425
category
600901

Xin đừng để “cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử, cào lên chiến công, xé cả xác anh hùng”!

Phù Vân 20/04/2022 16:32

Thông tin mới là năm học 2022-2023 tới đây, môn học Lịch sử sẽ trở thành môn học tự chọn. Trước thông tin này, dư luận phản ứng đa chiều. Theo tôi, việc chỉ để một số môn học bắt buộc và cho phép học sinh chọn một số môn là điều tốt phù hợp với xu hướng chung của một số nền giáo dục tiến bộ trên thế giới. Thế nhưng việc biến môn lịch sử thành môn học tự chọn thì có vẻ chưa hợp tình hợp lý lắm.

Khi đọc tin này, tôi bất giác nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xé cả xác anh hùng!
Ôi! nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát?

Lịch sử là một dòng chảy của thời gian, chảy mãi không ngừng xuyên suốt hàng trăm nghìn thế hệ. Lịch sử là quá khứ, là hiện tại và quyết định tương lai. Lịch sử cần phải được chép lại, ghi lại, giáo dục cho muôn đời sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Để cho đồng bào tường gốc tích, hiểu rõ nguồn cội và những thăng trầm trong lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước thì lịch sử chính là xương sống, là trụ cột để kết nối tiếng vọng của ngàn năm với hiện tại. Lịch sử là cơ sở để các thế hệ tiếp theo dựa vào đó để tiếp nối, kế thừa và phát huy, giữ gìn bản sắc và truyền thống hào hùng dân tộc.

Hiểu rõ giá trị của lịch sử, của văn hóa dân tộc nên khi xâm lược đất nước ta, các thế lực ngoại bang luôn có các chính sách đồng hóa, đốt phá các công trình di tích, sử sách và những gì liên quan đến cội nguồn, văn hóa của dân tộc. Ngày nay, các thế lực chống phá lại càng tinh vi và xảo quyệt, cố tìm đủ mọi cách hòng xóa bỏ chế độ đất nước bằng cách xuyên tạc lịch sử, lật sử, phủ nhận quá khứ của đất nước ta.

Chúng ta đặt ra câu hỏi rằng: Nếu lịch sử trở thành môn tự chọn thì liệu bao nhiêu người trẻ sẽ học môn này, sẽ hiểu biết lịch sử Việt Nam?

Những thứ văn hóa thực dụng, thiếu nền tảng cốt lõi, chạy theo xu hướng và nhằm mục đích kinh doanh bất chấp ngày càng nhiều. Giới trẻ ngày nay bị cuốn theo những giá trị “ảo”, cuộc sống ảo mà dần dần đánh mất gốc rễ của dân tộc, trở nên thực dụng và phù phiếm. Giới trẻ thuộc tên diễn viên, ca sĩ, ban nhạc…nhưng lại nhầm lẫn tai hại rằng Quang Trung là anh em của Nguyễn Huệ!

Giới trẻ ngày nay mặc dù học lịch sử chưa sâu, ít bạn trẻ chịu tìm hiểu được quá khứ của cha ông với đủ những đam mê và tự hào dân tộc, nhưng lại rất dễ lung lay trước những nội dung “lật sử” trên MXH. Nhiều bạn trẻ nghi ngờ tấm gương chị Võ Thị Sáu, Bế Văn Đàn. Được bao nhiêu người trẻ hiểu rõ về sự kiện Gạc Ma, hay chỉ ngồi nghe một số thành phần rêu rao “chính quyền nhún nhường Trung Quốc để mất đảo”, bôi nhọ sự hy sinh cao cả của 64 chiến sỹ ở đảo Gạc Ma.

Luận điệu xuyên tạc lịch sử về sự kiện Gạc Ma.

Kiến thức lịch sử là nền tảng, là gốc rễ, là cội nguồn của lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Giúp con người ta hiểu biết về những thành tựu mà cha ông ta đạt được trong quá khứ. Hiểu quá khứ để trân trọng hiện tại, hiểu rằng bản thân đang được hưởng một cuộc sống hòa bình và đáng sống. Hiểu lịch sử để biết trân quý cha ông, những người đã dùng máu xương để đánh đổi độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để chúng ta có hôm nay. Ngược lại, sẽ dễ dàng bị “nhồi sọ” với những câu hỏi: tại sao chúng ta không giàu mạnh bằng Mỹ, Nhật, Đức? Nếu như ngày xưa ông cha không đánh đuổi Pháp, Mỹ thì giờ Việt Nam đã giàu có đến thế nào? Từ đó có cái nhìn sai lầm, lệch lạc, thậm chí là bất mãn chế độ, phỉ báng tiền nhân. Không hiểu lịch sử sẽ trở nên non kém về nhận thức chính trị, ảo tưởng về cái gọi là “tự do, dân chủ phương Tây”.

