Vùng đất “gà đẻ trứng vàng” ở Việt Nam
Trong nhiều năm qua, khu kinh tế này đã đóng góp hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách và được đánh giá như “con gà đẻ trứng vàng”.
Quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 168/QĐ-TTg phê duyệt vào đầu năm 2023.
Theo đó, xác định ranh giới Khu kinh tế Dung Quất quy mô diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha. Trong đó bao gồm hiện trạng phần đảo nổi là 1.039,85 ha và không gian phát triển mới và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711,15 ha.
Tính đến cuối năm 2023, khu kinh tế này đã thu hút 347 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD, có 253 dự án đã đi vào hoạt động; đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 01 tỷ USD. Hoạt động của Dung Quất cũng đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Trong đó mũi nhọn là lọc hóa dầu, thép, logistics…
Dung Quất được coi như “con gà đẻ trứng vàng” mà nhờ đó Quảng Ngãi nhiều năm liền đứng trong top những tỉnh có nguồn thu ngân sách cao nhất cả nước. Riêng năm 2023, đóng góp cho ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng.
Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam với 130 km bờ biển, tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế lớn dẫn đầu cả nước… Theo quy hoạch trong tương lai, các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 04 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ – Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi)…
Quy hoạch chung đến năm 2045 đã xác định Khu kinh tế Dung Quất sẽ phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia. Trong đó, lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.
20 năm trước, KCN Dung Quất được Chính phủ đồng ý cho phép chuyển đổi mô hình hoạt động và quản lý thành KKT Dung Quất, đồng thời cho mở rộng diện tích từ 13.000 ha lên 20.000 ha. Việc chuyển đổi mô hình hoạt động và bổ sung quy hoạch theo hướng tăng diện tích đối với KKT Dung Quất đã nói lên vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nguồn thu ngân sách của địa phương cũng như nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Từ chỗ thu ngân sách của Quảng Ngãi chưa tới 1.000 tỷ đồng, sự phát triển của KKT Dung Quất đã đưa nguồn thu ngân sách của địa phương lên 30.667 tỷ đồng năm 2023. Điều này cho thấy sức hấp dẫn cũng như hiệu quả cao của KKT đầu tiên tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đầu năm 2023, Chính phủ tiếp tục phê duyệt cho phép điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất và tăng diện tích lên 45.332 ha. Theo Quyết định của Chính phủ, KKT Dung Quất được định hướng là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; có trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng quốc gia, cơ khí – luyện kim và trung tâm logistics lớn mang tầm khu vực nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai; là đầu mối vận chuyển hàng hóa và giao thương quốc tế quan trọng.
Từ quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của Chính phủ, Quảng Ngãi triển khai lập 9 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất. Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, đến nay, 3 đồ án quy hoạch đã được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, 5 đồ án đã ký kết hợp đồng, đang triển khai khảo sát, lập quy hoạch và 1 đồ án đang tổ chức đấu thầu lần 2. Hiện các phân khu còn lại đang được tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng, nắm bắt thời cơ thu hút đầu tư.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, các phân khu còn lại đang lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 trên cơ sở tính toán không gian phù hợp cho phát triển ổn định, lâu dài, đặc biệt là các phân khu xây dựng khu đô thị.
Nêu ý kiến về tính hài hòa của các quy hoạch phân khu trong KKT Dung Quất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, các quy hoạch phân khu trong KKT Dung Quất được định hướng gắn với phát triển hài hòa các ngành kinh tế khác trong khu vực. Đồng thời, để phát huy tối đa lợi thế sân bay Chu Lai, Tỉnh chỉ đạo quy hoạch hạn chế về độ cao ở một số khu vực, tăng thêm phần diện tích xây dựng kho bãi phục vụ phát triển công nghiệp, đảm bảo liên kết vùng. Về lâu dài, ưu tiên phát triển công nghiệp nên quy hoạch phải cập nhật, xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó ngập lụt kịp thời. Quy hoạch cũng gắn kết hạ tầng cảng biển, sân bay, tạo ra lợi thế cạnh tranh, khai thác tối đa tiềm năng đất đai cho cả vùng.
