Xử lý nghiêm các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc

25/07/2019 16:19

Mới đây, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa mở phiên xét xử 4 bị cáo liên quan tới tổ chức được gọi là “Quốc nội quật khởi”.

Theo bản cáo trạng cho biết, do có tư tưởng bất mãn, chống Nhà nước Việt Nam nên từ đầu năm 2017, Nguyen Michael Phuong Minh (Việt kiều Mỹ), Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi, Lê Quốc Phong đã cùng với một số đối tượng đã cấu kết cùng nhau thành lập, tham gia tổ chức “Quốc nội quật khởi”.

Nhằm mục đích tổ chức tuyên truyền, lập kế hoạch mua vũ khí và lôi kéo người tham gia biểu tình, chiếm trụ sở chính quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Từ đó nhằm hướng tới hành động gây bạo loạn tiến tới nhằm lật đổ chính quyền nhà nước Việt Nam.

Các thành viên tổ chức phản động “Quốc nội quật khởi” lãnh án

Điều đáng nói, đó chính là Will Nguyen cá nhân một kẻ phản quốc từng bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử và cho hưởng khoan hồng, nhưng khi trở về Mỹ lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, nhưng lên tiếng tiếp tục “đấu tranh vì tự do cho Việt Nam”.

Năm 2018, Will Nguyen khi đang là sinh viên ở Singapore, đã liên tục tìm mọi cách để cấu kết với những kẻ chống phá Việt Nam, lên mạng hô hào kêu gọi về Việt Nam biểu tình theo cái gọi là làm “cách mạng mùa hè”.

Sau đó nhân cơ hội làn sóng người dân phản đối Luật Đặc khu kinh tế thì Will đã nhập cảnh vào Việt Nam, phát tiền cho các đối tượng tham gia biểu tình, có nhiều hành vi ngông cuồng, mua chuộc người tham gia giả danh làm công an, tạo kịch bản chống người thi hành công vụ, làm ách tắc giao thông…

Thủ đoạn mà Will Nguyen cùng những kẻ xấu thực hiện rất giống với phương thức mà chúng đã kích động các đối tượng trong vụ án “Quốc nội quật khởi”.

Điều đáng nói đó là các đối tượng đã lập kế hoạch biểu tình kết hợp với kẹt xe để nhằm dự định lôi kéo hàng trăm người tham gia biểu tình, mua sắm vũ khí để chống trả lại cơ quan chức năng, chuẩn bị lương thực và nơi lẩn trốn để sử dụng trong thời gian dài tại thời điểm quốc gia có những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng.

Ở bất cứ quốc gia nào, vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, và với Việt Nam sẽ không có những trường hợp ngoại lệ. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời khẳng định việc bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán. Nhưng cũng không dung túng cho bất cứ ai coi thường pháp luật, xâm phạm an ninh trật tự quốc gia.

Việc mỗi khi Nhà nước ta xét xử cá nhân phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, thì một số chính phủ và tổ chức quốc tế lập tức lên tiếng phê phán, đưa ra những đòi hỏi rất phi lý là điều không thể chấp nhận được. Những hành vi này không gì khác vẫn là chiêu trò chụp mũ, gắn mác “tù nhân lương tâm”, “nhà bất đồng chính kiến” cũ mèm mà họ thường sử dụng lâu nay.

Đặc biệt sau khi xét xử các bị cáo bị truy tố về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bị báo chí, truyền thông Tây phương loan tải sai lệch bản chất sự việc, không chỉ tổ chức khủng bố “Việt Tân” và cái gọi là “phong trào dân chủ” phản đối, mà một số tổ chức, cá nhân khác cũng hồ đồ lên tiếng.

Những vấn đề đó là chuyện không mới và cũng không khó nhận ra mục đích phía sau của việc vu cáo, vu khống đó là hành vi nhằm hạ uy tín, phá hoại quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Để đáp lại những luận điệu xuyên tạc trên, trong các kỳ họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kiên quyết bác bỏ thông tin sai sự thật, thiếu khách quan.

Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm khẳng định ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có việc những người tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.

Xin khép lại bài viết này bằng phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Công an toàn quốc cách đây không lâu từng nói:

“Chúng ta đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước. Song, cần tiếp tục tích cực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là các hoạt động lôi kéo, móc nối, tác động, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ động thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng.”.

(Theo Bút Danh)

Đọc nhiều