86
topics
579922

Vụ việc bé gái 8 tuổi: Sao cứ phải so sánh Mỹ với Việt Nam?

An Diễm 04/01/2022 12:05

Vụ việc thương tâm liên quan đến bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong gây xót xa cho người dân cả nước, tất cả ban ngành chức năng đã vào cuộc để điều tra, xử lý. Nhưng với trang tin Tiếng Dân thì đây lại là cơ hội để chỉ trích Nhà nước, và họ lại ca điệp khúc cũ: nhìn sang Mỹ mà xem.

Trong bài viết, Tiếng Dân News dẫn ra các ví dụ ở Mỹ trong việc bảo vệ trẻ em bị bạo hành gia đình. Cơ quan nào phụ trách nhiệm vụ gì, phân chia quyền giám hộ hay thăm nuôi, nhà trường và xã hội có vai trò gì để bảo vệ trẻ em. Từ đó họ dẫn lại và phân tích các Điều khoản của Luật phòng chống bạo lực gia đình Việt Nam rồi so sánh với các điều luật ở Mỹ, họ giả định nếu vụ vụ việc xảy ra ở Mỹ thì sẽ được ngăn chặn ra sao. Và cuối cùng họ cho rằng luật ở Việt Nam chung chung, không rõ ràng, dễ tạo ra kẽ hở cho các hành vi bạo lực.

Lập luận này sẽ rất hoàn hảo, cho đến khi chúng ta xem số liệu thống kê ở Mỹ. Tổ chức Statista thống kê cho thấy năm 2019 ở Mỹ có gần 700 nghìn báo cáo về các vụ trẻ em bị lạm dụng và ngược đãi. Trong năm này có 1.809 trường hợp tử vong do lạm dụng hoặc ngược đãi trẻ em, tức khoảng 5,04 trẻ em tử vong mỗi ngày do bị lạm dụng và bỏ rơi. Một nạn nhân có thể bị lạm dụng nhiều lần bởi cùng một thủ phạm hoặc sự kết hợp của chúng. Hầu hết các nạn nhân lạm dụng trẻ em đều bị bạo hành bởi cha, mẹ của các em hoặc kết hợp cả hai.

Nếu giả định những gì Tiếng Dân News mô tả về luật pháp Mỹ là đúng thì những số liệu trên đang chứng minh hiệu quả ngược lại. Vấn đề là, nếu như luật pháp can thiệp quá nhiều vào chuyện nội bộ của một gia đình, và coi cha mẹ các em như những đối tượng cần giám sát hàng ngày từ những sự việc tưởng chừng như nhỏ nhất thì vô hình chung lại cắt đứt sợi dây liên hệ tình cảm giữa họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ đứa trẻ cảm nhận họ phải chia sẻ quyền dạy con với chính phủ, và khi đứa trẻ cảm nhận rằng cha mẹ không có toàn quyền dạy chúng? Cha mẹ có thể không quan tâm nhiều đến con cái nữa, và có thể sinh ra ác cảm cùng bạo lực.

Văn hóa của người Việt Nam coi trọng tình cảm gia đình, khi mỗi đứa trẻ sinh ra nhận được sự quan tâm của không những cha mẹ mà còn cả dòng tộc, họ hàng. Cha mẹ chăm sóc và quan tâm đến con cái ngay cả khi con cái đã có tuổi, và ngược lại con cái báo hiếu khi cha mẹ về già. Luật pháp của mỗi quốc gia phải được xây dựng và vận hành dựa trên đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nếu luật pháp Mỹ quá đề cao cá nhân, ngay cả khi cá nhân còn nhỏ tuổi và chưa đủ năng lực nhận thức, thì luật pháp Việt Nam vận hành trên cơ sở tôn trọng tối đa các mối quan hệ cộng đồng. Điều 20 và 21 Luật phòng chống bạo lực gia đình thể hiện một sự thận trọng nhất định khi ứng xử với mỗi tình huống, đó hoàn toàn không phải là kẽ hở như nhận định ngây thơ của Tiếng Dân.

Người Việt Nam có câu “thương cho roi cho vọt” với ý nghĩa hoàn toàn tốt đẹp, trẻ em sinh ra và lớn lên được chăm sóc hết sức cẩn thận, ngay cả đòn roi cũng chỉ vì mục đích yêu thương. Nhưng cần phân biệt rõ ràng giữa đòn roi giáo dục và đòn roi hận thù. Chẳng có ai lại đi cổ xúy cho thù hận cả.

Người Mỹ thì quan niệm đề cao pháp trị, lấy chế tài của Nhà nước để ứng xử với mọi mối quan hệ trong đời sống. Mục đích của người dân cả hai nước đều là tốt đẹp, nhưng thực tế cuộc sống cho thấy mọi thứ đều có thể xảy ra, không có gì là hoàn hảo. Một cá nhân cha mẹ thiếu đạo đức, vô nhân tính, trong những môi trường và hoàn cảnh cụ thể vẫn sinh ra bạo lực. Lý do đơn giản là dù chặt chẽ hay nghiêm minh đến đâu, thì cuộc sống của mỗi người vẫn do phần lớn cá nhân họ quyết định và ứng xử.

Nếu chuyên gia của Tiếng Dân News đọc được số liệu thống kê của Statista thì chắc chắn họ sẽ phải nghĩ lại về bài báo của mình, dữ liệu đầu vào có thể đẹp nhưng kết quả đầu ra sai thì chứng tỏ lập luận của họ đã sai hoàn toàn. Và việc chê bai hay chống phá chính sách, luật pháp của Nhà nước có ý nghĩa gì khi họ không thể viết ra được những điều đúng đắn.

An Diễm

Đọc nhiều