Cái kết cho cán bộ ngoa ngôn
Sự việc liên quan đến công ty Việt Á đến nay vẫn chưa hết nóng, bởi số lượng cán bộ bị kỷ luật, điều tra, bắt tạm giam ngày một tăng lên. Họ vì lòng tham mà phản bội nhân dân, không chỉ dùng kit test Covid-19 không rõ nguồn gốc mà còn “thổi giá” sản phẩm.
“Ngoa ngôn” là để bao biện cho hành vi sai phạm, tham nhũng, vi phạm pháp luật của mình hòng tư lợi cá nhân. Vụ liên quan đến bộ kit test Covid-19 của công ty Việt Á, đã thấy nhiều trường hợp “ngoa ngôn” phát sợ. Như trường hợp ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC tỉnh Thừa Thiên – Huế nói với người dân rằng “dù chỉ mua một ly cà phê cho tôi thì tôi đi tù cũng xứng đáng”. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau những phát ngôn này, ông Đức đã bị bắt tạm giam vì liên quan đến Công ty Việt Á. Rồi ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định “không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á, quá trình đấu thầu thực hiện đúng quy định”. Tuy nhiên, bước đầu công an xác định ông Tuấn và thuộc cấp của mình đã nhận hoa hồng lên tới 44 tỷ đồng từ Công ty Việt Á.
Với quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những cán bộ “ngoa ngôn”, thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, không vì người dân đã bị loại bỏ và dần được đưa ra ánh sáng để chịu tội. Ban Cán sự Đảng của Bộ Y tế, Học viện Quân y có liên quan đến vụ công ty Việt Á đều lần lượt nhận hình thức kỷ luật. Đến cả bản án dành cho cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vẫn đang được xem xét lại. Mà xét lại là đúng bởi bản án như vậy là quá thấp.
Pháp luật vẫn đang được thực thi đúng chức năng của mình để đảm bảo tính nghiêm minh, quyền lợi hợp pháp cho người dân. Quyết tâm trên càng được thể hiện rõ bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Chưa kể, rút kinh nghiệm từ vụ công ty Việt Á, cần phải có cơ quan phòng chống tham nhũng tại từng địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc tiêu cực.
Dù cho việc đối phó với tội phạm kinh tế hiện nay vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tiên, đến từ việc lĩnh vực kinh tế, tham nhũng rất rộng, xảy ra trong nhiều ngành, để xác định được hành vi và hậu quả phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Thứ hai, công tác giám định tài chính kéo dài, có trường hợp phải tiến hành giám định lại, vô tình tạo thời cơ cho tội phạm có thời gian tẩu tán tài sản tham nhũng – bằng chứng vàng trong công tác điều tra. Ba là, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm về kinh tế, tham nhũng đa số là những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực họ phụ trách, do đó quá trình xác minh, điều qua,… cũng rất mất thời gian.
Khó khăn là vậy, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cán bộ vào ban chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế”. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội và xử lý đến cùng các hành vi vi phạm pháp luật, cho dù đối tượng vi phạm là ai thì có lẽ sắp tới sẽ rất căng thẳng với những cán bộ “tay đã nhúng chàm” của công ty Việt Á.
LS Lê