Vụ việc giả bác sỹ điều trị F0: Đang điều tra “đến nơi đến chốn” có gì mà phải chọc ngoáy?
Trong ngày 22/2 vừa qua, ngay sau báo chí lên tiếng về việc “Giả bác sĩ vào 1 khu điều trị ở TP.HCM chữa cho F0”, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra “đến nơi đến chốn” và báo cáo lại. Đa số thông tin đã được công khai nhưng vẫn còn một số chi tiết phải điều tra kỹ lưỡng trước khi có hình thức xử lý. Thế nhưng mới chỉ qua vài ngày, một số đối tượng đã lên tiếng “đòi” phải có kết quả và ám chỉ Bí thư chỉ đạo mang tính hình thức.
Thực tế, sau chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên, toàn bộ các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, Trường ĐH Y Dược TP.HCM và công an đã vào cuộc, và chỉ một ngày sau đa số thông tin chi tiết về vụ việc đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dựa trên những thông này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu – Công an TP.HCM đánh giá vụ việc không phải quá lớn, đã xảy ra trong cao điểm dịch và đã được phát hiện, giải quyết từ tháng 9/2021. Một số luật sư cũng nhìn nhận rằng đối tượng giả mạo bác sỹ là Nguyễn Quốc Khiêm đã có hai hành vi liên quan đến tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác. Tuy nhiên, các luật sư cũng lưu ý rằng để xử lý cần điều tra xem có trục lợi không, có liên đới gây hậu quả nào không.
Thông tin xác minh từ Sở Y tế bước đầu xác định: Nguyễn Quốc Khiêm là tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch qua đơn đăng ký trực tuyến của Trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng Khiêm chưa bao giờ học ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM và chưa từng thực tập, làm việc tại BV Chợ Rẫy. BS Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc TTYT quận 12, cho biết Khiêm tỏ vẻ là có nghiệp vụ về y khoa, bốn bác sĩ khác cùng làm việc không hề nhận ra điều bất thường. “Khi nhân viên xuống nắm tình hình thì em này tự xưng là bác sĩ, đưa ra các giấy khen. Một bác sĩ ở Bình Định tăng cường vào được bố trí vào khu cách ly này cũng không phát hiện” – ông Tuyến nói.
Lúc chống dịch quá căng thẳng, công việc bề bộn lại quá thiếu nhân lực nên “Người ta đưa xuống người nào thì mừng người đó. Sở Y tế, Trường ĐH Y Dược đưa xuống thì tin rồi”. Theo ông Tuyến, khi đưa máy móc, thiết bị xuống thì Khiêm biết cách lắp ráp, sử dụng và đề đạt ý kiến mượn tầng trệt để làm khu chăm sóc cho gần và dễ quan sát. Từ đó các bộ nhận thấy Khiêm có kỹ năng và thấy có cả bằng khen của BV Chợ Rẫy (làm giả) nên những người ở trung tâm cách ly, điều trị F0 đánh giá cao, không hề nghi ngờ.
Theo ông Trương Văn Đạt – trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, vụ việc này đã xác minh xử lý xong hồi tháng 10/2021 và người vi phạm đã nhận lỗi. Ông Đạt cho biết khi gửi sinh viên tình nguyện của trường qua tham gia tình nguyện hỗ trợ chống dịch tại Q.12, trường xác định rõ nhiệm vụ của sinh viên là làm công tác hỗ trợ các nhân viên y tế trong khu cách ly, chứ không trực tiếp tham gia điều trị. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát mạnh, khu cách ly trên có nhiều F0. Khiêm lại thể hiện tốt, nên nhiều nhân viên y tế tại đây cứ nghĩ Khiêm là bác sĩ chứ không phải sinh viên y khoa, và đề nghị phân công người này sang làm việc trong khu có F0. Sau đó, Khiêm đã làm giả bằng bác sĩ chuyên khoa 1 để gửi cho Q.12 và được phân công phụ trách nhiều hạng mục công việc của một bác sỹ đích thực cho đến khi bị phát hiện.
