Vừa triển khai test nhanh, Hà Nội phát hiện 3 người dương tính nCov
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, ngày đầu triển khai xét nghiệm tại các trạm xét nghiệm dã chiến của 4 điểm trên địa bàn Hà Nội, đã phát hiện 3 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, trao đổi với PV chiều nay, 31.3, ông Tuấn cho biết đến 17 giờ, Hà Nội đã xét nghiệm được 753 trường hợp, trong đó phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cả 3 người này đều đã được đưa đi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) để cách ly và các mẫu được gửi đi xét nghiệm khẳng định.
Được biết, những trường hợp này đều nằm trên địa bàn quận Đống Đa và có lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo ông Tuấn, các test nhanh này có hiệu quả rất lớn trong việc sàng lọc, giúp phát hiện sớm nhất, nhanh nhất tất cả những trường hợp dương tính với virus để có phản ứng kịp thời.
“Test này có độ chính xác cao. Nếu test đã phát hiện dương tính thì xác suất khi xét nghiệm khẳng định cũng dương tính gần như là 100%. Thay vì lấy mẫu và phải chờ thời gian 1 ngày, 2 ngày, test này 10 phút đã có kết quả rồi và trong ngày hôm nay, 3 trường hợp đã được cách ly luôn, sẽ giúp khống chế được sự tiếp xúc và lây lan trong cộng đồng”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, dù test cho kết quả âm tính, thì cũng không có nghĩa là yên tâm hoàn toàn, mà vẫn phải tiếp tục theo dõi tiếp trong thời gian đủ 14 ngày.
Với lượng test còn ít, mới được Bộ Y tế cấp 5.000 test, Hà Nội đang rà soát để xét nghiệm cho những trường hợp có nguy cơ cao trước. Trong hơn 15.000 người có lịch sử dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đã được rà soát và được bệnh viện cung cấp, y tế cơ sở đã lập danh sách và mời cụ thể từng người ra để xét nghiệm.
Tuy nhiên, do quá lo lắng, nhiều người dân không có trong danh sách cũng ra các trạm xét nghiệm dã chiến, với mong muốn được xét nghiệm. Cơ quan chức năng đã có thời điểm rất vất vả để hướng dẫn mọi người giữ khoảng cách an toàn 2 m.
Nhiều người quá lo lắng nên không được mời vẫn ra xét nghiệm
“Xét nghiệm này có giá trị sàng lọc, nên chỉ có giá trị trên những người có lịch sử dịch tễ có nguy cơ nhiễm bệnh. Trong ngày, một số trường hợp có đến và khai báo có tiếp xúc, nhưng trên thực tế cũng không hẳn, chỉ bởi họ quá lo thôi”, ông Khổng Minh Tuấn nói.
Với những người dân vẫn ra dù không được mời, cán bộ y tế đã gặp những khó khăn nhất định.
“Người dân đã ra thì cán bộ y tế vẫn đón tiếp. Tuy nhiên, chưa nằm trong diện đối tượng thì người dân cũng không nên ra, bởi hiện nay test chưa nhiều, phải ưu tiên cho những người có nguy cơ cao. Rất mong người dân ra theo hướng dẫn của cơ quan y tế, y tế mời ra thì mới ra, bởi vì có nguy cơ thì y tế mới mời, còn không mình cứ ra thì kể cả xét nghiệm cũng chưa có kết quả được. Ra lại tăng thêm rủi ro, vì tạo thêm nguồn tiếp xúc”, ông Tuấn khuyến nghị.
Dù biện pháp test nhanh đã được Hàn Quốc áp dụng rất thành công để khoanh vùng và dập dịch nhanh chóng và Hà Nội cũng đang rất có nhu cầu này, nhưng để triển khai rộng rãi hơn thì cái chính vẫn là kit test.
“Nhân lực không cần nhiều. Chỉ cần 1 người điều hành, 1 người lấy mẫu và 1 người thử nghiệm. Quy trình rất đơn giản, cán bộ y tế quận cũng làm được, cán bộ y tế xã được đào tạo cũng làm được, nhưng phải phụ thuộc vào nguồn test. Vẫn phải đợi Bộ Y tế nhập về, chứ các cơ quan, tổ chức khác cũng không nhập được, vì chỉ có qua Bộ Y tế nhập, test mới có giá trị sử dụng”, theo ông Tuấn.
Tuy không rõ về giá cả, nhưng ông Tuấn cho rằng, với các sản phẩm dành cho chống dịch, giá cả không phải vấn đề quan trọng nhất, mà quan trọng là có nguồn hàng để nhập hay không, bởi cả thế giới đều đang vật lộn với Covid-19 và đều có nhu cầu rất lớn về các mặt hàng này.