Xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn
Các doanh nghiệp theo đề xuất gồm 7 doanh nghiệp; trong đó, 3 doanh nghiệp về công nghiệp công nghệ cao, 2 về năng lượng tái tạo, 1 cảng biển-logistics và 1 tài chính-ngân hàng.
Chiều 10/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.
Các doanh nghiệp này, theo đề xuất ban đầu, gồm 7 doanh nghiệp; trong đó, 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN), 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Ngoài tổng tài sản sản trên 20.000 tỷ đồng, các tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…
Theo đó, các tiêu chí để xác định ngành, lĩnh vực để nghiên cứu thí điểm cơ chế, chính sách phù hợp là: có tính chất mở đường, dẫn dắt; hướng tới làm chủ công nghệ số; có vai trò cần thiết trong phát triển, định hướng công nghiệp; cần thiết duy trì sự hiện diện của Nhà nước.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các mục tiêu của đề án là củng cố, phát triển một số doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, kết nối được với khu vực doanh nghiệp tư nhân; làm chủ được công nghệ; hình thành các chuỗi đổi mới sáng tạo…
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp giải thích “mở đường” được hiểu là theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Còn “dẫn dắt” theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Từ đó, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.
Dự thảo đề án cũng đề xuất các chính sách chung, với nguyên tắc phù hợp các định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tuân thủ các cam kết quốc tế, không làm méo mó các quan hệ trên thị trường, tạo sự cạnh tranh, bình đẳng và tăng cường minh bạch, công khai của chính sách.
Theo đó, nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhà nước quản lý theo mục tiêu: giao quyền chủ động, tự quyết trong sản xuất kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp… Kiểm tra, giám sát theo hướng đánh giá hiệu quả hoạt động, đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.
Bên cạnh đó, trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số doanh nghiệp nhà nước để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số.
Về cơ chế riêng với các lĩnh vực, Đề án đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển dịch vụ số, nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghệ cho Viettel; ban hành cơ chế hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng; với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm….
Thúy Hiền/ TTXVN