8
category
440187

Vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: ‘Con hứa về đưa mẹ chữa bệnh, vậy mà…’

19/10/2020 10:24

Lời hứa với bố mẹ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục học đàn để ổn định công việc, đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh của chàng chiến sĩ 20 tuổi bị vùi lấp cùng bùn đất sau vụ sạt lở núi.

Vợ chồng ông Cao Văn Sơn khóc ngất khi biết tin con trai Cao Văn Thắng gặp nạn trong vụ sạt lở núi ở Quảng Trị – Ảnh: T.LƯƠNG

Những người cha, người mẹ ở quê nhà có cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi ở Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 đóng ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đều chết lặng khi nhận tin dữ.

Lời hứa báo hiếu dang dở

Sáng 19-10, mưa vẫn dồn dập trút xuống huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Trong căn nhà lụp xụp được xây bằng đất và những tre đan tạm bợ ở cuối thôn 7, xã Hương Đô, vợ chồng ông Cao Văn Sơn (55 tuổi) nằm gục khi nhận tin thi thể con mình đã được tìm thấy.

Vừa “chạy lũ” do nước sông Ngàn Sâu dâng, bà con vừa lui tới động viên, thăm hỏi gia đình ông Sơn. Con ông, chiến sĩ Cao Văn Thắng, 20 tuổi, được đưa ra khỏi đống bùn đất cùng 13 đồng đội khác ngày 18-10.

Ông Cao Văn Tùng, người họ hàng của ông Sơn, kể sau khi học xong cấp ba, Thắng viết đơn xin lên đường nhập ngũ. Đầu tháng 2-2019, anh được tiếp nhận vào Đoàn kinh tế – quốc phòng 337.

Đóng quân trên địa bàn miền núi huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, Thắng cùng các chiến sĩ đơn vị tham gia xây dựng kinh tế, quốc phòng, giúp bà con nhân dân địa phương 5 xã biên giới vùng sâu, vùng xa.

“Đơn vị ở xa, Thắng chỉ xin về phép đúng dịp tết có mấy ngày. Là con út, sinh ra trong gia đình vất vả nên nó rất chịu thương, chịu khó và luôn cố gắng rèn luyện tính kỷ luật trong môi trường quân đội. Sáng qua, nghe tin vụ sạt lở núi nơi đơn vị Thắng đóng quân chúng tôi vẫn mong mọi người thoát nạn, nào ngờ…”, ông Tùng nghẹn giọng.

Ông Sơn ôm túi đựng chiếc áo ấm định gửi vào cho con – Ảnh: T.LƯƠNG

Ít giờ trước lúc gặp nạn, nghe dự báo mưa lớn đổ về “rốn lũ” Hương Khê, Thắng gọi điện về cho ông Sơn dặn: “An toàn là trên hết, con xem thời tiết thấy đài báo lụt to, cha mẹ nhớ kê đồ đạc lên cao”.

Ôm túi đựng hai chiếc áo ấm của con, ông Sơn nghẹn ngào: “Chỉ còn mấy tháng nữa là nó ra quân. Ngày nhập ngũ nó hứa với bố mẹ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục học đàn để ổn định rồi lập nghiệp, hứa đưa mẹ đi Hà Nội chữa bệnh.

Mới hôm trước nó gọi về nói trong này lạnh rồi, bố gửi ít quần áo ấm cũ vào cho con. Bây giờ gia đình chỉ mong sớm được đưa cháu về quê nhà”.

Mẹ Thắng, bà Nguyễn Thị Vân (54 tuổi), bị khuyết tật vận động nặng, sức khỏe suy yếu nhiều năm nay. Nghe tin, bà không gượng dậy nổi nữa vì nỗi đau mất đứa con mới tuổi đôi mươi.

Người thân thiếu tá Bùi Đình Toản nóng ruột chờ tin cứu nạn từ quê nhà – Ảnh: DOÃN HÒA

Nín thở chờ tin cứu hộ

Ở Nghệ An, rất đông bà con lối xóm khối 9, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai ra vào thăm hỏi gia đình thiếu tá Bùi Đình Toản – người đang mất tích sau sự cố sạt lở đất ở Quảng Trị. Khuôn mặt ai nấy lo lắng, nín thở chờ đợi thông tin từ lực lượng tìm kiếm, cứu nạn.

Kể từ lúc nhận được thông tin đơn vị của con gặp sự cố, bố anh Toản, ông Bùi Đình Nuôi (74 tuổi) thấp thỏm, từng phút từng giờ ngóng trông tin tức.

“Hơn một tháng trước nó mới về được mấy ngày rồi lại đi. Hôm trước nó điện về thông báo tuần sau sẽ về thăm nhà, vậy mà…”, ông Nuôi nhớ lại.

Từng vào sinh ra tử trong chiến tranh nhưng ông Nuôi cũng không nghĩ thiên tai trong thời bình lại khốc liệt hơn thời chiến.

“Chỉ mấy ngày mưa lũ hoành hành mà hàng chục cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu dân đã hi sinh, đau buồn và xót xa lắm…”, người cựu binh rớm nước mắt.

Vợ chồng ông Nuôi sinh được 5 người con. Thiếu tá Toản là con trai cả và cũng là niềm tự hào của gia đình, bởi anh nối binh nghiệp của cha. Những người hàng xóm cũng nhớ về anh với hình ảnh một người lính hiền lành, thân thiện, sống có trách nhiệm với gia đình và mọi người.

Từ lúc nghe tin chồng gặp nạn, bà Đào Thị Bích (48 tuổi, vợ thiếu tá Toản) ngã quỵ.

“Tối 17-10, chồng tôi điện thoại về liên tục, nói trong đó mưa rất to và thấy nóng ruột không ngủ được. Tôi dặn đi dặn lại anh cẩn thận, cố gắng chợp mắt một lát cho khỏe để ngày mai còn có sức đi giúp dân”, bà Bích nghẹn ngào.

Đó cũng là những lời trao đổi cuối cùng của hai vợ chồng.

Chị Bùi Thị Hường, em gái thiếu tá Toản, kể: “Sáng qua, đọc báo thấy Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị gặp nạn, anh em trong gia đình ai cũng điện thoại cho anh Toản nhưng không được. Dù chưa nhận được bất kỳ thông tin gì từ đơn vị nhưng gia đình tôi vẫn hi vọng những người mất tích sẽ bình an trở về”.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, vụ sạt lở núi tại Đoàn kinh tế – quốc phòng 337, đóng tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị lúc 1h05 sáng 18-10 đã vùi lấp khu nhà ăn, nhà nghỉ của lái xe, nhân viên cơ yếu.

Đến chiều tối 18-10, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sĩ; 8 người đang mất tích.

Dự kiến sáng 19-10, tuyến đường vào hiện trường sạt lở được thông xe, lực lượng chức năng sẽ đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài. Sau đó, dùng xe chuyên dụng đưa về bệnh viện ở TP Đông Hà.

DOÃN HÒA/TTO

Tags :
Đọc nhiều