8
category
604183

Xây bể trữ nước mưa chống ngập: Tại sao không?

An Diễm 01/06/2022 15:19

Đề xuất xây dựng hệ thống trữ nước ngầm, hay xây bể ở trường học, sân vận động, cánh đồng đang được bàn tán xôn xao trên mạng xã hội. Không ít người so sánh đề xuất này với sáng kiến “lu chống ngập” ở TP.HCM năm nào. Thế nhưng…

Hà Nội ngập sau những cơn mưa lớn

Vừa qua, Hà Nội xuất hiện một cơn mưa lớn với lưu lượng đạt kỷ lục trong nhiều năm. Mưa xối xả khiến hệ thống cống thoát bị quá tải, nhiều tuyến phố nhanh chóng ngập 30 – 50 cm, thậm chí có nơi lên tới 70 cm làm nhiều xe cộ chết máy trên đường, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Vấn đề này đã được các Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Theo Bộ trưởng, để ứng phó trước mắt, thành phố có thể dùng hệ thống máy bơm để thoát nước, nhưng về lâu dài cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, như xây các bể ngầm chứa nước lớn tại khu vực xung yếu thường xuyên xảy ra ngập. Thành phố cũng có thể tận dụng các nơi rộng lớn như cánh đồng, sân vận động làm nơi chứa nước.

Nhiều người vội so sánh giải pháp này với sáng kiến “lu chống ngập” do một Đại biểu ở TP. HCM năm nào. Và sau đó tỏ ý chê bai, kém tin tưởng. Nhưng ý tưởng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là rất cần thiết và thực tế chứ không hề viển vông. Bản chất ngập lụt theo ý kiến các chuyên gia là kết quả của quá trình mưa lớn và thường nhanh làm lấn át cơ sở hạ tầng thoát nước, dẫn đến các đường phố bị ngập. Ở các khu nông thôn và ngoại ô với nền đất tự nhiên và nhiều ao hồ, kênh rạch, khi mưa đổ xuống một phần ngấm trực tiếp xuống thành nước ngầm, phần khác chảy vào kênh rạch nên thoát rất nhanh. Ngược lại trong đô thị do bề mặt “cứng hóa” toàn bê tông (ngoại trừ các khu vực như sân vận động, công viên) nên ngấm kém, nước chủ yếu chảy tràn vào các hệ thống cống thoát nên dễ quá tải, sinh ra ngập nếu mưa quá lớn trong một khoảng thời gian ngắn.

Nếu nhìn từ “lý thuyết” như vậy thì có thể thấy giải pháp “lu chống ngập” cũng không phải là viển vông, xuất phát từ ý tưởng rằng lu giúp giữ lại một phần nước mưa. Và giải pháp xây bể chứa như Bộ trưởng Hà Nội thậm chí được đúc rút từ kinh nghiệm quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã xây hệ thống ngầm trữ nước, như Nhật Bản có những hầm chứa nước lớn vừa để giữ nước khi mưa, vừa để có nước dùng khi hạn hán. “Các giải pháp này đắt đỏ, nên quan trọng nhất là phải có tầm nhìn, xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Người dân đi lại khó khăn

Nhiều người cho rằng Việt Nam luôn thừa mứa về nguồn nước ngọt nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Tới 63% tổng lượng nước mặt ở Việt Nam được sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ. Sông Mekong có hơn 90% lượng nước đến từ các quốc gia trên thượng nguồn, sông Hồng 39%, sông Cả 18%, sông Mã 27%. Do thiếu nước ngọt, nạn xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã đến hồi cực kỳ báo động, di cư đã bắt đầu, nguy cơ đói nghèo ở vựa lúa của đất nước là nhãn tiền. Việc trữ nước dùng cho những mùa khô hạn là thực sự cần thiết.

Thế nhưng thực tế cũng cho thấy chỉ có một nền kinh tế khổng lồ như Nhật Bản mới có khả năng xây dựng và vận hành các bể chứa “khổng lồ”. Tuy vậy, không có nghĩa là Việt Nam không được học hỏi, nghiên cứu và đề xuất.

An Diễm

Đọc nhiều