130115
topics
549294

‘Xé rào’ để chủ động bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân

09/09/2021 11:03

“Từ ban đầu không hiểu gì về dịch bệnh, bị động, dịch lan đến đâu mình cũng không biết thì đến nay đã biết và không còn phải chạy theo dịch, đã chủ động để xử lý khi phát sinh, củng cố những gì đã đạt được để kiểm soát dịch bệnh một cách bền vững”, Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái chia sẻ với PV về bài học, kinh nghiệm chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Quận 7 và huyện Củ Chi là một trong 2 địa phương đầu tiên của TP Hồ Chí Minh đã công bố kiểm soát được dịch bệnh.

Triển khai sớm, nhưng chưa lường hết

Tiêm vaccine cho người cao tuổi trên địa bàn Quận 7. Ảnh: Cổng TTĐT UBND Quận 7

Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái cho biết, ngay từ đầu, với tình hình dịch COVID-19 của TPHCM, Quận 7 nhận định dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp vì địa bàn có những đặc điểm khiến dịch dễ lây lan như địa hình, nhà ở ven kênh rạch nhiều, hoạt động của các chợ truyền thống và nhất là khu chế xuất Tân Thuận với hàng chục nghìn công nhân làm việc và sinh sống trên địa bàn.

Mặc dù đã có một số sự chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh bùng phát, như tạm ngừng chợ truyền thống, thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 ở một số phường có số lượng lớn công nhân làm việc trong Khu chế xuất, nhiều hẻm nhỏ, hẻm sâu, nhà trọ đông người với điều kiện sinh hoạt còn khó khăn…, nhưng ông Thái và lãnh đạo Quận 7 không phải đã lường hết được diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

“Mới đầu chúng tôi chỉ nghĩ chống dịch là tách F0 ra khỏi cộng đồng nhưng khi dịch bùng phát trong Khu chế xuất Tân Thuận với 45.000 công nhân thì đã phát sinh hàng loạt vấn đề. Thực sự trong 2 tuần đầu của tháng 7 chúng tôi rất “đuối” vì không lường được diễn biến của dịch”, ông Thái chia sẻ.

Ngày 16/7, TPHCM triển khai phong tỏa Khu chế xuất Tân Thuận. Quận 7 tập trung xét nghiệm để bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng bằng xét nghiệm nhanh thay vì chờ xét nghiệm RT-PCR như hướng dẫn của Bộ Y tế và Thành phố ở thời điểm đó.

“Xé rào” lập bệnh viện điều trị F0

Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái (đứng) phát biểu tại Hội nghị giao ban thường trực Quận ủy đầu năm 2021.

Số ca F0 tăng quá nhanh từ 1.000 ca lên 7.000 ca trong thời gian ngắn kéo theo sự quá tải trong khu vực cách ly, tiếp nhận ban đầu, nhiều trường hợp F0 trở nặng rất nhanh nhưng rất khó đưa lên tuyến trên vốn đã quá tải. Quận 7 đã xuất hiện các ca tử vong, có ngày lên tới 10 ca. Không chỉ ông Thái, mà các thành viên trong Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Quận 7 đều nặng trĩu trong lòng mỗi khi nghe thông tin về một ca tử vong mới.

Sự quá tải hệ thống điều trị của TPHCM và quan điểm phải tập trung điều trị, cấp cứu tại chỗ F0 trên địa bàn, “tự cứu mình”, Quận 7 đã thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nặng rất nhanh. Từ đó, Quận đã “xé rào”, mạnh dạn chuyển đổi 1 khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, một phần chuyển nặng không phải chuyển đi xa. Đây là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn TPHCM.

Để có đủ oxy cho bệnh nhân, lãnh đạo Quận 7 tìm mọi cách như thuê, mua, xin… bình oxy loại 40 lít (đến nay đã có khoảng 600) và nguồn oxy tạm ổn khi Quận liên hệ với một doanh nghiệp đặt bồn oxy lỏng vốn dùng cho công nghiệp để thiết lập hệ thống oxy tập trung cho bệnh viện dã chiến số 1.

Khi Bệnh viện điều trị đi vào hoạt động ổn định, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trên địa bàn được kéo xuống mức rất thấp. Từ ngày 1 đến 6/9 chỉ ghi nhận 2 ca tử vong. Bệnh viện mở rộng lên 600 giường với trang thiết bị cơ bản hoàn chỉnh. Các bệnh nhân có triệu chứng, cả nhẹ, vừa và một phần bệnh nhân nặng của Quận không phải chuyển đi xa. Bệnh viện còn tiếp nhận bệnh nhân ở một số quận lân cận.

