10
topics
326026

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường Việt Nam

24/09/2019 07:00

Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân.

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước, Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đã có bài viết về xây dựng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. BBT xin trích đăng.

Những kết quả cụ thể

(1) Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện, có nhiều đặc điểm theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập. Ban hành Hiến pháp năm 2013 và tập trung sửa đổi, hoàn thiện các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, đấu giá tài sản, giải quyết tranh chấp, phá sản, xử lý vi phạm…

(2) Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt và bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát triển mạnh, trở thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản phát triển khá đa dạng về loại hình, chất lượng sản phẩm; quy mô tăng nhanh.

(3) Thể chế môi trường đầu tư kinh doanh đã được hoàn thiện và bước đầu tiệm cận với thông lệ quốc tế tốt. Môi trường đầu tư kinh doanh chuyển biến rõ nét; quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh được cải thiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm từ 267 ngành năm 2014 xuống còn 243 ngành năm 2016 Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng cao. Báo cáo Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam từ vị trí 88/183 năm 2010 tăng lên vị trí 69/190 nước.

(4) Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Thể chế nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã được hoàn thiện với quy định về vai trò của nhà nước được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường; đổi mới phương thức quản lý; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Việc tổ chức thi hành pháp luật từng bước được tăng cường, nhất là trong những năm gần đây. Các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong công tác cải cách hành chính.

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường Việt Nam
Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân nhằm giảm rủi ro. Ảnh: Lê Anh Dũng

So với thông lệ quốc tế, vẫn còn một số vấn đề đặt ra:

(1) Thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Một số quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, nhanh bị thay đổi, và nhiều trường hợp có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến tình trạng  khó thực hiện. Hệ thống văn bản luật chủ yếu vẫn mang tính chất định khung, khó áp dụng trực tiếp. Có khoảng cách lớn giữa tuyên bố chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng với việc thể chế hóa và thực thi trên thực tế (Đến nay mới có 71 nước công nhận Việt Nam có kinh tế thị trường, còn một số đối tác thương mại lớn chưa công nhận).

(2) Vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu tài sản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh còn hạn chế; hiệu quả giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm chưa cao như: Vấn đề sở hữu và quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh, đặc biệt vấn đề đất nông nghiệp/ quyền sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ khi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, chưa minh bạch. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, công bằng, minh bạch; cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế vẫn diễn ra.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 (PCI 2018): 45% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp FDI được ưu tiên giải quyết khó khăn hơn doanh nghiệp trong nước; 37% doanh nghiệp cho rằng chính quyền ưu tiên thu hút FDI hơn phát triển tư nhân trong nước; FDI được hưởng ưu đãi về thuế lớn. Hiện tượng “lợi ích nhóm”, “doanh nghiệp sân sau”, “doanh nghiệp thân hữu”: 70% doanh nghiệp cho rằng “nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai, v.v.) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen, có quan hệ với cán bộ công quyền”; Việc tiếp cận thông tin thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp, để có thông tin hay tài liệu của tỉnh, 69% doanh nghiệp cho rằng cần phải có “mối quan hệ”.

(3) Thị trường chưa là cơ sở, căn cứ để huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Một số thị trường chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học công nghệ. Thị trường đất đai nông nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp tồn tại nhiều bất cập, như quy mô đất nông nghiệp của các hộ nông nghiệp ít thay đổi, nhỏ lẻ, manh mún, gây rất nhiều khó khăn cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất để phát triển lớn.

Thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững, một số phân đoạn thị trường còn phát triển méo mó, các nguyên tắc thị trường chưa được vận dụng hiệu quả, thị trường bất động sản ở một số đô thị lớn, như thị trường nhà ở, nhà chung cư tăng trưởng nóng, thiếu kiểm soát.

