Xác minh tài sản 46 trong số hơn 1 triệu người kê khai, phát hiện 10 sai phạm

25/05/2020 15:39

Theo Thanh tra Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là hơn 1 triệu người, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai; trong đó, có 46 người đã được xác minh, phát hiện 10 trường hợp vi phạm.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) /// Ảnh H.G
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Số lượt xác minh tài sản, thu nhập đạt 0,004%

Báo cáo Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng 2019, Thanh tra Chính phủ cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là hơn 1,081 triệu người, đạt tỷ lệ 99,9% số người phải kê khai. Trong đó, có 46 người đã được xác minh tài sản, thu nhập. Như vậy, số người được xác minh chỉ đạt 0,004%.

Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện vi phạm qua xác minh lại khá cao, với 10 trường hợp vi phạm, chiếm 21,7%, tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét kỷ luật 2 trường hợp.

Qua kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp tại 2.799 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã xử lý 159 người vi phạm. Số người nộp lại quà tặng cho đơn vị là 8 người, với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng.

Có 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự, 38 người bị kỷ luật hành chính.

Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tự kiểm tra nội bộ, Thanh tra Chính phủ cho biết đã phát hiện 70 vụ tham nhũng, giảm 23 vụ so với 2018; 89 người có hành vi liên quan đến tham nhũng, trong đó, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 19 vụ, 12 người. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức phát hiện 4 vụ, 5 người.

4 cuộc thanh tra lớn, đã phát hiện vi phạm gần 80.000 tỉ đồng

Báo cáo với Quốc hội, Thanh tra Chính phủ cho biết “công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng được tăng cường”.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý tham nhũng. Tình hình tham nhũng từng bước được kiềm chế.

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng; Thủ tướng giao, tạo dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: thanh tra toàn diện dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 – Công ty gang thép Thái Nguyên; thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy, và số tiền 4.190 tỉ đồng Chính phủ tạm ứng cho Tập doàn Công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu;

Thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM); thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà.

Chỉ tính riêng các cuộc thanh tra này, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm trên 79.966 tỉ đồng, 1.168 ha đất; kiến nghị thu hồi 38.142 tỉ đồng, 365 ha đất; xử lý khác 41.823 tỉ đồng, 804 ha đất.

“Kết quả phòng chống tham nhũng đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực”

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường an ninh – quốc phòng, đối ngoại.

Liên quan đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính để xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực thi triệt để các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; chỉ đạo triển khai xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền thông minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công.

Toàn quốc đã kiểm tra 5.202 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, qua đó đã phát hiện, chấn chỉnh 40 đơn vị có vi phạm.

PV/TN

Đọc nhiều