Xử lý tham nhũng công cuộc “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”.

Phạm Minh Hà 02/12/2019 17:12

Việc thu hồi tài sản do tham nhũng thấp hơn nhiều so với số tài sản bị đánh cắp là một trong những hạn chế lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nước ta hiện nay. Thế nên việc nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là điều cần thiết và phải làm ngay.

Thu hồi hơn 16.000 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng trong năm 2019

Các cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với số tiền trên 16.000 tỉ đồng trong năm 2019.

Ngày 29.11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2020.
Theo báo cáo của Tổng Cục thi hành án dân sự, năm 2019, trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2018, nhưng các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành đều đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 579 nghìn việc và trên 53 nghìn tỉ đồng. Các phần việc này cao hơn so với chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao.

Đáng chú ý, các cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với số tiền trên 16.504 tỉ đồng.

Thảo luận tại Hội nghị, bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong công tác thi hành án dân sự.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, kết quả giải quyết các vụ việc trọng điểm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong vụ án về tham nhũng, kinh tế hiệu quả chưa cao.

Đáng chú ý, còn có sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là trong công tác xác minh điều kiện thi hành án, kê biên, xử lý tài sản, quản lý và xử lý tiền, tài sản, vật chứng thi hành án…

Như vậy một vấn đề được đề cập cụ thể, sâu sắc là cần tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tích cực xác minh, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên, phong tỏa, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Ðây là những nội dung công việc, những vấn đề quan trọng và ngày càng trở nên “nóng” hơn khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo ngày càng đi vào chiều sâu, được nhân dân quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều thách thức đang được đặt ra bởi tính chất, mức độ của các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ngày càng tinh vi, phức tạp, số lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát có dấu hiệu ngày càng lớn.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập

Thực tế công tác thu hồi tài sản từ tham nhũng, phạm tội mà có đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng khẳng định hiệu quả, hiệu lực của công cuộc phòng, chống tham nhũng, đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân đối với quyết tâm của Ðảng và cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ðáng chú ý, Bộ luật Hình sự còn thiếu những quy định về tội phạm mà trong đó tham nhũng ẩn nấp, như: hành vi làm giàu bất chính, nhận quà biếu có giá trị lớn… Các quy định pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản hiện hành chưa đủ cơ sở làm căn cứ khẳng định tài sản tham nhũng.

Việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức, kê khai mới chỉ dựa vào sự tự giác, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa chủ động xác minh bản kê khai. Bên cạnh đó, hành vi phạm tội diễn ra trước thời gian điều tra đã lâu, đối tượng phạm tội đã sử dụng hết số tiền bất chính, thủ đoạn che giấu tài sản tinh vi, nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền hoặc tẩu tán ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc xác định, thu hồi tài sản. Cách tính tỷ lệ tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng của các cơ quan chức năng chưa thống nhất, dẫn đến việc thống kê, thu hồi tài sản chưa chính xác và đầy đủ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định quyết tâm trong công cuộc phòng chống tham nhũng

Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, trong năm 2018, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện T.Ư quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý.

Trong năm 2018, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 108.000 tỉ đồng, hơn 1.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 2.080 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 101 vụ, 151 đối tượng.

Năm 2018 đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi trên 33.000 tỉ đồng; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt trên 30%. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” bước đầu được khắc phục; nhiều địa phương, bộ ngành đã tích cực phát hiện, xử lý tệ “tham nhũng vặt”.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 319.000 tỉ đồng, hơn 7.200 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 5.932 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ, 481 đối tượng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 36 vụ/498 bị cáo. Riêng năm 2018, đã kết thúc điều tra 23 vụ/222 bị can (tăng 43,75% số vụ so với năm 2017); đã truy tố 20 vụ/251 bị can (tăng 66,7% số vụ so với năm 2017); đã xét xử sơ thẩm 23 vụ/304 bị cáo (gấp gần 5 lần số vụ so với năm 2017).

Để giải quyết và khắc phục những trở ngại, khó khăn trong thu hồi tài sản từ tham nhũng, nhất là tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ký các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với nước ngoài nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có; xác lập cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trong việc thực hiện thu hồi tài sản có yếu tố nước ngoài. Ðể góp phần xử lý “tận gốc rễ” tội phạm tham nhũng, cần tiếp tục nghiên cứu việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết, thời gian qua đã khắc phục được một bước những khâu yếu, có nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác thanh tra có bước tiến mạnh; việc cho hưởng án treo; khâu giám định, định giá tài sản được đẩy mạnh, tăng cường; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên.

Đọc nhiều