Những hành vi trên đã được nhiều luật sư phân tích về khía cạnh pháp lý. Luật sư Lê Trung Phát và Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng Khiêm có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau khi vào khu cách ly, thay vì chỉ làm nhiệm vụ của một tình nguyện viên như các sinh viên khác thì Khiêm lại mạo danh mình là thạc sĩ – bác sĩ nội trú, để trực tiếp tham gia vào việc thăm khám và ký vào các giấy tờ có liên quan. Như vậy hành vi của Khiêm có dấu hiệu của tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Điều dư luận quan tâm nhất trong vụ việc này là về các hậu quả. Khi thực hiện các chuyên môn của bác sỹ, Khiêm thừa nhận “chỉ phát thuốc men đơn thuần cho người bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Mỗi lần thực hiện đều có hỏi ý kiến của các bác sĩ trong khu cách ly, đồng thời tham mưu ý kiến của các bác sĩ cấp trên để cùng thống nhất đưa ra các quyết định.” Phải thừa nhận là Khiêm thực hiện được công việc, thậm chí từng có bài báo khen ngợi thành tích đã góp phần cứu sống nhiều F0. Cần biết là việc khám chữa bệnh cho người bị mắc Covid được thực hiện nhờ cả tập thể y bác sỹ tại khu điều trị.
Về hành vi giả mạo bác sĩ và được giao phụ trách chính khu điều trị chuyển đổi từ khu cách ly và ký các báo cáo, chẩn đoán, các văn bản chuyển tuyến… Đây là người không có thật do mọi giấy tờ, hồ sơ của Khiêm để chứng minh mình là bác sĩ đều là giả nên Khiêm không phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). “Việc xác định Khiêm gây ra hậu quả cần phải được thực hiện theo một quy trình hết sức chặt chẽ”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Luật sư Thắng cũng cho rằng: “Nếu trong quá trình giả mạo, “bác sĩ Khiêm” có hành vi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc… gây hậu quả chết người cũng chưa thể quy hết trách nhiệm cho Khiêm được vì trong khu cách ly, điều trị Covid-19 còn có rất nhiều nhân viên y tế chính quy, chuyên nghiệp khác. Về việc trục lợi, luật sư Thắng cho rằng Nếu hành vi làm giả giấy tờ, mạo danh để vào khu cách ly với động cơ vụ lợi, tìm cách lấy tiền của người bệnh thì chuỗi hành vi này mang đầy đủ bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lúc này, Khiêm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng lúc hai tội: Tội làm giả giấy tờ và tội lừa đảo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Từ các thông tin này, chính Luật sư Lê Trung Phát và Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của Nguyễn Quốc Khiêm đáng trách nhưng cũng đáng thương, bởi tinh thần tình nguyện của Khiêm, và cơ quan chức năng cần xem xét thật kỹ động cơ, mục đích phạm tội. Ngoài ra cũng cần đặt vào bối cảnh phạm tội của Khiêm là thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, căng thẳng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, những người tình nguyện tham gia chống dịch như Khiêm cũng là những người biết hy sinh vì cộng đồng. Đồng thời cần xem xét trách nhiệm của các bên có liên quan. Đồng tình, luật sư Tuấn cũng cho rằng cần phải xem xét và miễn giảm một phần trách nhiệm hình sự cho Khiêm vì trong suốt quá trình thực hiện Khiêm cũng không gây ra hậu quả lớn, không thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản, mà chủ yếu là phục vụ công việc chống dịch trong thời gian qua.
Vụ việc hy hữu này được chuyên gia trong ngành cho rằng do thời điểm cần nhu cầu nhân lực quá lớn, số lượng bệnh nhân lớn, nhiều nhân lực đến làm việc theo lời kêu gọi tình nguyện. Việc kiểm tra các thủ tục về hồ sơ, chứng chỉ hành nghề có thể không đầy đủ.
PGS.TS Tăng Chí Thượng – giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng “Quan trọng lúc này phải xác định rõ mục đích cuối cùng của người xưng bác sĩ này là gì, hậu quả gây ra ra sao. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng như thời chiến, việc tình nguyện viên xung phong chống dịch cứu người là việc rất tốt. Chỉ có điều nếu lạm dụng là bác sĩ để lấy tiền bạc thì phải xử lý”. Công an TP. HCM cũng đánh giá rằng đây là vụ việc không quá lớn và gần như đã xử lý xong từ tháng 10/2021. Hiện tại các đơn vị chuyên môn đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi, mục đích, động cơ, hậu quả nếu có để xử lý theo đúng chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Văn Nên. Việc các đối tượng xấu tỏ ý không tin tưởng việc điều tra, xuyên tạc chỉ đạo của Bí thư Nên “chỉ là hình thức” rõ ràng là sai sự thật và thiếu hiểu biết.
An Diễm