Thị trường khoa học công nghệ quy mô còn nhỏ, kết nối cung cầu còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu khoa học và công nghệ có tính ứng dụng thấp, ít gắn kết với thực tiễn, chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Năng lực nghiên cứu của các viện, trung tâm nghiên cứu thấp. Các doanh nghiệp ít có nhu cầu mua bán, chuyển giao công nghệ ở trong nước.

Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, và các yếu tố sản xuất chưa phản ánh đúng quan hệ cung – cầu thị trường, dẫn đến việc phân bổ nguồn lực nhà nước chưa thực sự theo thị trường, sử dụng kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí.

(4) Còn khoảng cách khá lớn về quản trị nhà nước tốt; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình còn thấp. Công tác cải cách hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chưa thực chất; hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính và phân cấp, phân quyền cải thiện còn chậm; còn tình trạng đùn đẩy công việc, trách nhiệm… Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, rườm rà, phức tạp.

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung thống nhất của Trung ương và tính năng động, chịu trách nhiệm của địa phương. Thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh yếu, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Thực thi pháp luật chưa nghiêm, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng.

Báo cáo phòng chống tham nhũng 2018: tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực còn xảy ra phổ biến; còn xảy ra sai phạm, tham nhũng ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Báo cáo PAPI: tình trạng phải đưa “lót tay”, “chung chia”, “bồi dưỡng” vẫn còn. Báo cáo PCI: 54,8% doanh nghiệp phải chi chi phí không chính thức, 58,2% doanh nghiệp cho biết có sự nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước; 48,4% doanh nghiệp cho rằng chi “hoa hồng” là cần thiết để thắng thầu.

Một số định hướng hoàn thiện

Trước hết, phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khung khổ thể chế, pháp luật theo hướng ổn định, cụ thể, minh bạch và thực thi nghiêm túc để phát triển đầy đủ và đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường.

Hai là, làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cần ưu tiên hoàn thiện thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học công nghệ để thúc đẩy huy động nguồn lực và đổi mới sang tạo. Việc tạo khuôn khổ pháp lí thích ứng với các nguyên tắc thị trường là yếu tố quan trọng nhất để hình thành và phát triển mạnh thị trường đất, quyền sử dụng đất một cách thực sự thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa qui mô lớn, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn với giải quyết việc làm và tăng thu nhập.

Đổi mới và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn; bãi bỏ các giới hạn, khống chế về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; nâng đến mức đáng kể hoặc xóa bỏ hạn điền sử dụng, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp.  Công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất giao cho các cộng đồng và doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường đất, quyền sử dụng đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận mua bán theo thị trường, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh.

Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Tạo áp lực cạnh tranh trong môi trường kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, tăng năng suất lao động. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Ba là, Nhà nước tiếp tục chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển (vốn, đất đai, khoáng sản, tài nguyên…) theo cơ chế thị trường. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nhà nước coi trọng vai trò của thị trường, xây dựng thể chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tự do kinh doanh và phát triển. Đồng thời, nhà nước chủ động kiểm soát, tác động vào thị trường để phát huy mặt tích cực và hạn chế tác động của những yếu tố không hoàn thiện, tiêu cực của thị trường.

Cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Xây dựng nhanh nền hành chính kiến tạo phát triển dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện phương thức, công cụ quản lý nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Bốn là, tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích, cân bằng giữa quyền lực và giám sát quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ trước người dân và doanh nghiệp. Tập trung đổi mới quản trị nhà nước theo hướng quản trị nhà nước tốt.

Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, thu gọn đầu mối theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nâng cao chất lượng, đổi mới công cụ quản lý nhà nước, đặc biệt hệ thống pháp luật hướng đến duy trì kỷ cương, trật tư xã hội, đảm bảo thượng tôn pháp luật, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường.

Đổi mới và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước; tách chức năng làm chính sách và chức năng thực thi chính sách. Đảm bảo nhất quán giữa luật pháp và thực thi luật pháp, nâng cao tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân nhằm giảm rủi ro, tăng mức độ an toàn pháp lý; giảm chi phí tuân thủ, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Cao Viết Sinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đọc nhiều