130115
topics
554328

Xây tượng đài cho ngành y: Đừng để vinh danh là đúng lại thành sai

Hoàng Vy 29/09/2021 23:00

“Tôi nghĩ sau khi kiểm soát dịch bệnh, Trung ương và TPHCM nên xây dựng những tượng đài vinh danh ngành y tế. Trong các cuộc chiến, chúng ta vinh danh bộ đội, chiến sĩ giải phóng quân thì trong chống dịch cũng nên vinh danh ngành y tế”, đó là đề xuất vừa qua ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân.

Tôi nghĩ đề xuất này cũng là đến từ cái tâm và sự trân trọng của vị ĐBQH đối với ngành y nói chung và các y bác sĩ tuyến đầu nói riêng mà thôi. Cũng như ĐBQH Trần Hoàng Ngân, mỗi người dân đều luôn trân trọng và mong muốn bày tỏ sự biết ơn đối với các lương y. Thế nhưng, nếu bày tỏ tình cảm ấy bằng việc xây tượng đài, nhất là trong thời điểm này thì thật là… khó nghĩ.

Thứ nhất, COVID-19 ập đến kéo theo bao hệ lụy cho nền kinh tế, cho xã hội. Chỉ tính riêng vấn đề an sinh xã hội trong suốt mấy tháng chống dịch vừa qua, ngân sách Nhà nước đã gồng gánh quá nhiều rồi, nay lại xuất hiện thêm một cái tượng đài. “Nhẹ” thì vài tỉ như ở huyện nghèo, “nặng” thì vài trăm tỉ, thậm chí vài nghìn tỉ, liệu có “quá sức” cho ngân sách quốc gia? Ưu tiên lúc này, thiết nghĩ nên là đảm bảo vấn đề an toàn, tiêm chủng đầy đủ, việc làm, an sinh xã hội cho người dân.

Hơn nữa, chắc hẳn các y bác sĩ xung phong làm những công việc đầy nguy hiểm là vì trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp và vì trái tim nhân hậu của họ, chứ không phải vì cần một sự “vinh danh” xa hoa. Thế nên, xây tượng đài có vẻ như…không cần thiết lắm đâu.

Vì vậy, thay vì xây tượng đài, kinh phí đó nếu được ưu tiên dành cho các khoảng phụ cấp, chăm sóc cho các y bác sĩ, điều dưỡng… để họ thêm động lực cố gắng có khi còn thiết thực hơn. Hơn nữa, nếu người thân của các y bác sĩ bị mất việc làm, không làm ra tiền trong thời gian giãn cách, việc tăng lương cũng là một sự hỗ trợ về kinh tế cho gia đình họ, giúp họ yên tâm hơn khi tham gia chống dịch.

Thứ hai, công tác chống dịch đâu chỉ là sự nỗ lực của ngành y tế, đó còn là công sức của lực lượng quân đội, các tổ chức, cá nhân, tình nguyện viên… Tất cả đều đã xông pha, bất chấp hiểm nguy, đều cùng cống hiến, đều là những nhân tố quan trọng trong công tác chống dịch. Và cũng không thể nói vai trò của ngành nào quan trọng hơn ngành nào. Nếu chỉ xây tượng đài cho ngành y thì có khiến những ngành khác “hụt hẫng”? Còn nếu đề xuất tượng đài cho các ngành khác nữa thì… quá sức tưởng tượng.

Bao nhiêu năm qua, việc đề xuất xây tượng đài luôn khiến người dân băn khoăn, bởi đã có quá nhiều tượng đài “đặt nhầm chỗ”, lãng phí biết bao ngân sách Nhà nước, rồi những vấn đề tiêu cực xung quanh. Khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta gặp không ít các phản ánh của báo chí về chuyện tỉnh A vừa xây tượng đài chục tỉ, tỉnh B thấy tỉnh A có cũng đề xuất xây tượng đài to hơn, hoành tráng hơn… Xây tượng đài vốn là để vinh danh những cống hiến của những cá nhân, tổ chức, để tôn vinh những giá trị cốt lõi của địa phương. Thế nhưng, qua một vài vụ việc cá biệt, nó lại biến thành những cuộc “thi thố”, “cạnh tranh” giữa các tỉnh. Sự tôn vinh, giá trị văn hoá, tinh thần cuối cùng bị biến tướng, mất đi toàn bộ ý nghĩa của nó.

Chúng ta không thể quy chụp từ những trường hợp đó không thể cho rằng việc xây tượng đài nói chung, hay đề xuất ĐBQH Trần Hoàng Ngân là không tốt. Nhưng việc xây tượng đài vào lúc thời điểm này đại dịch vẫn chưa được khống chế và chỉ cho riêng ngành y tế là điều không phù hợp, và chắc chắn cũng sẽ sản sinh ra không ít bất cập. Có nhiều cách để vinh danh ngành y, sao lại chọn một cách vừa tốn kém vừa không đúng lúc?

Đừng để sự vinh danh ngành y tế là điều đúng đắn lại hóa thành sai.

Hoàng Vy

Đọc nhiều