Đáng chú ý, đến nay đã có hơn 20 trường hợp F0 khỏi bệnh tình nguyện ở lại tham gia hỗ trợ điều trị. Trong đó có người khỏi tình nguyện ở lại và một số đang trong thời gian chờ kết quả PCR. Những việc nặng ở các khu cách ly như dịch chuyển bình oxy, di chuyển bệnh nhân hiện đều do các F0 khỏi bệnh đảm trách.

“Ngày đó, khi đánh giá mô hình điều trị 5 tầng, từ cơ sở chúng tôi nhận thấy có vấn đề. Cũng như xây một ngôi nhà, phải xây chắc từ dưới, từ nền móng, do vậy chúng tôi xác định phải làm từ tuyến phường và lên đến tuyến quận sẽ tập trung vào việc gì”, ông Thái cho biết lý do của những quyết sách được đánh giá khá sớm của địa phương mình.

Hàng trăm tấn gạo dự trữ để lo an sinh

Điểm bán hàng tại phường Tân Thuận Tây, Quận 7. Ảnh: Cổng TTĐT UBND Quận 7

Cho rằng chủ động của cơ sở rất quan trọng để phòng, chống dịch, ngay từ tháng 5/2021, Quận 7 đã thành lập Ban chỉ huy thống nhất.

“Từ rất sớm, chúng tôi nhận thức Quận phải là một mặt trận chiến đấu, người dân và địa phường cùng chung một mặt trận để chiến đấu. Bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác chống dịch trên địa bàn chứ không đợi đến khi có văn bản chỉ đạo từ cấp trên”, ông Thái cho biết cách tiếp cận mô hình chống dịch của Quận 7 cũng như trong bảo đảm an sinh, đời sống cho người dân khi thực hiện giãn cách.

Quận lập Trung tâm an sinh xã hội, dưới mỗi phường cũng có các ban an sinh, các đội shipper tình nguyện và ở lớp sâu nhất, cứ bình quân 100 hộ dân hình thành một tổ an sinh địa bàn giúp phát hiện các hộ dân khó khăn để hỗ trợ.

Do đó, khi Quận thực hiện đợt hỗ trợ thứ 6 cho người dân thì mới có nguồn hỗ trợ từ Thành phố. Hiện ngoài các nguồn hỗ trợ từ Trung ương và Thành phố, lượng gạo dự trữ của Quận lên tới mấy trăm tấn.

Kế hoạch mở cửa bài bản

Về kế hoạch mở lại các hoạt động trên địa bàn, Bí thư Quận ủy Võ Khắc Thái cho biết ngày 15/8 vừa qua, Quận đã lập Trung tâm Nghiên cứu và phân tích dữ liệu, đánh giá tình hình làm cơ sở để quyết định việc đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, có những lĩnh vực đã đi vào chi tiết.

“Ví dụ như thế nào thì được sản xuất lại, hay lĩnh vực dịch vụ, thương mại nào được mở trước và như vậy thì giải pháp đi kèm (y tế, an sinh, nhà ở…) là gì để đồng bộ”, ông Thái trao đổi.

Hiện một số vấn đề đang được Quận 7 thực hiện rốt ráo, quyết liệt, như đẩy nhanh việc tiêm vaccine mũi 2 cho toàn bộ công nhân khu chế xuất và sẽ hoàn thành vào ngày 10/9; đề xuất xây các khu nhà lưu trú dã chiến công nhân, đảm bảo “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Dự kiến ngày 20/9, các cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc, lương thực, thực phẩm… sẽ được bán hàng mang về, nếu chủ cửa hàng, nhân viên được tiêm 2 mũi vaccine.

Nhìn nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn hiện nay, Bí thư Quận ủy Võ Khắc Thái cho rằng Quận đã kiểm soát được tình hình dịch, được biểu hiện qua số F0 mới giảm rất nhiều, số F0 khỏi bệnh tăng cao và nhất là tỷ lệ tử vong được hạn chế thấp nhất. Và nhất là Quận đã chủ động, có được cơ bản những điều kiện để phòng, chống dịch.

“Từ ban đầu không hiểu gì về dịch bệnh, bị động, dịch lan đến đâu mình cũng không biết thì đến nay đã biết và không còn phải chạy theo dịch, đã chủ động để xử lý khi phát sinh, củng cố những gì đã đạt được để kiểm soát dịch bền vững”, ông Võ Khắc Thái tự tin và cho biết, tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Quận ủy có niềm tin rất mãnh liệt là sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này trong thời gian sớm nhất.

Mạnh Hùng 

Tags :
Đọc nhiều