Vụ tiền hỗ trợ 2 năm mới tới tay dân: Có dấu hiệu của tội tham ô
Sau khi Báo chí thông tin việc UBND xã Đăk Ang (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) chậm chi trả tiền hỗ trợ thiên tai cho người dân, các cấp chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra.
Tuy nhiên việc xác định hành vi của các cán bộ xã khi “mượn tạm” số tiền này còn gây nhiều tranh cãi.
Từ chối cung cấp báo cáo vụ xã ‘mượn tiền dân’ vì… văn bản mật
Ngày 15.12, ông Phạm Văn Mạnh, Chánh Thanh tra H.Ngọc Hồi, cho biết đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc xã Đăk Ang chậm trễ chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên ông Mạnh từ chối cung cấp văn bản này cho báo chí vì cho rằng đây là văn bản mật.
Theo ông Mạnh, nội dung báo chí nêu về việc xã Đăk Ang chậm chi trả tiền hỗ trợ cho người dân là đúng sự thật. Tổng số tiền xã chậm trễ chi trả cho người dân là hơn 35,7 triệu đồng. Đây là khoản kinh phí hỗ trợ cho 5 hộ dân có bò chết tại xã Long Dôn và hàng chục hộ dân ở các thôn Đăk Brái, Đăk R’me có hoa màu bị thiệt hại trong đợt bão số 4 năm 2018.
Theo ông Mạnh, mặc dù sau khi báo chí vào cuộc xã Đăk Ang mới đem tiền trả số tiền trên cho người dân dân tuy nhiên không có dấu hiệu tư túi hay ăn chặn.
“Xã họ bảo rằng họ tạm mượn số tiền đó, ứng tiền đó để làm việc chung của xã sau này họ trả lại. Đôi khi cho mỗi đoàn thể mượn 1 tí. Ý là số tiền người ta không lấy hết, không phải người ta bỏ túi. Họ chỉ mượn 20 triệu thôi, còn 15 triệu ông thủ quỹ không chi vì ngại. Đúng là khi báo chí vào cuộc thì họ mới chi trả”, ông Mạnh nói.
Theo ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hồi, hiện UBND huyện đang chờ UBND xã kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Sau khi có kết quả mới xác định được hành vi của các cán bộ xã có dấu hiệu ăn chặn tiền của người dân hay không.
Có dấu hiệu phạm tội tham ô
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc cán bộ xã Đắk Ang tự ý “mượn tạm” tiền ngân sách nhà nước cấp cho những người được nhận hỗ trợ là có dấu hiệu của “tội tham ô tài sản” được quy định tại Điều 353 bộ luật Hình sự. Ở đây, những người bị thiệt hại do thiên tai là đối tượng được nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước đã được rút ra nhằm để chi trả cho những người bị thiệt hại do thiên tai nhưng cán bộ xã không chi trả mà chiếm đoạt.
Trong trường hợp này, tiền của nhà nước vẫn chưa đến tay người được nhận hợp pháp mà đáng lẽ họ được nhận, do đó về lý thuyết thì nhà nước vẫn còn nợ họ. Số tiền từ ngân sách nhà nước đã bị người quản lý lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Đối với những người tiếp tay cho hành vi phạm tội cũng có thể bị xử lý kể cả họ không có chức vụ, quyền hạn.
Hành vi tội phạm đã hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội rút tiền từ kho bạc nhà nước nhưng không nộp vào quỹ của cơ quan. Nếu người bị thiệt hại đến nay mới nhận tiền hỗ trợ thì chỉ là tình tiết giảm nhẹ, khắc phục hậu quả. Ngoài ra, việc trả tiền hỗ trợ này thì phải tính cả lãi suất từ thời điểm rút tiền đến nay theo lãi suất đi vay của ngân hàng thương mại.
Theo luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk), việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ và rút tiền khỏi ngân sách đã có đủ dấu hiệu phạm tội. Cần điều tra để xác định ai là người làm hồ sơ, ai là người chiếm đoạt tiền để xử lý đúng quy định pháp luật.
Như ngày 22.11 đã đưa tin, vào cuối năm 2018, UBND H.Ngọc Hồi đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai năm 2018. Trong đó xã Đắk Ang được cấp 170 triệu đồng. Sau hơn 2 năm số tiền hỗ trợ trên vẫn không đến tay người dân ở thôn Long Dôn của xã này. Sau khi báo chí phản ánh, một cán bộ xã đến từng nhà dân đưa tiền và cho biết đây là tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng thiên tai năm 2018.
Đức Nhật/TNO