128036
category
344869

Xét xử cựu chánh án: Thấy dấu hiệu tham ô sao không lập biên bản?

26/12/2019 15:13

Cựu chánh án TAND tỉnh Phú Yên biết cấp dưới có dấu hiệu phạm tội tham ô nhưng không lập biên bản mà bí mật chỉ đạo kiểm tra nội bộ.

Sáng 26-12, hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Phú Yên tiếp tục xét hỏi bị cáo Lê Văn Phước – nguyên chánh án TAND tỉnh này – xung quanh cáo buộc ông này cùng 3 thuộc cấp tham ô.

Ông Phước tiếp tục trả lời rằng bản thân ông không biết ông Trương Công Lộc – phụ trách kế toán, bà Huỳnh Thị Nhã Nhàn – thủ quỹ và Ngô Thị Phương Thảo – kế toán của TAND tỉnh Phú Yên thông đồng, dùng thủ đoạn để lấy tiền ngân sách.

“Nếu tôi biết là tôi trị ngay chứ đâu để kéo dài. Tôi cũng không biết thủ đoạn nâng khống trong phiếu chi của ông Lộc, chứ biết thì tôi đã xử quyết liệt rồi” – ông Phước nói.

Ông cũng đề nghị tòa xem xét việc bà Thảo phát hiện ông Lộc kê khống lấy tiền lương của một thẩm phán về hưu và báo ông, ông đã chỉ đạo kiểm tra xử lý quyết liệt, không bao che và báo cáo cấp trên để khởi tố ông Lộc. Ông nói rằng nếu ông thông đồng với ông Lộc và cấp dưới để tham ô thì ông đã không làm như vậy.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử nêu vấn đề là ông Trương Công Lộc từng 2 lần bị kỷ luật về Đảng, đã bị khai trừ Đảng từ năm 2013; 2 lần cảnh cáo về mặt chính quyền vì năng lực không đảm bảo, quan hệ bất chính mà ông Phước là thủ trưởng cơ quan, chủ tài khoản lại không thay thế mà vẫn để phụ trách kế toán, dẫn đến phạm tội.

Trả lời, ông Phước nói vì ông Lộc làm kế toán qua nhiều đời chánh án TAND tỉnh Phú Yên, không có sai sót gì về nghiệp vụ, chỉ còn thiếu chứng chỉ chuyên môn nên không bổ nhiệm kế toán trưởng được.

Tuy nhiên, ông Phước cũng nói ông Lộc nhiều lần dọa ông, ông cũng có ý kiến thay đổi công tác ông Lộc, nhưng bộ phận nhân sự chưa tìm được người thay thế…

Do sức khỏe yếu, ông Phước được tòa cho ngồi trả lời thẩm vấn – Ảnh: DUY THANH

Một luật sư và đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên nêu nội dung tháng 8-2017, ông Phước mời bà Nhàn và Thảo lên phòng làm việc để hỏi về việc 95 triệu đồng ngân sách cấp cho công tác bồi dưỡng hội thẩm nhân dân và xét xử lưu động, nhưng không có chứng từ chi. Tại đây, bà Nhàn nói với ông Phước là ông Lộc bảo chia cho ông Phước 35 triệu đồng và trừ vào khoản tạm ứng của ông các năm 2015, 2016; ông Lộc 30 triệu đồng, bà Nhàn 20 triệu đồng.

“Tuy bị cáo nói rằng 35 triệu đồng mà bị cáo nộp lại là để trả nợ tạm ứng công tác phí, không phải tiền khắc phục hậu quả phạm tội, nhưng còn bị cáo Nhàn, bị cáo Lộc khi đó đã có dấu hiệu phạm tội, tại sao bị cáo không lập biên bản ngay?” – một luật sư đặt câu hỏi.

Tiếp đó, công tố viên cũng nhắc lại câu hỏi này với ông Phước, nhấn mạnh rằng nợ tạm ứng 2 năm 35 triệu đồng, trong khi tài khoản ông Phước có trên 300 triệu đồng mà không trả, lại có lời khai của ông Phước tại cơ quan điều tra là ông Lộc bảo để nghiên cứu giải quyết.

Vị cựu chánh án trả lời rằng khi nghe ông Lộc có dấu hiệu phạm tội như vậy, ông ngay lập tức trả khoản nợ 35 triệu đồng của mình cho bà Nhàn. Ông nói vì đi công tác có những khoản không có chứng từ, ông cũng chưa làm phiếu tự báo chi phí, nên chậm trả.

Ông cũng nói đã bí mật yêu cầu bị cáo Thảo kiểm tra và phát hiện ông Lộc sai phạm hơn 1 tỉ đồng, nên một thời gian ngắn sau đã tổ chức họp ban cán sự đảng, cấp ủy TAND tỉnh để sau đó làm các báo cáo gởi cấp trên báo cáo xử lý vì vượt quá thẩm quyền chánh án.

Trước đó, bị cáo Lộc khai nhận là được ông Phước thống nhất việc chia ngân sách cấp dư để sử dụng riêng. Bà Nhàn khai có nhận tiền theo tỉ lệ mà ông Lộc nói đã bàn với ông Phước, phần tiền của ông Phước thì bà đưa cho ông Lộc để ông này trao lại.

Còn bà Thảo cho biết bà được ông Lộc chuyển mỗi tháng 2 triệu đồng vào tài khoản, cứ nghĩ là được bồi dưỡng vì bà hay làm giúp việc trong khi ông này thường xuyên vắng mặt…

Như đã phản ánh, TAND tỉnh Phú Yên xét xử ông Phước cùng 3 đồng phạm tội tham ô. 4 bị cáo bị Viện KSND tỉnh Phú Yên cáo buộc từ năm 2010-2017 đã dùng thủ đoạn kê khống chi phí, lập bảng lương giả… để chiếm đoạt của ngân sách hơn 2,8 tỉ đồng.

DUY THANH – LÂM THIÊN/TTO

Đọc nhiều