8
category
341296

Vụ xâm hại di sản Tràng An: Chủ tịch tỉnh không biết quyết định của Thủ tướng đã có hiệu lực?

16/12/2019 11:59

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa có hiệu lực được 13 ngày thì Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình lại ký quyết định cho Công ty Doanh Sinh thuê đất khai thác du lịch ngay trong vùng lõi di sản Tràng An.

Liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần dịch vụ thương mại và du lịch Doanh Sinh (Công ty Doanh Sinh) đang cho xây dựng hàng loạt công trình vượt giấy phép xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An tại khu vực Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), theo tài liệu phóng viên có được, việc xây dựng các công trình xâm hại Tràng An không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có từ trước khi công ty này được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất.

Theo Quyết định 305 ngày 17-2-2016 do ông Đinh Chung Phụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (mới nghỉ hưu), ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái Thung Nham, thì trước đó UBND tỉnh Ninh Bình đã cho Công ty Doanh Sinh thuê 34 ha đất từ năm 2003 (theo Quyết định số 1912/QĐ-UB) để đầu tư phát triển trang trại tổng hợp.

Sau khi thay đổi quyết định điều chỉnh, tỉnh Ninh Bình đồng ý cho công ty này xây dựng hàng loạt các công trình nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí trên diện tích 1,34 ha trong tổng diện tích 333,4 ha.

Vụ xâm hại di sản Tràng An: Chủ tịch tỉnh không biết quyết định của Thủ tướng đã có hiệu lực? - Ảnh 2.
Vùng lõi di sản Tràng An tại khu vực Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) dày đặc các công trình kinh doanh du lịch của Công ty Doanh Sinh

Điều đáng nói, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình lại ra đời sau Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau 13 ngày) về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An. Trong quyết định của Thủ tướng, vùng lõi danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 và được phân thành vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), không cho kinh doanh dịch vụ và các hoạt động lưu trú.

Thế nhưng, không rõ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình có biết Quyết định 230 của Thủ tướng đã có hiệu lực hay không, vẫn ký quyết định điều chỉnh quy hoạch cho Công ty Doanh Sinh được xây dựng nhà hàng, khu nghỉ dưỡng ngay trong vùng lõi danh thắng Tràng An. Và cho đến thời điểm này, ngoài một loạt hạng mục công trình đang bị đình chỉ thi công do xây vượt phép tới 1.810 m2, thì đã có rất nhiều các công trình được xây dựng từ trước, khiến khu Thung Nham hoang sơ ngày nào giờ dày đặc các công trình phục vụ du lịch.

Vụ xâm hại di sản Tràng An: Chủ tịch tỉnh không biết quyết định của Thủ tướng đã có hiệu lực? - Ảnh 3.
Dù thuê đất để phát triển trang trại, thế nhưng khu nhà hàng này đã mọc lên trong vùng lõi Tràng An trước khi nó được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình điều chỉnh quy hoạch cho khai thác du lịch

Như đã thông tin, Công ty Doanh Sinh, đơn vị đang được UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất kinh doanh du lịch trong khu vực Thung Nham đã cho xây dựng hàng loạt công trình vượt phép, xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra ngày 22-11 của UBND huyện Hoa Lư, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Doanh Sinh đang có hoạt động xây dựng cụ thể: Nhà dịch vụ xông hơi massages có ký hiệu số 24 trên tổng mặt bằng, diện tích xây dựng thực tế 720 m2 (đã đổ xong móng bêtông cốt thép, đang lắp dựng cốt thép cột). Tuy nhiên, diện tích được phép xây dựng là 480 m2 (vượt 240 m2); cụm nhà nghỉ 2 tầng có ký hiệu số 25, diện tích xây dựng thực tế 1.990 m2 (đã xây dựng xong tầng hầm, đang làm thép sàn mái tầng 1). Diện tích xây dựng được cấp là 600 m2 (vượt tới 1.390 m2).

Dù các công trình này xây dựng vượt phép gấp nhiều lần, song UBND huyện Hoa Lư lại đang “vẽ đường” cho công ty này hợp thức sai phạm khi cho thời gian 2 tháng để xin giấy phép điều chỉnh

Tiếp đến là nhà nghỉ dưỡng loại 1, thời điểm kiểm tra đã xây dựng 310,5 m2 (đã đổ xong mái bêtông cốt thép tầng 2), trong khi diện tích được cấp phép là 130 m2. Điều đáng nói, qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện tại cụm nhà nghỉ 2 tầng (có ký hiệu số 25), ngoài việc xây dựng sai quy mô còn xây dựng sai vị trí so với tổng mặt bằng đã được cấp trong giấy phép xây dựng. Tổng diện tích công ty này xây vượt phép lên tới 1.810 m2

UBND huyện Hoa Lư khẳng định toàn bộ công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt) vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An và Quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22-10-2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.

Thanh Tuấn/NLĐ

Tags :
Đọc nhiều