Xét xử Phạm Chí Dũng và 2 đồng phạm có hành vi chống phá nhà nước
Xưng là chủ tịch “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, Phạm Chí Dũng đăng tải 1.530 tin, bài viết xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, xâm phạm uy tín Đảng và nhà nước.
Sáng 5-1, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử ba bị cáo: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Tuấn về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh (Tòa Hình sự – TAND TP) làm chủ tọa.
Theo hồ sơ, năm 2014, Phạm Chí Dũng và 40 người (trong đó có Nguyễn Tường Thuỵ) tuyên bố thành lập “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”. Các thành viên nhất trí bầu Dũng làm chủ tịch hội.
Với vai trò lãnh đạo hội, Phạm Chí Dũng chỉ đạo tạo lập trang web “Việt Nam thời báo”. Website này đăng tải những bài viết có nội dung chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuyên truyền về hoạt động của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Qua đó, Dũng và đồng bọn muốn lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước, hoạt động chống phá nhà nước. Sử dụng nhiều bút danh khác nhau, Phạm Chí Dũng đăng tải 1.530 tin, bài viết xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; bịa đặt, xâm phạm uy tín Đảng Cộng sản Việt Nam lên website trên.
Trong “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, Nguyễn Tường Thuỵ giữ chức vụ phó chủ tịch phụ trách “Chi hội miền Bắc”, Lê Hữu Minh Tuấn là thành viên hội. Hai bị cáo đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách; vi phạm pháp luật.
Cuối năm 2019, Công an TP HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt Phạm Chí Dũng để tiến hành điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Đến giữa năm 2020, Thụy và Tuấn lần lượt sai lưới.
Tháng 10 – 2020, Công an TP HCM chuyển hồ sơ, đề nghị VKSND cùng cấp truy tố tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” đối với ba đối tượng.
Theo đại diện VKSND TP HCM, 3 bị cáo có quá trình hoạt động chống phá trong thời gian dài; thường xuyên đăng tải những bài viết xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm; nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia. Các bị cáo đã tiếp tay những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị; gây hoang mang trong dư luận quần chúng. Do đó, pháp luật cần xử lý nghiêm minh nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Di Lâm/NLD