình hiện tại”, Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố.
Cả Armenia và Azerbaijan đều ghi nhận có dân thường thiệt mạng.
Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia chia sẻ trên Twitter: “Chúng tôi luôn ủng hộ quân đội trong việc bảo vệ đất nước khỏi sự xâm nhập của Azerbaijan”.
Hikmet Hajiyev, cố vấn cấp cao cho Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan, cáo buộc quân đội Armenia tấn công “có chủ đích”.
Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc Armenia tấn công vào các khu dân sự và các vị trí quân sự dọc theo “đường liên lạc” – vùng đất không người ở gắn đầy mìn, ngăn cách lực lượng do Armenia hậu thuẫn và quân đội Azerbaijan.
Azerbaijan cho biết nhiều thường dân đã thiệt mạng do “các cuộc pháo kích dữ dội” của Armenia, và Azerbaijan buộc phải có các biện pháp đáp trả.
Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, quân đội nước này đã “phản công tại toàn bộ mặt trận để trấn áp hoạt động chiến đấu của các lực lượng vũ trang Armenia và đảm bảo cho dân thường”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Armenia ngừng “các hành động thù địch”, nói rằng Armenia có nguy cơ đẩy khu vực vào “chảo lửa”. Pháp cũng kêu gọi cả hai bên ngừng giao tranh và tái khởi động đối thoại.
Armenia và Azerbaijan từ lâu đã có mâu thuẫn tại khu vực Nagorno-Karabakh. Những tháng gần đây, một cuộc xung đột đã bùng phát.
Khu vực Nagorno-Karabakh tuyên bố tách khỏi Azerbaijan ngay sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Dù một lệnh ngừng bắn được chấp thuận vào năm 1994, Armenia và Azerbaijan thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công quanh khu vực Nagorno-Karabakh và dọc biên giới 2 nước.
Minh Nhật/DV