86
topics
329851

Xe công – “Chuyện cũ rích, nói hoài, nói miết không có gì thay đổi”

24/10/2019 16:19

“Chuyện cũ rích, nói hoài, nói miết không có gì thay đổi”. Đó là lời của ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khi nói về con số “ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm” được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) báo cáo mới đây.

Lạm dụng xe công là câu chuyện nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần

Lạm dụng xe công là câu chuyện nhắc đi nhắc lại quá nhiều lần
Hiện nay cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm.

Theo đó, KTNN vừa có báo cáo về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019. Từ số liệu công bố, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm.

Báo cáo một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán có số ô tô vượt định mức so với quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn có 101 xe dùng chung, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có 95 xe.

Ngoài ra, một số địa phương sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn định mức như: thành phố Hà Nội (vượt 57 xe); tỉnh Ninh Bình (Chi cục Kiểm lâm vượt 3 xe); Tiền Giang (huyện Cái Bè vượt 3 xe); Kon Tum (vượt 4 xe) …

Cụ thể, từ năm 2015, khi thông báo về tình hình sử dụng xe công, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đã cho biết, cả nước có gần 40.000 xe công, mỗi năm “ngốn” hơn 12.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…).

Dư luận tỏ ra bất ngờ với con số trên, bởi lẽ từ năm 2015, chủ trương khoán xe công đã được thực hiện thí điểm và nhân rộng với hơn 20 bộ, ngành, địa phương. Nhiều người nghi vấn, chủ trương khoán xe công còn nhiều vấn đề.

Nhìn vào thực tế, chi tiêu thường xuyên hàng năm của Việt Nam vẫn ở mức quá cao, năm nào Việt Nam cũng phải đi vay để tiêu, hậu quả là nợ công tiếp tục tăng, gánh nặng tiếp tục đổ lên vai người dân

Tiền ngân sách nhà nước chi trả cho xe công hằng năm rất lớn, việc quản lý, sử dụng xe công không chặt chẽ sẽ dẫn đến lãng phí rất lớn. Nhưng lớn chuyện hơn, đó là nếu không chặn đứng nạn lạm dụng xe công sẽ gửi “thông điệp” đến với người dân là kỷ cương không nghiêm, thói quen xài chùa của công chưa bị chặn đứng.

Không thể chấp nhận cứ nhắc đi nhắc lại “thông điệp” này qua những vụ lùm xùm lạm dụng xe công. Phải tìm một giải pháp nào đó, chẳng hạn như khoán chi phí đi lại đối với cán bộ, công chức, đồng thời đẩy mạnh việc thuê dịch vụ ôtô bên ngoài tại các cơ quan nhà nước.

Theo nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô phục vụ công tác, các chức danh từ thứ trưởng, chủ tịch tỉnh trở lên hiện vẫn duy trì chế độ xe công đưa đón nhưng khuyến khích việc tự nguyện thực hiện chế độ khoán xe công.

Đối với các cán bộ dưới cấp thứ trưởng như lãnh đạo vụ, cục và các sở, ngành địa phương thì buộc phải áp khoán, không được sử dụng xe công nữa. Giải pháp khoán xe công theo chức danh cán bộ đã được đưa ra, nhưng quy định này chưa được thực hiện nghiêm.

Nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài sản công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016 về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô theo hướng phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30 – 50% số lượng xe ôtô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và mở rộng đối tượng khoán kinh phí sử dụng xe ôtô.

Song song đó phải quản chặt việc sử dụng xe công sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức lạm dụng xe công xảy ra tại một số bộ, ngành, địa phương thời gian qua.

Nhân lên “Bỏ xe công đi xe khoán” tiết kiệm tiền tỷ cho ngân sách Nhà nước

Tại thời điểm này, câu chuyện khoán xe công ở cả nước vẫn là câu chuyện cũ rích thì tại Cà Mau việc khoán xe công được nhiều người quan tâm. Sau một năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung (từ ngày 01/10/2018 đến 01/10/2019), ông Đoàn Quốc Khởi – Giám đốc Sở Tài chính Cà Mau cho biết, mỗi năm đơn vị tiết kiệm được cho ngân sách địa phương hàng chục tỉ đồng.

Để bảo đảm thực hiện tốt việc vận hành xe, Cà Mau giao Trung tâm Dịch vụ tài chính công trực thuộc Sở Tài chính) tiếp nhận 143 xe công và tiếp nhận 67 nhân viên lái xe từ các đơn vị chuyển về. Trên cơ sở đó, đã tiến hành chọn lựa chọn 82 xe để phục vụ (67 xe phục vụ chính thức và 15 xe dự phòng), thực hiện điều chuyển 6 xe và trình cơ quan có thẩm quyền thanh lý 54 xe.

Ông Khởi cho biết, sau 1 năm thực hiện, hiện nay địa phương đã giảm được số đầu xe ô tô hiện có tại các đơn vị từ 138 xe xuống còn 78 xe. Giảm số lượng lái xe tại các đơn vị từ 109 người xuống còn 69 người. Giảm chi phí, diện tích xây dựng nơi quản lý xe, khai thác tối đa hiệu quả công suất của xe. Tính chung, Cà Mau tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm trên 17 tỷ đồng.

Trong thực tế, một tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long khác là Đồng Tháp đã tiến hành cách làm lãnh đạo nêu gương, bỏ xe công đi xe khoán, không cần phải trung ương có lời đề xuất. Và họ làm khá tốt, nhưng ít ai biết.

Không chỉ có Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đi xe máy đến nơi làm việc mà còn có nhiều cán bộ sở, ngành khác cũng noi theo. Lẳng lặng, âm thầm. Thế mới biết, vai trò đi đầu của lãnh đạo cao nhất ở mỗi địa phương lớn tới độ nào và lan toả ra sao.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: "Đi xe máy thích hơn xe công!"
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Đi xe máy thích hơn xe công!”

“Việc này được lãnh đạo và các cán bộ tỉnh Đồng Tháp thực hiện cả chục năm qua và trở thành thói quen thường ngày”. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đã tự đi xe máy đến chỗ làm từ khi còn làm Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh.

“Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ chỗ nào cũng được, dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con. Bà con có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày…”, ông Dương nói.

Nên chăng, trên tinh thần cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ để lại di chúc thiêng liêng, thì đây là thời cơ tốt để các quan chức cấp cao, từ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống hãy đồng tình hưởng ứng việc khoán xe công, xem như là một việc thiết thực, cụ thể để học tập và làm theo tinh thần đạo đức, tác phong, lối sống tiết kiệm, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, toàn dân sẽ có dịp thấy bộ máy lãnh đạo đã có chuyển động thiết thực, học Bác là để “hành”, không giáo điều chung chung.

Phạm Minh Hà

Tags :
Đọc nhiều