Xử lý phụ huynh, còn hiệu trưởng “làm nhục” học sinh thì sao?

Hạnh Phúc 02/11/2022 15:28

Vụ việc phụ huynh vác dao vào trường dọa chém và bắt hiệu trưởng quỳ gối xin lỗi trở thành tâm điểm dư luận trong những ngày đầu tháng. Được biết, người phụ huynh đã bị xử lý, nhưng rõ ràng trong trường hợp này hiệu trưởng không thể vô can.

Trường tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)

Được biết, ông Phan Đình Thống – Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn – Hà Tĩnh) – sau buổi chào cờ đã gọi 14 học sinh chưa đóng bảo hiểm y tế đến trước sảnh phòng làm việc để tìm hiểu lý do. Trong 14 học sinh ấy có 2 cháu là con của ông Võ Văn Điệp. Bức xúc trước sự việc trên, ông Điệp đã vác dao đến phòng bắt Hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi. Ngày 02/11/2022 cơ quan công an huyện Hương Sơn đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp cư trú tại địa phương về tội làm nhục người khác.

Giải quyết các mâu thuẫn bằng bạo lực là lựa chọn rất sai lầm. Nhưng mấy ai đủ tỉnh táo để chọn con đường đúng trong cơn “cả giận” dẫn đến “mất khôn” ấy. Hành vi của phụ huynh Võ Văn Điệp là vi phạm pháp luật và sẽ bị nghiêm trị bởi pháp luật. Ông Võ Văn Điệp có hành xử côn đồ, thiếu kiềm chế. Xã hội không bao giờ đồng thuận hay cổ súy cho cách giải quyết vấn đề theo xu hướng bạo lực dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Khởi tố tội làm nhục người khác là đúng người đúng tội.

Tuy nhiên, nhà trường, cụ thể là ông Phan Đình Thống, trong vụ việc này có cái sai cũng khá rõ ràng. “Bạo lực trẻ em” bao gồm cả hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Việc bắt hai đứa trẻ đứng lên để hỏi chuyện cha mẹ chưa đóng BHYT, là “cô lập” chúng trong mắt bạn bè còn lại.

Điều 5 luật này quy định “Không phân biệt đối xử với trẻ em”. Thì việc bắt các em đứng lên trong buổi chào cờ, là hành vi phân biệt đối xử. Điều 6 luật trẻ em “nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình”, thì việc bắt chúng đứng lên trong buổi chào cờ là tạo ra sự kỳ thị.

Nếu so sánh với Điều 47 Luật Trẻ em 2016 “Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, … có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Việc bảo vệ trẻ em phải tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình, tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành”, thì hành vi ấy rõ ràng đang đi ngược lại việc bảo vệ trẻ.

Vì vậy, nó là sai luật chứ không phải chỉ là thiếu tế nhị. Bên cạnh việc đòi hỏi và đề nghị xử lý nghiêm khắc bị can về hành vi làm nhục, cũng cần xử lý kỷ luật những người đã làm sai đối với trẻ em.

Cũng đầu tháng 11, vụ việc bà Nguyễn Thị Thanh Trúc – Hiệu trưởng trường THPT Dương Văn Trì – TP.HCM có tin nhắn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm chấn chỉnh một số việc trong đó có nhắc “những em có vấn đề giới tính phải ngồi riêng”. Vụ việc này cũng đang gây tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội. Dẫu từ nghìn xưa, nghề giáo là nghề cao quý nhưng giữa những bộn bề cuộc sống hôm nay với những câu chuyện đáng buồn từ giáo dục chúng ta phải thừa nhận rằng, “Nghề quý là do người”. Trộm nghĩ, những người thầy cần có những sự nghiêm khắc và chuẩn mực cao nhất để xứng đáng với sự tôn kính và kỳ vọng của xã hội đã dành cho.

Hạnh Phúc

Đọc nhiều