Vụ vu cáo Việt Nam hỗ trợ tin tặc tấn công Trung Quốc: Coi chừng dính bẫy!
Ngày 22/04, Reuters – một hãng thông tấn của Anh đã dẫn lại thông tin từ FireEye, công ty chuyên về an ninh mạng tại Mỹ cáo buộc vô căn cứ rằng “nhóm tin tặc APT32 ủng hộ Chính phủ Việt Nam đã tìm cách đột nhập email cá nhân và công việc của nhân sự thuộc Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc và chính quyền thành phố Vũ Hán để lấy tin về viruscorona”. Và lập luận rằng nhờ “Việt Nam thu thập thông tin nên có phản ứng nhanh chóng và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch”. Chưa biết thực hư thông tin thế nào, vậy là dân mạng được dịp hả hê cho rằng hacker Việt Nam quá giỏi, tài tình đến Mỹ còn phải thừa nhận thế cơ mà. Vậy nhưng…
Mọi người thử nghĩ mà xem, trong khi Trung Quốc – nước được cho là bị nhóm APT32 tấn công nhằm thu thập thông tin tình hình dịch bệnh sao đến giờ phút này vẫn chưa lên tiếng xác nhận? Thông tin tình báo, bảo mật của quốc gia bị theo dõi, đánh cắp như vậy, liệu Trung Quốc có chịu ngồi yên hay không? Nói thật chống dịch bằng cách thu thập thông tin tình báo kiểu như FireEye loan báo thì chẳng có cửa cho Việt Nam đâu mà các nước như Mỹ, Nga, Israel… đã ra tay trước rồi, và các nước phương tây cũng không đến nỗi “toang”, nhiều người thiệt mạng như ngày hôm nay.
Nào phải nhờ vào cái “thông tin bí mật được thu thập được” hay là “nhóm tin tặc” gì đó đâu, ngay từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam cũng bất ngờ như các nước trên thế giới bởi con virus này. Thậm chí Việt Nam còn đi sau so với các nước nữa kìa. Nhớ lại lúc số ca nhiễm và tử vong tăng cao tại Trung Quốc, ngày 22/01, Triều Tiên là nước đi đầu trong việc đóng biên giới và cấm nhập cảnh với công dân Trung Quốc; tiếp theo lần lược tới quốc gia như Mông Cổ, Malaysia (ngày 27/01); Kazakhstan (29/01); Nga (30/01); Mỹ (31/01); còn Việt Nam ngày 01/02 mới “dựng bức tường ngăn cách” với Trung Quốc. Hay như quyết định cấm xuất khẩu vật tư y tế, nếu Việt Nam biết trước được tình hình dịch bệnh thì đáng lý ra Chính phủ đã cấm xuất khẩu từ cuối năm 2019, chứ không phải tới ngày 29/02 mới ra lệnh cấm…
Vậy nhưng, có thế thấy, cách lựa chọn biện pháp, hành động của Chính phủ Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược với các nước trên thế giới. Ở cạnh ngay tâm dịch, nguồn lực cũng không mạnh bằng các cường quốc, nhưng có thể khẳng định một điều rằng cái mà Việt Nam hơn được đó là sự quyết tâm mạnh mẽ, đoàn kết, tin tưởng của người dân vào Chính phủ. Cả hệ thống vào cuộc nhanh chóng, dồn hết sức lực quyết tâm kiểm soát dịch bệnh và 100 triệu người dân cùng đồng lòng với Chính phủ bật chế độ “chống dịch như chống giặc”.
Truyền thông phương tây nói “Việt Nam thu thập thông tin nên có phản ứng nhanh chóng và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch” thì xin mời họ nhìn lại thời gian 3 tháng trước và nhìn những gì mà Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo nước họ hành động đi! Trong lúc một số nước phương tây chọn cách miễn dịch cộng đồng, chọn lọc tự nhiên hay vì duy trì kinh tế, cứu người trẻ mà bỏ quên người già vì họ là gánh nặng cho xã hội. Thì Chính phủ Việt Nam “chấp nhận hi sinh kinh tế để bảo vệ sức khỏe của người dân”; bất cứ ổ dịch nào được phát hiện thì các cơ quan ban ngành đều xông vào dập bằng mọi cách, ngăn chặn sớm để dịch bệnh không lây lan ra ngoài xã hội.
Trong khi lãnh đạo lẫn giới chức y tế phương tây đều không tin vào vai trò của việc đeo khẩu trang trong phòng chống dịch, thậm chí thấy người nào đeo khẩu trang thì xa lánh, kì thị, phân biệt chủng tộc với những người châu Á. Ngược lại thì sao, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, với những ai không tuân thủ, chấp hành đều bị xử phạt nghiêm.
Lúc người đứng đầu Chính phủ ra Chỉ thị 16, yêu cầu giãn cách xã hội trong 15 ngày (từ 01- 05/4) thì người người, nhà nhà, ai nấy đều ủng hộ, hạn chế ra đường. Còn trên khắp nước Mỹ, nhiều nhóm người xuống đường phản đối các lệnh phong tỏa của chính quyền nhằm làm hạn chế sự lây lan dịch bệnh, bởi họ cho đó là vi phạm nhân quyền.
Chẳng lạ gì khi mà truyền thông phương tây dạo gần đây liên tục xuất hiện những thông tin về nguồn gốc virus corona kiểu “tin tình báo” với tin “hacker”, toàn là những thứ không ai khác có thể kiểm chứng được. Bởi bằng luận điệu “tung hòa mù” này, những kẻ tung tin sẽ đạt được nhiều mục đích “nhất tiễn song điêu”.
Cái được thứ nhất, đó là đẩy được quả bóng trách nhiệm liên quan đến hậu quả của việc mất kiểm soát tình hình bệnh dịch của các nước phương tây đi hướng khác. Chứng tỏ các nước phương tây không hề bị động hay kém cõi gì, mà lãnh đạo nước họ đều chủ động ra tay dập dịch bằng biện pháp theo kiểu “quang minh chính đại” chứ chẳng phải dùng “chiêu thức bẩn, không trong sáng”. Cái thứ hai, mọi người thử đặt câu hỏi, tại sao công ty FirEye của Mỹ lại đưa ra thông tin vào thời gian này? Nó có liên quan gì đến căng thẳng trên biển Đông thời gian gần đây. Liệu đây có phải chiêu trò đổ thêm dầu vào lửa, nhằm gia tăng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc, kích động tâm lý cực đoan, nghi ngờ lẫn nhau giữa hai nước? Xảy ra điều này thì nước nào có lợi, hẳn không cần nói nhiều mọi người cũng biết được!
Mới đây, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đã lên tiếng bác bỏ thẳng thắn rằng: “Đây là những thông tin không có cơ sở. Việt Nam nghiêm cấm các hành vi tấn công mạng vào các tổ chức, cá nhân, dưới bất kỳ hình thức nào”. Người trong sạch không sợ bị hàm oan, những việc làm, hành động của Chính phủ và người dân trong suốt 90 ngày chiến đấu với dịch bệnh chính là câu trả lời đanh thép cho những kẻ cáo buộc rằng “Việt Nam chống dịch bằng tin tặc”. Việc của Chính phủ Việt Nam bây giờ là quyết tâm diệt bằng được con virus và tập trung giúp người dân phục hồi kinh tế, đưa đất nước phát triển mà thôi!
Thế Khoa