419
category
436033

Xin đừng dùng búa bổ củi mổ gà

Đỗ Mạnh 05/10/2020 18:32

Nghe nói biên soạn sách giáo khoa, sách tiếng Việt lớp 1 năm nay là một Hội đồng giáo sư tiến sĩ đầu ngành biên soạn, chỉnh sửa sau khi tiếp thu ý kiến của xã hội. Tuy nhiên cho đến nay rất nhiều phụ huynh có ý kiến phản hồi là chương trình quá nặng cho các em học sinh lớp 1.

Việc than vãn của phụ huynh học sinh làm tôi nhớ lại hồi đưa con đi học cấp 2 ở trường tư thục Nguyễn Văn Huyên. Ngày đến nộp hồ sơ học cho cháu được gặp Chi Hà ,con gái của cố Bộ trưởng Bộ GDĐT đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa Nguyễn Văn Huyên. Nói chuyện với chị và được chị giới thiệu về trường về chương trình dạy của trường, thoạt đầu tôi thấy mê ngay cách dạy của trường. Ngay cách gọi tên các môn học cũng được trường gọi tên khác đi cho để cuốn hút học sinh và tạo hứng thú cho các em dễ học, dễ nhớ. Lớp học rất ít học sinh có lớp chỉ 3-5  em, giáo viên ở trường đa phần là trẻ nhưng một số môn tự nhiên thì là những bậc thầy về chuyên môn, có bằng cấp và là bạn dạy với chị ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã về hưu được chị mời về giảng dạy cho các cháu.

Nói thật là phụ huynh nghe thế ai chả thích, lớp ít học sinh, được giao tiếp nhiều và lại được các bậc thầy thỉnh thoảng giảng dạy thì còn gì bằng. Thú thật tôi cũng thấy mê và bị cuốn hút bởi mô hình này. Rất tiếc là sau năm lớp 6 con tôi đòi chuyển trường. Tôi hỏi thì cháu nói, mấy thầy giáo già dạy chán lắm, con không hiểu gì cả. Tôi mắng cháu con nói thế nào ấy chứ các thầy là những bậc thầy mới được Bác Hà mời về đấy.

Công nhận là các thầy đều là những thầy giỏi thật, nhưng có thể do trình độ quá chênh lệch nên các em không thể hiểu nổi những gì thầy nói. Có thể vì thế mà thầy dạy cứ dạy, học trò học cứ học, chẳng bên nào chịu hiểu bên nào. Sự không thấu hiểu đó đã làm cho các tiết học trở nên nhàm chán và học sinh thấy các giờ học trở nên căng thẳng.  Và kết quả là gì con gái tôi kiên quyết xin chuyển trường.

Trở lại câu chuyện biên tập sách giao khoa tiếng Việt, Hội đồng biên soạn sách tiếng Việt lớp 1 đều là những chuyên gia đầu ngành, những nhà nghiên cứu, những giáo sư, tiến sĩ. Thế nhưng khi sách in và đưa vào nhà trường, tại sao các cháu khó học, phụ huynh kêu chương trình nặng. Nói là sách soạn cho học sinh lớp 1 là chương trình vừa học vừa chơi để các em học một cách thoải mái nhất. Tuy nhiên trên thực tế không phải thế, chỉ sau một tháng học, phụ huynh học sinh đã đánh vật để dạy con mà vẫn cảm thấy mệt mỏi vì vật lộn với giáo trình đã được Bộ GD ĐT biên soạn. Có thể chúng ta đã quá kì vọng về những nội dung mà sách tiếng Việt lớp 1 đã được biên soạn. Rõ ràng là đội ngũ biên soạn toàn những người giỏi, có học hàm, học vị hẳn hoi mà sao các cháu lại khó học, khó tiếp thu đến thế. Liệu có phải các nhà khoa học đang áp đặt tư duy của mình để bắt học sinh phải tuân theo. Các em học sinh lớp 1 là những thế hệ trong trắng nhất của quãng đời làm người. Các em hồn nhiên bước vào cuộc sống với tất cả sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên và cả sự tò mò nhất, cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng muốn hiểu nhưng theo một logic đơn giản nhất, dễ hiểu nhất. Cách nhìn và cách nghĩ của các em tuổi lớp 1 như những chiếc máy ảnh chụp lại tất cả những cái gì mà các em nhìn thấy. Cái gì không hiểu thì các em sẽ hỏi tại sao? Những lời giải thích để các em hiểu phải là những lời giải thích đơn giản nhất, dễ hiểu nhất. Còn muốn các em hiểu sâu hơn, ngọn ngành hơn, cuộc đời và nhà trường sau này sẽ dạy các em.

