Vươn mình mạnh mẽ: Chiến lược xuất khẩu và tầm nhìn 100 năm của Việt Nam

19/04/2025 05:07

Việc chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu theo hướng tăng cường giá trị gia tăng và nâng cao giá trị nội tại của hàng hóa, sản phẩm là một giải pháp then chốt giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra.

Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang đối mặt với những thay đổi lớn, vừa tạo ra cơ hội, vừa đầy rẫy thách thức, việc xây dựng một chiến lược đúng đắn sẽ là yếu tố quyết định. Kết hợp với tầm nhìn phát triển dài hạn 100 năm của Đảng, đây là thời điểm quan trọng, mang đến cơ hội lịch sử cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, khi dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ.

Chính phủ quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số vào các năm tiếp theo.

Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt qua chặng đường dài, từ một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một đất nước phát triển năng động và tiềm năng.

Cụ thể, Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và hai con số giai đoạn 2026–2030 trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách đột phá quốc gia toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ trên nhiều góc độ và phương diện quan trọng như thể chế kinh tế, bộ máy tổ chức, mô hình tăng trường kinh tế đột phá cho giai đoạn cách mạng mới nhằm vừa tạo ra khí thế mới, xung lực mới và xu hướng phát triển mới; vừa tạo lập các động lực mới, nền tảng nguồn lực mới và không gian phát triển của quốc gia, để phát phát vững chắc và đưa đất nước bước kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, cải cách thể chế là đột phá của đột phá. Tập trung cải cách mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước.

Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, dữ liệu là “không khí và ánh sáng” của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững. Với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam đã xác định các mục tiêu phát triển đất nước cần phải bảo đảm nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”, bao gồm phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất và đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần tạo môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số và xã hội số quốc gia trên nền tảng khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật…) nhằm tạo ra không gian phát triển mới của quốc gia – kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.

Thực hiện chiến lược chuyên đổi số quốc gia là phù hợp xu hướng dòng chảy phát triển của thời đại và xem đây là bước bứt phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Từ kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến có nền kinh tế số phát triển, để đáp ứng nhu cầu xây dựng kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần phải có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để tiên phong, tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia. Đồng thời, gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển môi trường bền vững.

Thứ tư, Việt Nam cần nhanh chóng tái cấu trúc cơ cấu nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới với trọng tâm là không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường và được hỗ trợ bởi một hệ thống nguồn lực vững chắc, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và có tính bền vững cao. Đồng thời, chủ động sớm điều chỉnh chiến lược xuất khẩu hàng hóa dựa trên giá trị gia tăng, nâng cao giá trị nôi tại của hàng hóa, sản phẩm và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tự chủ sản xuất quốc gia với việc chủ động tham gia sâu rộng chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu nhằm từng bước thích nghi với các xu hướng thương mại toàn cầu, chính sách thuế quan mới của Chính phủ Mỹ và các quốc gia trên thế giới cả trước mắt lẫn lâu dài.

Thứ năm, Chính phủ nên có những định hướng quyết sách cải cách lớn, quyết liệt, căn cơ và phù hợp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời tận dụng tối đa, hiệu quả và phát huy cao độ các nguồn kinh tế quốc gia đang sở hữu, bao gồm các nguồn lực phát triển mà các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ trong nền kinh tế. Đòi hỏi khách quan là hệ thống doanh nghiệp nhà nước phải thực sự giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm yêu cầu về cân đối lớn, định hướng chiến lược và dẫn dắt nền kinh tế; đồng thời phát triển kinh doanh ổn định, hiệu quả và đi đầu các doanh nghiệp trong nước đối với việc chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ sáu, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Bài học kinh nghiệm phát triển của các quốc gia tiên tiến cho thấy, vai trò của kinh tế tư nhân là vô cùng quan trọng, có tích chất động lực nền tảng và quyết định khả năng phát triển nền kinh tế và thường chiếm tỷ trọng hơn 70% – 90% GDP của nền kinh tế quốc gia. Khu vực kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tự lực và tự cường. Chính phủ quan tâm thí điểm đặt hàng cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia như hạ tầng năng lượng, đường sắt, cảng biển, hàng không và lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thứ bảy, tiếp tục cải cách mạnh mẽ, sâu rộng và tạo ra bước ngoặc căn bản môi trường đầu tư quốc gia. Trong đó, thực hiện các chính sách khuyến khích tối đa khởi nghiệp phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước; tiếp tục nâng cao tính hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư nhằm thu hút các dòng vốn FDI thế hệ mới, với việc thu hút các doanh nghiệp FDI gia tăng tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm quốc gia như Bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển quốc gia, công nghệ sản xuất hàng không, năng lượng hạt nhân,…

Thứ tám, Việt Nam cần chú trọng chiến lược phát triển đồng bộ, hiệu quả của 03 thị trường vốn quốc gia, bao gồm cả thị trường chứng khoán, trái phiếu và tín dụng ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu cao về các nguồn lực vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam trong năm 2025 và cả trong trung và dài hạn (giai đoạn 2026 – 2030). Khơi thông và phát triển mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư quốc gia và doanh nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, là điều kiện tiên quyết và là tiền đề hết sức sức quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thứ chín, Việt Nam cần chú trọng tận dụng, khai thác hiệu quả thực chất và phát huy các lợi thế về 17 FTA (bao gồm EVFTA và RCEP) đã được ký thực hiện với hơn 60 quốc gia và khối khu vực kinh tế có tiềm năng phát triển thị trường xuất nhập khẩu lớn trên thế giới trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục mở rộng phát triển các thị trường khác có nhiều triển vọng ở các khu vực như Trung Đông, Đông Âu, Đông Á, ASEAN, châu Phi, … Đây là chìa khóa thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và gia tăng khả năng hấp dẫn, thu hút các dòng vốn đầu tư FDI của quốc gia, trong bối cảnh kinh tế thương mại đa phương trên toàn cầu đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ mười, chúng ta cần tiếp tục có những chính sách kích cầu, gia tăng tiêu dùng nội địa và sức mua trong nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhằm khích hoạt và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước. Chú trọng đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chính sách đầu tư công của Chính phủ trong thời gian tới nhằm tạo động lực phát triển và hỗ trợ tăng trưởng GDP trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Mười một, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt sớm khởi công đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia về đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt Lào cai – Hà Nội – Hải Phòng, 02 nhà máy hạt điện hạt nhân và và các dự án trọng điểm khác nhằm tạo tiền đề và bước ngoặt quan trọng của đất nước trong vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, hệ thống logistics, đảm bảo anh ninh quốc gia về năng lượng, điện và tạo không gian phát triển kinh tế mới của các vùng miền đất nước.

Mười hai, nghiên cứu hoàn thiện thể chế kinh tế, kiến tạo môi trường kinh doanh và các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững; nhất là các chính sách về đổi mới sáng tạo phát huy sức mạnh nội sinh của hệ thống doanh nghiệp quốc gia và tạo công ăn việc làm và sinh kế lâu dài cho người dân. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các chính sách giảm lãi suất cho vay, giảm thuế phù hợp, khuyến kích và hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định và từng bước phát triển bền vững.

Bích Ngân 

Đọc nhiều