Hãy nhìn lại tấm gương của người anh cả Liên Xô khi ấy: Chiến dịch xét lại lịch sử được khởi xướng bởi chủ nghĩa tư bản đã diễn ra rầm rộ nhằm xem xét lại vai trò của V.I.Lênin và Hồng quân trong chiến tranh vệ quốc, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, bôi nhọ các gương anh hùng cách mạng. Đến khi hình tượng V.I.Lênin bị đánh sụp thì Đảng cũng tự đào hố chôn mình và đó cũng là lúc Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đến sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết. Lãng quên hay nhầm lẫn lịch sử thì hậu quả cũng rất khôn lường.

Việt Nam – Xin đừng để “cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử, cào chiến công, xé cả xác anh hùng”!

Thực tế không thể phủ nhận rằng trong những năm qua, chúng ta đã coi nhẹ giáo dục lịch sử. Nhiều học sinh, sinh viên không muốn học sử. Nhiều người nhận thức lịch sử chỉ là một môn học thuộc lòng, chẳng có ý nghĩa giá trị gì. Tôi nghĩ rằng cần thiết phải đề xuất tổng hợp các giải pháp để biến môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc ở các cấp, tính từ bậc Tiểu học trở lên. Có thế mới giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, thương nòi; trân quý và yêu hơn về đất nước, con người Việt Nam, yêu hơn về giá trị của hòa bình, để không còn tình trạng những đứa trẻ “miệng còn hôi sữa” nhưng đã bị “tẩy não” bằng những tư tưởng lật lọng, quay lưng lại với cha ông – những người đã hy sinh cả tính mạng để cho lớp trẻ cuộc sống thái bình ngày hôm nay.

Không hiểu biết gì về lịch sử như con thuyền đi trong đêm tối, không biết đâu là bến bờ. Nếu như không kịp thời thay đổi cách giáo dục lịch sử, dân tộc này sẽ đi về đâu, trông mong gì ở các thế hệ tương lai? Tôi thật sự không dám nghĩ tới.

Quan điểm của giới trẻ đưa ra kiến nghị giải pháp và lo lắng cho tương lai môn Lịch sử.

Thay vì để lịch sử trở thành một môn học tự chọn, tại sao chúng ta không đổi mới để thu hút hơn, khơi dậy niềm đam mê với lịch sử hào hùng của dân tộc. Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều biện pháp hiệu quả, dần dần khiến lớp trẻ thay đổi cách nhìn nhận về môn học, giúp lớp trẻ hứng thú với lịch sử thông qua các dự án tìm hiểu, truyền bá và phục dựng các giá trị lịch sử, truyền thống như Dự án diễn họa lịch sử Việt sử kiêu hùng, phong trào tìm hiểu về trang phục cổ Việt NaM,…Tại sao không tiếp tục phát huy những thành công đó?

Nếu chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy thôi mà vẫn chưa đủ, thì cần phải đổi mới cả phương thức kiểm tra – đánh giá học sinh. Thay vì cho học sinh làm bài kiểm tra như truyền thống thì chúng ta cho các em làm dự án, thuyết trình về một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử tâm đắc… học sinh sẽ thích thú hơn nhiều.

Giặc ngoại xâm không đáng sợ! Dân tộc Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử chưa bao giờ run sợ trước giặc ngoại xâm! Nhưng cũng phải ghi nhớ rằng, giặc từ bên trong, giặc nội xâm mới là nguy hiểm khôn lường. Đó không chỉ là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” mà còn là chủ nghĩa xét lại, là tư tưởng phủ nhận lịch sử. Đừng biến môn lịch sử trở thành lựa chọn, đó sẽ trở thành nhát dao đâm chí mạng cho lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước.

Phù Vân

Đọc nhiều