419
category
330235

Xuất khẩu lao động hay buôn bán nô lệ trá hình?

Hà Nhiên 28/10/2019 13:36

Xuất ngoại để đổi đời, là câu bạn có thể ít nhất đã một lần từ trải lòng của bạn bè mình, hàng xóm mình, người thân trong dòng họ, hay đứa bạn cùng quê hồi niên thiếu. Tôi tin rằng xuất khẩu lao động, tìm cơ hội làm việc là điều rất bình thường ở bất cứ đâu, nơi con người khao khát có cuộc sống hạnh phúc và sung túc hơn – ngoài vòng lẩn quẩn cụt ngõ ở quê nhà. 

Nhưng khi nó không còn là xuất khẩu lao động nữa, mà là những ông trùm nào đó về quê, tuyển mộ anh em, họ hàng xa, em cháu nhỏ… bảo bỏ vào một đống tiền (như những người trên chuyến xe ở Anh, có lẽ họ phải chi hơn 30.000 bảng Anh để được chuyển lậu sang Anh) tìm cơ hội đổi đời, thì đó là lúc những cuộc đi tìm chân trời mới biến thành trò buôn người nhẫn tâm và đầy rủi ro sinh mệnh.

Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Tự bỏ tiền đi là chọn lựa của họ, vậy họ còn trách ai? Chính quyền làm sao cản được họ? Song chuyện đâu chỉ đơn giản là lựa chọn của ai đó. Trong vài bộ phim tài liệu tôi xem về chuyển lậu người – không phải cứ nhất thiết là nạn nhân không biết gì thì mới là buôn người mà ngay cả khi nạn nhân bỏ tiền, tự nguyện chấp nhận một chuyến đi nguy hiểm, đổi lấy tương lai được hứa hẹn trong cuộc chào bán ban đầu, họ vẫn là nạn nhân của hành vi chuyển lậu người.

Phải thẳng thắn nhìn nhận cái tên gọi mỹ miều "xuất khẩu lao động" trong một số trường hợp về bản chất đang là buôn bán nô lệ trá hình
Phải thẳng thắn nhìn nhận cái tên gọi mỹ miều “xuất khẩu lao động” trong một số trường hợp về bản chất đang là buôn bán nô lệ trá hình

Nhiều làng quê tôi từng đến viết bài, nơi tất cả thanh niên đều đi theo ai đó “ra nước ngoài” làm ăn. Thứ duy nhất cha mẹ biết là tin nhắn Zalo lâu lâu gọi điện hoặc gửi hình hỏi thăm. Họ chẳng biết con đang ở phương nào. Nhưng nếu lứa thanh niên ấy trở về, có chút tiền và của cải tiêu xài thoải mái, thì cứ thế sau đó, nhiều thế hệ của làng sẽ tiếp tục đi theo mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn.

“Tin đồn” về tương lai tốt đẹp, có đầy việc, lương cao, dễ sống trở thành tin đồn hấp dẫn đẩy những gia đình và người trẻ vào con đường khao khát tìm cách thoát khỏi Việt Nam dữ dội hơn. Khao khát đó, nhập với tình trạng khổ sở tại quê nhà, và sự dỗ dành của những đường dây, dịch vụ, vậy là một chuyến “đổi đời” thành hình.

Có một thực tế là về Nghệ An, hay Hà Tĩnh, bạn muốn bất cứ kiểu xuất khẩu lao động nào thì cũng đều được đáp ứng. Thực sự ở các vùng quê ấy, nói đi xuất khẩu lao động là cứ đi, vì họ biết rằng thu nhập cao hơn nhiều so với ở nhà, còn làm gì thì họ không biết. Chỉ biết là những người đi xuất khẩu lao động thường gửi khá nhiều tiền về, những ngôi làng thay da đổi thịt, mọc lên nhà cửa kiểu Thái kiểu Nhật chóp nhọn sơn hồng cũng không ít từ nguồn tiền xuất khẩu lao động. Rồi báo chí tỉnh nhà khoác lác những làng quê đổi thay nhờ cái này nhờ cái nọ. Dĩ nhiên cũng có tờ đăng là nhờ xuất khẩu lao động. Ừ, vui đấy mà nước mắt cứ chảy đấy!

Như một thực tế trần trụi đầy ác nghiệt trong một bản báo cáo do Pacific Link phơi bày thì giá để đến Châu Âu mà người Việt thường phải trả là từ 10.000 – 40.000 USD, số tiền thường do gia đình vay mượn, cầm cố tài sản. Kẻ giúp chuyển lậu người có tính lãi suất mượn tiền và có thể gây sức ép kiểm soát và làm tổn hại người quyết định đi lậu. Tất nhiên, người đi lậu không muốn gia đình mất nhà cửa, tài sản, họ sợ mất mặt nếu trở về tay trắng, và cuối cùng buộc phải lao động trong điều kiện nô lệ, làm việc bất hợp pháp hoặc sẽ bị thiệt mạng trong những chuyến đi vô nhân tính như ta thấy.

“Đã có hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị buôn tới Anh và bị cưỡng bức lao động từ việc ép trồng cần sa, làm nail hoặc phải bán dâm để trả nợ cho những tay buôn người” – theo báo cáo hồi tháng 3.2019 của tổ chức Chống Nô Lệ Quốc Tế, ECPAT UK và Quỹ Liên Kết Thái Bình Dương.

Cái chết của 39 con người tuổi còn xanh xuân ấy liệu có đủ cảnh tỉnh cho những ai muốn cho con cái mình đi lao động “thu nhập cao” như thế này không? Cái chết có đủ để trật tự lại cái gọi là đường dây xuất khẩu lao động mà thực ra, gọi trần trụi ra thì đó là những đường dây buôn bán nô lệ, trục lợi trên con đường kiếm sống của những người dân mình hay không?

Để tránh tái diễn lại việc đau lòng trên có nên chăng cơ quan truyền thông cần làm tỏ rõ tình trạng vượt biên trái phép, khả năng xấu trong việc vượt biên ra nước ngoài để làm phi pháp. Các bạn VTV 1 và Thời sự VTV cùng VTV4 có thể làm một chương trình bàn sâu về vấn đề này để dân chúng rõ. Bộ công an nên truy quét, rà soát các tổ chức đưa người ra nước ngoài, kể cả những trung tâm núp dưới danh nghĩa tổ chức giúp người đi du học, để không còn những cuộc ly hương tìm sinh kế nhọc nhằn như thế nữa…

Hà Nhiên

Đọc nhiều