Xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Cần tin tưởng vào nguồn nhân lực quốc gia
Cao tốc Bắc – Nam là một công trình trọng điểm quốc gia đang được Chính phủ các bộ, ngành cân nhắc kỹ lưỡng đầu tư. Sau muôn vàn những tranh luận, vẫn chẳng có gì bảo đảm để Việt Nam có một dự án đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý. Cả dư luận vẫn đang hoang mang với cuộc khủng hoảng mất lòng tin…
Về vấn đề này, người viết xin được đưa ra một cái nhìn cá nhân dưới những bằng chứng kinh nghiệm ngay chính tại Việt Nam và một số các quốc gia khác. Quan điểm trọng tâm là Cao tốc Bắc – Nam của người Việt chỉ thực sự đẹp, rẻ, chất lượng và hợp lòng dân khi do chính người Việt thực hiện.
Lý lẽ thứ nhất, đã có sự tham gia của nước ngoài thì không có rẻ. Rõ ràng, thuê tư vấn, nhà thầu hay cả nhân công nước ngoài thì họ phải có lợi nhuận cụ thể. Mà các nước tham gia dự thầu đều có nền kinh tế phát triển hơn Việt Nam, có tỷ giá ngoại tệ cao. Trả lương cho những chủ thể này đương nhiên tốn kém hơn rất nhiều so với nguồn lực trong nước.
Trên thực tế, Việt Nam đã “lãnh hậu quả” của hàng loạt những dự án đắt đỏ mà sử dụng nhà thầu nước ngoài. Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm đã tiêu tốn hết hơn 18.000 tỷ đồng và còn dự kiến phải vay thêm hơn 2.000 tỷ đồng nữa để có thể vận hành, hoạt động. Trong thời điểm năm 2019, đây được coi là một dự án đường sắt trên cao đắt đỏ bậc nhất hành tinh nhưng với công nghệ không hề hiện đại. Tiếp nối, Metro Bến Thành – Suối Tiên (thành phố Hồ Chí Minh) do Nhật Bản nắm thầu cũng dự kiến tiêu tốn đến 47.000 tỷ đồng. Thậm chí, dự án này vẫn còn có khả năng tiếp tục đội vốn thêm nữa. So với các công trình giao thông khác, tuyến Metro tại thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ lọt top siêu tốn kém.
Trả lương cho nước ngoài đã cao, mà cộng thêm yếu kém về quản lý thì càng làm cho các dự án thêm tốn kém. Chi phí đã đắt đỏ lại càng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Lý lẽ thứ hai, nhà thầu nước ngoài tham gia khó kiểm soát chất lượng, công nghệ. Khi tham gia đấu thầu, các nhà thầu nước ngoài đều tự “quảng cáo” cho công nghệ, chất lượng dịch vụ của mình, nhưng thực tế là sản phẩm họ làm ra không hề được như kỳ vọng. Quá trình giám sát của ta cũng khó lòng có thể chặt chẽ với những “lý do” thi công khép kín của nhà thầu.
Một ví dụ điển hình được đưa ra vẫn là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ngay thời điểm này, tất cả mọi người đều có thể chứng kiến cảnh kết cấu đường sắt trên cao được nhà thầu thi công lượn sóng. Vừa mất mỹ quan, vừa gây ra lo ngại về tính an toàn. Thế nhưng, khi có ý kiến, thì nhà thầu Trung Quốc chỉ cần đáp gỏn gọn 1 câu: “Không ảnh hưởng đến quá trình vận hành”. Quả là khó lòng chấp nhận sự thật mất lòng này. Không đẹp cũng chẳng có chất lượng, thà để người Việt tự làm còn hay hơn!
Lý lẽ thứ ba, khó hợp lòng dân nếu đầu thầu công khai, công bằng. Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn đang trở thành một “đối thủ” hàng đầu có thể đánh bại tất cả các quốc gia khác nếu tham gia dự thầu tại Việt Nam. Trung Quốc có công nghệ cao là điều không ai có thể phủ nhận được. Nhìn những cao tốc tại chính lãnh thổ Trung Quốc do người Trung Quốc tự làm, tất cả đều phải trầm trồ vì sự hiện đại và chất lượng. Tiếp nữa, cũng khó lòng ai qua được Trung Quốc vì độ rẻ. Sự thật được minh chứng ở hầu hết các sản phẩm, dịch vụ là “ở đâu giá rẻ, Trung Quốc rẻ hơn”. Bởi, họ có nhân công lớn, họ có được nhiều công nghệ sau quãng thời gian là công xưởng thế giới,… Mặt khác, Trung Quốc cũng có nguồn vốn cực kỳ to lớn. Nền kinh tế đứng thứ hai thế giới với hàng loạt khoản đầu tư theo chính sách “Vành đai và Con đường” đã phần nào nói lên vị thế về tài chính của quốc gia này. Thế nên, Trung Quốc thắng thầu tại Việt Nam là điều dễ dàng và sòng phẳng.
Vấn đề là dư luận không hề có thiện cảm với Trung Quốc. Dự án nào của Trung Quốc cũng gắn liền với chậm tiến độ, đội vốn, hay thậm chí là khiến ngân sách rơi vào bẫy nợ khó trả. Phần đông xã hội chắc chắn đang dành cái nhìn tiêu cực và sẵn sàng nêu quan điểm “nói không với Trung Quốc” trong vấn đề thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Sau tất cả
Sau tất cả những lý lẽ được đề cập, đã đến lúc Việt Nam cần một sự bứt phá để có được công trình cao tốc thực sự “rẻ, đẹp, chất lượng lại được lòng dân”. Hãy thử một lần trao cơ hội cho các doanh nghiệp Việt để họ vươn lên. Cao tốc là sản phẩm quốc gia, tự túc quốc gia thực hiện là điều đáng quý và không sai phạm pháp luật quốc tế.
Năm 1970, sau 29 tháng thi công, người Hàn Quốc đã hoàn thành một sản phẩm đường cao tốc chất lượng bậc nhất do chính họ làm ra. Tổng thống Hàn Quốc khi ấy có câu nói bất hủ: “Bằng tài nguyên, kỹ thuật và sức người của Hàn Quốc, chúng ta đã xây dựng thành công con đường cao tốc với thời gian ngắn nhất trong lịch sử xây dựng đường cao tốc của thế giới”. Đáng nói, khi ấy, người Hàn Quốc tự gạt ngoài tai về những “chất lượng cao của Nhật Bản” với giá thành “khủng” để sử dụng chính nhân lực, vật liệu trong nước mình với giá thành rẻ hơn gấp 10 lần. Sau sự kiện này, kinh tế Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ.
Việt Nam so với Hàn Quốc của 50 năm trước thì có gì thua thiệt? Chúng ta cũng đang thiếu vốn như Hàn Quốc khi ấy, chúng ta cũng có nhân lực chất lượng cao, chúng ta cũng có những doanh nghiệp tư nhân có vốn và tâm huyết,…
Nhìn đi, một doanh nghiệp Việt dám bảo hành đường cao tốc 5 năm liền trong khi giới hạn của các doanh nghiệp ngoại chỉ vỏn vẹn có hai năm. Ai dám nói người Việt kém cỏi?
Sử dụng nhân lực trong nước chính là cơ hội cho cả quốc gia. Doanh nghiệp có cơ hội bứt phá còn ngân sách được cân đối tiết kiệm để đầu tư cho phát triển. Đó mới là bước nhảy mà đất nước đang cần.
(Theo Bút Danh)