Một vấn đề quan trọng trong quy hoạch phân khu tại KKT Dung Quất là quy hoạch sử dụng đất để kêu gọi đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thành quy hoạch sử dụng đất các phân khu trong KKT Dung Quất để kịp thời đưa toàn bộ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện liên quan (Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh), không để phá vỡ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trên địa bàn. Đối với các quy hoạch phân khu đã được xây dựng quy hoạch sử dụng đất trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phải báo cáo, phối hợp điều chỉnh phù hợp với Quy hoạch Tỉnh.
Được giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập quy hoạch các phân khu trong KKT Dung Quất, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) cho biết, thời gian qua, tại KKT Dung Quất có tình trạng xây dựng quy hoạch không đảm bảo chất lượng dẫn đến thu hút ồ ạt các dự án, phá vỡ định hướng phát triển. Việc thu hút dự án không phù hợp dẫn đến việc sử dụng đất đai không hiệu quả, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 lần này phải đạt được tiêu chí đồng bộ, hài hòa và khai thác triệt để tiềm năng tài nguyên đất đai.
Song song với tiến độ quy hoạch phân khu, Ban Quản lý đang triển khai đầu tư và hoàn thiện các dự án hạ tầng để khi quy hoạch phân khu còn lại được phê duyệt sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. “Khối lượng còn lại của 5 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành, 2 dự án khởi công mới, chuẩn bị đầu tư 4 dự án. Ngoài ra, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý đã xây dựng và trình cấp thẩm quyền của tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt 2 đề án: Đề án Huy động nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, khu nghĩa trang phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT Dung Quất giai đoạn 2023 – 2030; Đề án Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khung trong KKT Dung Quất giai đoạn 2023 – 2030”, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết.
Ở Quảng Ngãi, mỗi khi nhắc đến thành công trong thu hút đầu tư của KKT Dung Quất là nhắc đến dấu ấn đậm nét của KCN – đô thị – dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (thuộc KKT Dung Quất). VSIP đến với Quảng Ngãi năm 2013 và nhanh chóng hình thành dự án bất động sản công nghiệp hấp dẫn với hạ tầng hoàn chỉnh, thu hút thành công các dự án FDI. Với tổng diện tích quy hoạch 1.746 ha, trong đó diện tích KCN là 1.226 ha và khu đô thị – dịch vụ là 520 ha, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 36 nhà đầu tư tầm cỡ trên thế giới đến từ Mỹ, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Từ thành công này, VSIP đang thực hiện các thủ tục để đầu tư Dự án VSIP II Quảng Ngãi (đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cuối tháng 12/2023) với diện tích 497,7 ha, tổng vốn đầu tư 3.737 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ được khởi công xây dựng dịp chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XXI vào quý IV/2025. Hiện tỉnh Quảng Ngãi và nhà đầu tư đang tập trung bồi thường, giải phóng mặt bằng. Khi hoàn thành, VSIP II được kỳ vọng sẽ tạo thêm một hình mẫu về bất động sản công nghiệp sinh thái, thông minh và bền vững, tích hợp công nghệ từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh.
Cùng với KKT Dung Quất, VSIP và các KCN hiện hữu, theo quy hoạch đến năm 2030, Quảng Ngãi phát triển 10 KCN (6 KCN nằm trong KKT Dung Quất), gồm: KCN phía Tây, KCN Đông Dung Quất, KCN Bình Hòa – Bình Phước, KCN Tịnh Phong, KCN Phổ Phong, KCN Quảng Phú, KCN Dung Quất II, KCN Bình Thanh, KCN Bình Long và KCN An Phú. Tổng diện tích của 10 KCN này là 6.648 ha, trong đó diện tích đã được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 là 3.157 ha; phần diện tích còn lại chênh lệch giữa nhu cầu với chỉ tiêu đã được phân bổ là 3.491 ha sẽ được điều chỉnh, bổ sung.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mới đây, UBND Tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KCN theo nhu cầu thực tế đến năm 2025 theo hướng tăng thêm 2.781 ha. Mục đích của kiến nghị điều chỉnh này là nhằm kêu gọi đầu tư tăng cường phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới, đặc biệt là trong KKT Dung Quất và KCN VSIP II.
Bích Vân