Tôi nhớ lại một câu chuyện vui ở Liên Xô những năm 80 của thế kỉ trước được kể như thế này:

Có một cuộc thi toàn Liên bang Xô Viết hồi đó yêu cầu tất cả những người tham dự giải thích đơn giản nhất và dễ hiểu nhất để cho các em hiểu tại sao lại có ngày và tại sao lại có đêm. Rất nhiều các chuyên gia, những  nhà nghiên cứu trẻ em, các giới trong toàn Liên bang đã gửi bài dự thi. Những lời giải thích trên cơ sở khoa học rất nhiều nhưng không hề đơn giản và dễ hiểu như ban giám khảo mong muốn. Trong hàng triệu đáp án dự thi, kết quả giải nhất đã được trao cho một đáp án vô cùng đơn giản và dễ hiểu đối với các em. Đáp án tại sao lại có ngày, tại sao lại có đêm được trả lời là “Có đêm để mà ngủ và có ngày để mà chơi”. Thật đơn giản và dễ hiểu phải không các bạn? Lứa tuổi của các em ngây thơ trong trắng mới bước vào đời chắc chỉ cần thế là đủ. Các em chưa cần những lời giải thích trên cơ sở khoa học hoa mỹ để làm gì ngoài tầm hiểu biết của các em.

Ví dụ đơn giản trên làm cho tôi thấy thấm một triết lý, nền giáo dục tốt nhất là nền giáo dục cảm hóa được các em và tạo hứng cho các em học tập. Chúng ta không nên dùng những triết lý đao to búa lớn để ép các em phải hiểu, hiểu ngay từ những ngày đầu khi mới bước vào đời. Biết bao nhiêu thế hệ chúng ta đã trải qua những lớp vỡ lòng đáng nhớ không bị áp lực. Bao nhiêu thế hệ đã thành tài và cống hiến rất nhiều cho đất nước. Nếu chúng ta chỉ đặt mục tiêu là khi học hết lớp 1 các em biết đọc, biết viết và  biết làm những phép tính đơn giản nhất là thành công rồi. Những kiến thức khác các em sẽ cập nhật ở những năm tiếp theo. Với những triêt lý đơn giản đó, tôi nghĩ Hội đồng sọan thảo giáo trình tiếng Việt lớp 1 đừng đặt mục tiêu quá cao làm cho học sinh và phụ huynh phải chịu áp lực ngay từ lớp học đầu đời. Những giáo sư, tiến sĩ nên học những logic hình học và tư duy hình tượng để biên soạn sách giáo khoa giống như các em chơi điện thoại hay trò chơi điện tử sẽ hấp dẫn các em rất nhiều.

Khi đang viết về đề tài sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 tôi nghe văng vẳng đâu đây từ nhà hàng xóm lời bài hát

Quả gì mà chua chua thế? Xin thưa rằng quả khế. Ăn vào thì chắc là chua? Vâng vâng, chua thì để nấu canh chua

Quả gì mà da cưng cứng? Xin thưa rằng quả trứng.

Ăn vào thì nó làm sao? Không sao, ăn vào người sẽ thêm cao

Quả gì mặc bao nhiêu áo? Xin thưa rằng quả pháo, xin vào thì chắc là dai? không dai, nhưng mà nổ điếc hai tai.

Quả gì mà lăn lông lốc? Xin thưa rằng quả bóng. Sao mà quả bóng lại lăn? Do chân, bao người cùng đá trên sân.

Quả gì mà gai chi chít? Xin thưa rằng quả mít. Ăn vào thì chắc là đau? Không đau, thơm lừng tận mấy hôm sau.

Quả gì mà to to nhất? Xin thưa rằng quả đất. To bằng quả mít mật không? To hơn, to bằng nghìn núi thái sơn.

Lời bài hát trên thật đơn giản dễ hiểu giúp các em tiếp cận với thế giới một cách ngây ngô dễ hiểu nhất mà cũng hiệu quả nhất.

Vì vậy theo tôi, Bộ GD ĐT khi biên soạn sách giáo khoa lớp 1 không quá cầu thị phải mời những giáo sư tiến sĩ, những người có tư duy những vấn đề lớn phải làm những vấn đề nhỏ. Nên mời những giáo viên dạy giỏi, trực tiếp giảng dạy trong các trường tiểu học trên cả nước vào Hội đồng sọan thảo thì sẽ tốt hơn. Đây sẽ là những người biết các em muốn gì và thích gì. Cái gì nặng, cái gì nhẹ thì chương trình chắc sẽ tốt hơn.

Muốn  giáo dục nước nhà tốt lên tránh lãng phí kinh phí trong in ấn quá nhiều sách lớp 1 mà vẫn gây ra tranh cãi không có hồi kết thì hãy dừng ngay việc dùng “Búa bổ củi mổ gà” vừa lãng phí vừa không thực tế.

Rõ ràng là lời giải thích cho các em chỉ cần đến vậy, đơn giản và dễ hiểu dễ thuộc và dễ nhớ và mang tính hấp dẫn cao.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều