432
category
326292

Vụ thuốc giả VN Pharma – Phải làm rõ trách nhiệm trước pháp luật

25/09/2019 16:39

Sáng ngày 24-9, Tòa Án Nhân Dân TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên tổng giám đốc VN Pharma) và 11 đồng phạm trong vụ buôn lậu thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma.

Những cơ quan có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm

Vụ thuốc giả VN Pharma đã kéo dài 6 năm với nhiều lần trả hồ sơ để làm rõ hành vi phạm tội, định lại tội danh đối với các bị cáo và xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Được thành lập tháng 10-2011, công ty cổ phần VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên bàn với Võ Mạnh Cường nhập khẩu loại thuốc thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg về Việt Nam. Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được, Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ đó.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa vào sáng ngày 24/9
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng tại tòa vào sáng ngày 24/9

Theo kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Trong suốt quá trình điều tra vụ án, đơn vị có trách nhiệm thẩm định, cấp phép cho VN Pharma được nhập khẩu các lô thuốc về VN là Cục Quản lý dược Bộ Y tế luôn khẳng định đã làm đúng quy trình. Tuy nhiên mới đây, Thanh tra Chính phủ đã kết luận Bộ Y tế có hàng loạt sai sót trong việc ban hành các quy định về nhập khẩu thuốc, đấu thầu mua thuốc…

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita kém chất lượng của VN Pharma về VN.

Trước khi phiên tòa sơ thẩm lần 2 diễn ra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Kết quả điều tra lại thể hiện Nguyễn Minh Hùng và ban giám đốc VN Pharma đã có chủ trương chi tiền cho trình dược viên sử dụng vào mục đích tiếp cận bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng để phục vụ cho hoạt động bán thuốc.

Từ tháng 10-2014 đến tháng 5-2015, VN Pharma đã sử dụng 14,1 tỉ đồng để chi phí cho hoạt động bán thuốc vào các bệnh viện. Đây là số tiền VN Pharma nâng khống giá thuốc nhập khẩu, tuy nhiên cơ quan điều tra không xác định được đây là tiền nâng giá của lô nào. Do tiền nâng khống giá được VN Pharma nhận lại bằng tiền mặt nên không có hóa đơn chứng từ, không có sổ sách ghi chép việc thu chi.

Viện Kiểm Soát Nhân Dân tối cao đã kết luận việc chi “hoa hồng” chỉ có lời khai của trình dược viên VN Pharma, không có tài liệu, chứng cứ vật chất chứng minh việc đưa tiền, đưa quà nên không đủ tài liệu kết luận về hành vi nhận “hoa hồng” của các cán bộ, bác sĩ bệnh viện. Tuy nhiên, vấn đề “hoa hồng” vẫn sẽ tiếp tục được xem xét làm rõ tại phiên tòa.

Bản án hiện đã có hiệu lực pháp luật. Liên quan đến vụ án này, trong số 12 bị cáo thì có Ngô Anh Quốc (nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma) đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án 5 năm tù về tội đưa hối lộ.

Bị cáo Quốc là người đã dùng hơn 10 tỉ đồng tiền “hoa hồng” để ngoài sổ sách của VN Pharma để đưa cho luật sư nhờ “lo lót” cho mình thoát tội sau khi vụ án buôn thuốc giả tại VN Pharma bị phát hiện. Tuy nhiên, việc đưa hối lộ không thành, cả bị cáo Quốc và 2 đối tượng môi giới khác đều bị đưa ra xét xử.

Phải xử lý thật nghiêm, đúng người đúng tội, mới an yên lòng dân

Theo thống kê từ hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2017 là khoảng 4,7 tỷ USD (tương đương 105.500 tỷ đồng). Hãng này cho biết, thị trường dược phẩm ở việt Nam sẽ còn tăng cao, ước tính năm 2021 là 7,7 tỷ USD và năm 2026 là 16,1 tỷ USD, với tỉ lệ tăng trưởng kép là 11%.

Bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam cũng tăng liên tục qua các năm qua, từ 9,85 USD năm 2005, 22,25 USD năm 2010 và năm 2015 là 37,97 USD. Riêng năm 2017, ước tính con số này đã tăng lên khoảng 56 USD/người.

Thị trường bán lẻ dược phẩm hiện nay được phân làm 2 kênh chính là bệnh viện và hệ thống nhà thuốc OTC. Trong đó bệnh viện chiếm 68% danh số bán lẻ, còn 32%

còn lại thuộc về khoảng 57.000 nhà thuốc tư nhân ở Việt Nam. Vì đây là “miếng mồi béo bở”, mà không những các nhà đầu tư muốn tham gia và hoạt động, mà các cơ sở doanh nghiệp sản xuất thuốc cũng muốn cung cấp loại hình dịch vụ này.

Trên thực tế, chúng ta thấy có cầu thì ắt sẽ có cung, nên để đáp ứng được một số loại thuốc có giá trị cao như thuốc chống ung thư. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã tìm mọi cách để chế biến thuốc giả, thuốc lậu, không có giá trị sử dụng hoặc thậm chí là còn mang lại nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì có khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và đây cũng là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc chứng bệnh như sốt rét, sung phổi.

Ở Việt Nam, một quốc gia đang phát triển thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng và lỗ hổng của pháp luật khá lớn. Thì thuốc giả, thuốc lậu gần như đang xâm nhập vào thị trường bán lẻ dược phẩm ngày một nhiều. Dược phẩm được bán qua kênh online, thông qua Internet, mạng xã hội, blog… khá nhiều, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 50% thuốc giả được bán thông qua đây.

Hầu hết, tháng nào ở Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng phát hiện được các lô thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc. Có thể kể đến các lô thuốc có giá trị cao và sản xuất một cách tinh vi như: thuốc tẩy giun Fugacar của Công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse (Bỉ); hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg giả được công ty VN Pharma nhập khẩu về Việt Nam,…

Sau vụ công ty VN Pharma nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg về Việt Nam, được tuồn vào bệnh viện dưới sự tiếp tay của y bác sĩ. Đã phần nào mở ra được cánh cửa thế giới ngầm mà người Việt và người bệnh không hề biết.

Những kẻ làm thuốc giả được ví như kền kền, đang ăn thịt của những con mồi nằm trong tình trạng nguy kịch. Những viên thuốc được làm dưới tay của những kẻ sẵn sàng lợi dụng cái chết của người khác, để làm giàu cho mình. Mặc cho người bệnh phải đối mặt với cơn đau về thể xác, mất hết nhà cửa để đặt niềm tin vào bệnh viện, vào y bác sĩ và từng viên thuốc được đóng gói một cách “hoàn hảo”.

Thuốc là cứu tính, là nguồn níu giữu sự sống mong manh của bệnh nhân. Một viên thuốc mang lại bao nhiêu niềm tin và hy vọng, trước cuộc chiến sống còn giữa sự sống và cái chết. Nhưng ai ngờ đâu, những viên thuốc đó lại được tạo nên từ bàn tay tội ác, được nhào nặn bởi chính những kẻ mắc áo blouse trắng.

Hồng Đinh

Đọc nhiều