“Xóa tư cách chức vụ” hay cắt lương hưu vĩnh viễn đối với cán bộ vi phạm?

25/10/2019 16:45

Người đương chức gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng phải xử lý hình sự thì không bị xóa tư cách chức vụ, người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự thì lại bị xóa tư cách chức vụ – điểm bất hợp lý theo phân tích của đại biểu QH.

Sáng 24-10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, một số đại biểu đã nêu ý kiến về hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp – cho rằng quy định trong dự thảo về việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu là chưa hợp lý. Ông Hiển đồng tình sự cần thiết phải rà soát hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. “Tuy nhiên, thống nhất không có nghĩa là bên Đảng kỷ luật thế nào nào thì bên nhà nước cũng phải có hình thức kỷ luật như vậy”, ông Hiển phát biểu. “Cần hiểu thống nhất, đồng bộ ở đây là về tính chất, sự nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật chứ không phải chế tài xử lý kỷ luật với tên gọi giống nhau. Giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau”.

nguyenvanhien-lamdong_nfqk
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp phân tích: Về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là “tư cách chức vụ” và hiện không có văn bản nào dùng khái niệm này. Mặt khác, quy định xóa tư cách không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.

Về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là “tư cách chức vụ” và hiện không có văn bản nào dùng khái niệm này. Mặt khác, quy định xóa tư cách không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức. Ví dụ, Bộ luật hình sự hiện quy định nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự phạt tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. Tương tự, cán bộ, công chức đương chức bị kỷ luật buộc thôi việc cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.

Như vậy, cán bộ, công chức đương chức gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ có thể xem là bất hợp lý. Từ trước tới nay, việc xử lý cán bộ, công chức sau nghỉ hưu, trong đó có việc xóa tư cách chức vụ của người đó trong thời gian đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh”. Và vấn đề gây tranh luận nhiều trong thời gian qua chính là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó như hệ số phụ cấp, thưởng có bị xử lý hay không?

huyhoang-1485173648006
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng

Khi xóa tư cách chức vụ cần xử lý đầy đủ các chế độ, chính sách mà cán bộ, công chức được hưởng khi họ bị xóa tư cách chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Việc dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức bổ sung quy định này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, có tác dụng răn đe và giúp đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ khi đang công tác, tránh việc tư duy nhiệm kỳ. Một người trước là bộ trưởng, sau khi nghỉ hưu bị kỷ luật xóa tư cách bộ trưởng thì phải xóa luôn các điều kiện quyền lợi vật chất mà người đó được hưởng với tư cách là bộ trưởng. Bởi đã bị xóa tư cách bộ trưởng rồi thì không có lý do gì để giữ lại và cũng không có quyền được hưởng các quyền lợi vật chất như việc đi lại, khám chữa bệnh… mà cán bộ cao cấp được hưởng. Cán bộ vi phạm trong thời gian công tác thì sau khi về hưu nếu chỉ bị xử lý như thế thì quá nhẹ nhàng. Những sai phạm của họ trước kia thì sao? Tiền tham ô, tham nhũng đầy túi họ còn tiếc chi mấy cái quyền lợi nhỏ đó nữa. Điều quan trọng là phải thu hồi được số tiền mà họ làm ăn bất chính khi còn đương chức, sau đó phải bắt bỏ tù. Còn lương hưu vẫn phải giữ thẳng thắn quan điểm rằng đây là sự đóng góp của người lao động vào quỹ Bảo hiểm xã hội, không ai có quyền truất những giá trị này.

Tính từ năm 2016 đến nay, hàng loạt lãnh đạo dù đã nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng và xóa tư cách chức vụ hành chính từng đảm nhiệm. Trường hợp ông Nguyễn Huy Hoàng, tháng 11/2016 bị Ban Bí thư kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016). Lúc này, Ban Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội kỷ luật về hành chính đối với ông Hoàng “bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương với ông Hoàng; và giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.
Tháng 9 vừa qua, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân sau khi nhận kỷ luật đảng; ông Nguyễn Hồng Trường cũng bị xoá tư cách nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải (giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2017) vì có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng và Ban Bí thư đã kỷ luật về đảng..

Quy định “xóa tư cách chức vụ” được Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức là để thể chế hóa chỉ đạo nêu trên. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều tranh luận và để ngỏ trường hợp lãnh đạo giữ chức vụ từ hai nhiệm kỳ trở lên (nếu xóa một nhiệm kỳ thì các nhiệm kỳ còn lại như thế nào?). Việc xóa bỏ một số điều kiện vật chất khi cán bộ, công chức bị kỷ luật có tác dụng răn đe thiết thực hơn. Theo đó, đối với từng hình thức xử lý kỷ luật “cảnh cáo”, “kỷ luật”, “xóa tư cách” thì cán bộ, công chức còn phải chịu kèm theo hệ quả cụ thể nào đó (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng)…

Bởi vì cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc là họ hết chức vụ, không còn nằm trong biên chế, không còn hưởng lương ngân sách mà hưởng chỉ lương phụ cấp bảo hiểm xã hội. Do vậy, nếu đưa ra biện pháp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vào luật thì chỉ quy định tước bỏ những phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi kèm theo. Còn lương hưu thì không thể cắt được.

Phạm Minh Hà

Tags :
Đọc nhiều