128036
category
509029

Vừa được bồi thường oan sai 2,3 tỷ đồng đã mất ngay 900 triệu đồng tiền “cảm ơn”?

04/04/2021 09:55

Sau khi được công an bồi thường oan sai hơn 2,3 tỷ đồng, gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã phải trả ngay 900 triệu đồng cho người hỗ trợ pháp lý cho gia đình những năm qua.

Vừa được bồi thường oan sai 2,3 tỷ đã mất ngay 900 triệu tiền "cảm ơn"? - Ảnh 1.
Ông Mưu Quý Sường đã mất 8 năm nhưng đến nay gia đình ông mới nhận được tiền bồi thường oan sai.

Như đã biết, 3 năm sau khi tiến hành xin lỗi công khai vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan ông Mưu Quý Sường vào năm 1977, Công an tỉnh Bắc Giang vừa hoàn tất việc chi trả bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng cho gia đình ông Sường.

Đáng chú ý, đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường khẳng định, ngay sau khi nhận đủ số tiền bồi thường từ cơ quan công an, họ đã lập tức đưa 900 triệu đồng tiền mặt để “chia công” cho người đại diện pháp lý của gia đình, đang làm việc tại một công ty luật ở Hà Nội.

“Sau khi nhận tiền xong, ông ấy bảo ký hợp đồng để chắc chắn 2 bên. Không sợ sau này mình đòi lại hoặc ông ấy đòi thêm. Số tiền “cảm ơn” khoảng 40% tổng giá trị được bồi thường” – đại diện gia đình ông Mưu Quý Sường thông tin.

Cũng theo người đại diện gia đình, năm 2008, gia đình bắt đầu theo đuổi việc kêu oan cho ông Sường nhưng không có kết quả. Đến tháng 8/2016, khi hay tin công ty luật nêu trên đã giúp kêu oan thành công cho một gia đình ở tỉnh Bắc Ninh, gia đình đã tới trụ sở công ty tìm kiếm sự giúp đỡ.

Sau đó, một lãnh đạo công ty luật này (không phải luật sư) đã nhận làm đại diện, thay mặt gia đình tiến hành các thủ tục pháp lý và làm việc với cơ quan liên quan để kêu oan, đồng thời yêu cầu bồi thường oan sai.

“Trước đó, 2 bên chỉ nói miệng với nhau về tiền thuốc nước. Sau khi được Công an tỉnh Bắc Giang trả tiền bồi thường thì hai bên mới ký hợp đồng thỏa thuận, không phải ký từ đầu”- đại diện gia đình ông Sường nói và cho biết sẽ không khiếu nại việc này.

Chúng tôi rất nhiều lần liên lạc qua điện thoại với người vừa nhận 900 triệu đồng từ gia đình ông Mưu Quý Sường để trao đổi thêm thông tin nhưng không nhận được phản hồi. Giám đốc công ty luật khẳng định giữa công ty luật và gia đình ông Mưu Quý Sường không ký hợp đồng, nhưng “sẽ kiểm tra xem chuyện tiền nong như thế nào”.

Vào năm 2019, dư luận cũng ồn ào sau sự việc ông Trần Văn Thêm (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ mang về nhà trên 2 tỷ đồng. Ông Thêm đã phải đưa 40% số tiền bồi thường oan sai cho một lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội “để làm từ thiện, kêu oan cho những trường hợp tương tự” theo văn bản ủy quyền đã ký trước đó.

Luật sư Nguyễn Văn Hâu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay, theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được; về đạo lý là không thể chấp nhận được (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Sáng 1/4, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM bày tỏ thái độ kinh ngạc trước câu chuyện này.

Theo ông Hậu, Luật Bồi thường nhà nước và nghị định hướng dẫn thực hiện luật đã nêu rõ quy trình, các khoản tiền phải bồi thường oan sai cho người dân về tổn thất tinh thần, vật chất, chi phí khiếu nại, tố cáo,…

Trong khi đó, Luật Trợ giúp pháp lý quy định việc trợ giúp pháp lý là miễn phí. Mỗi năm luật sư phải có 8 giờ trợ giúp pháp lý miễn phí và đối tượng chính là người nghèo, người yếu thế, người bị oan sai.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng có bộ quy tắc nghề nghiệp nêu rõ khi trợ giúp pháp lý thì luật sư không được lấy tiền của người dân, người yếu thế và nếu ai làm sai sẽ bị xử lý.

“Ở đây xuất hiện một người nào đó – không phải là luật sư – trợ giúp, hỗ trợ cho gia đình người bị oan sai để đòi tiền bồi thường thì có thể coi là hợp đồng dân sự. Nhưng số tiền họ nhận được cũng phải hợp lý, phù hợp với công sức mà họ bỏ ra thôi. Theo quy định pháp luật thì không thể lấy của gia đình người oan sai số tiền lớn như vậy được. Về đạo lý là không thể chấp nhận được” – ông Hậu thẳng thắn.

Sau 44 năm bị khởi tố oan sai mới được bồi thường

Theo hồ sơ vụ án, ngày 2/11/1977, ông Mưu Quý Sường (Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nội Thành; nay là xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) phát hiện bà Hoàng Thị Múi (vợ ông) bị ngã xuống suối tử vong nên đưa về nhà lo hậu sự.

Đám tang chưa kịp diễn ra thì ông Sường bị Công an huyện Lục Ngạn – Ty Công an Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội giết người; sau đó chuyển vụ án đến Ty Công an Hà Bắc để điều tra theo quy định.

Sau khi xảy ra biến cố này, hai người con còn nhỏ của ông Sường theo người thân sang Trung Quốc sinh sống. 11 năm sau, ông Sường được thả ra mà không rõ lý do.

Thấy mình bị oan, ông Sường đã làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng xin cứu xét về trường hợp của mình. Đến ngày 11/12/2013, ông Sường mất do đau ốm mà chưa được minh oan.

Bà Vi Thị Cú (vợ thứ 2 của ông Sường) tiếp tục hành trình gửi đơn kêu oan cho ông Sường. Cuối năm 2017, Công an tỉnh Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án hình sự và đình chỉ điều tra bị can với ông Sường về tội “Giết người” do hành vi của bị can không cấu thành tội phạm. Tháng 1/2018, gia đình ông Sường đã được Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức xin lỗi công khai tại trụ sở UBND xã Trù Hựu.

Mới đây nhất, cơ quan công an đã hoàn tất việc bồi thường oan sai trên 2,3 tỷ đồng cho gia đình ông Sường.

Nguyễn Trường – Thế Kha

Đọc nhiều