Xin cảm ơn Thủ tướng!
Chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo viên và viên chức, thúc đẩy tháo gỡ bất cập, rườm rà, lãng phí trong chứng chỉ, bằng cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay.
Ngày 19.3, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 1797 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp, báo cáo cụ thể về các loại chứng chỉ đối với đội ngũ viên chức. Trong đó nêu rõ những loại chứng chỉ là điều kiện để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; loại chứng chỉ thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Bộ GDĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp; đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan cho phù hợp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.
Dư luận đặc biệt quan tâm và rất hoan nghênh, cảm ơn Thủ tướng đã có chỉ đạo kịp thời, sâu sát, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo cán bộ, viên chức và đội ngũ giáo viên. Nhà giáo Lê Mạnh Cường (Quảng Trị) chia sẻ: “Giáo viên đã được đào tạo sư phạm, nghĩa là học nghề giáo viên, nay lại phải học thêm 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, như vậy là chồng chéo, bất cập, lãng phí. Cảm ơn Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời, để các bộ ngành liên quan có sự rà soát, chấn chỉnh”.
“Chúng tôi vui mừng, cảm động khi biết được Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét, rà soát, điều chỉnh, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp thực tế, tránh vướng mắc, bất cập. Hy vọng sẽ có sự thay đổi, xóa bỏ các “giấy phép con” gây lãng phí, mệt mỏi mà không đem lại hiệu quả chuyên môn” – nhà giáo Nguyễn Anh Đức (Quảng Bình) cho biết.
Qua khảo sát, đông đảo giáo viên đều đề xuất bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, thay vào đó là các mô đun tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, gắn với nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục, thực sự hữu ích đối với nhiệm vụ của nhà giáo các cấp, tránh được lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc. “Chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc”- nhiều nhà giáo vui mừng chia sẻ.
LÂM CHÍ CÔNG