8
category
642311

Vụ sập cầu: Quân đội chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng cứu hộ, khắc phục sự cố

Bích Ngân 10/09/2024 10:12

Lúc 18h50 tối qua ngày 9-9, tại khu vực xảy ra vụ sập cầu Phong Châu thời tiết mưa nhỏ, khu vực xảy ra vụ sập cầu được rào chắn hai đầu.

Tại buổi kiểm tra tình hình khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, Phú Thọ, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt khu vực Tây Bắc, diễn biến rất phức tạp. Lượng mưa lớn kết hợp với việc xả lũ từ các hồ, đập thủy điện đã tạo ra lưu lượng nước rất lớn trên các sông, gây nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kiểm tra hiện trường vụ sập cầu Phong Châu. Ông cũng thăm hỏi nạn nhân vụ sập cầu; thăm hỏi, động viên lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ –

Liên quan đến sự cố sập cầu Phong Châu, ông cho rằng đây là điều không ai muốn, tuy nhiên phải tìm cách khắc phục tối đa. Quan trọng là các lực lượng công an, quân đội và các lực lượng chức năng cần kiên trì để hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Trước tình hình ảnh hưởng của bão số 3 và sự cố sập cầu, ông đề nghị, có thể triển khai kế hoạch cấm lưu thông trên cầu Trung Hà để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, bởi theo đánh giá, cầu này cũng rất yếu.

Về biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ông Phương đề nghị cần tiếp tục tích cực triển khai tuần tra hạ lưu hai bên sông và phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc, TP Hà Nội. Tăng cường các lực lượng chức năng để tuần tra ven sông nhằm khẩn trương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nhưng cần bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn, tránh thêm thương vong.

Đánh giá cao phương án Quân khu 2 sẽ triển khai xây dựng cầu phao để phục vụ giao thông, ông cho rằng cần chú trọng yếu tố bảo đảm vững chắc, an toàn kỹ thuật, phù hợp với điều kiện mùa mưa lũ.

Ngày 9-9, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện số 3923 gửi các đơn vị về việc tập trung khắc phục hậu quả sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, tại các tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ do mưa, lũ gây ra.

Theo đó, Bộ Tổng tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm công điện số 88 của Thủ tướng về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão; công điện ngày 7-9 của Bộ Tổng tham mưu về việc khẩn trương, tập trung triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024 và mưa lũ sau bão.

Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của mưa lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và kiểm tra, rà soát để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công; chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra và bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Tổng tham mưu yêu cầu các quân khu 1, 2, 3 chỉ đạo bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn huy động lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn, chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng xuất lương thực, thực phẩm dự trữ sẵn sàng chiến đấu bảo đảm cho nhân dân trên địa bàn, không để nhân dân bị đói, bị rét.

Bộ tư lệnh Quân khu 2 chủ trì, phối hợp với các lực lượng, Binh chủng Công binh, tỉnh Phú Thọ khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân và khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao, tỉnh Phú Thọ, khi điều kiện thời tiết, thủy văn cho phép.

Bộ Tổng tham mưu cũng yêu cầu Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Bộ tư lệnh Quân đoàn 12, các binh chủng và các binh đoàn 11, 12 chủ động sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn và sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh của bộ.

Các tổng cục: Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp quốc phòng, Tổng cục II theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị toàn quân và các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sạt lở đất, đá, mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai.

Chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có lệnh.

Hiện tại lực lượng công an, quân đội đã dựng lều dã chiến ở hiện trường để sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ.

Bác bỏ thông tin cứu thêm được 4 nạn nhân trong ô tô sau vụ sập cầu Phong Châu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông đã bác bỏ thông tin trên mạng xã hội lan truyền bài viết cho rằng một ô tô con trong vụ sập cầu Phong Châu được tìm thấy cách hiện trường 10km và 4 người trong xe còn sống an toàn.

Theo vị này, ngoài các trường hợp đã được cứu sống và đang cấp cứu ở bệnh viện trước đó thì chưa có thống kê được cụ thể về số lượng các nạn nhân.

Cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, video được lan truyền trên mạng thực chất là cảnh cứu hộ phương tiện và người dân bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn thuộc xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, Phú Thọ.

Phú Thọ kiến nghị lắp cầu phao và xây cầu mới sau vụ sập cầu Phong Châu
Sau vụ sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 trước mắt lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời, phục vụ đi lại của nhân dân.

Kiến nghị này được UBND tỉnh Phú Thọ nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ, ngành về sự cố sập, trôi cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C.

Theo báo cáo này, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng trên báo động 3 là 1,25m.

Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10h02 ngày 9-9, cầu Phong Châu (kết nối hai huyện Tam Nông, Lâm Thao – tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và hai nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.

Sau khi nhận được thông tin, đoàn công tác của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc và Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên người bị nạn.

Đồng thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp trước mắt để khắc phục sự cố và các giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông.
Xác định 8 người mất tích
Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu, trong đó 1 xe tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe máy và 1 xe máy điện, đến nay xác định 8 người mất tích. Đã cứu chữa và đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định chính xác về số lượng phương tiện và số người bị mất tích.

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương tập trung rà soát, xác định chính xác số lượng người và phương tiện gặp nạn; phối hợp với Quân khu 2, thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc rà soát các tuyến sông phía hạ lưu để tiếp tục tìm kiếm người mất tích.

Đồng thời, chuẩn bị phương án tìm kiếm cứu nạn khu vực chân cầu khi điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn.

Triển khai các phương án phân luồng giao thông từ xa như hướng dẫn các phương tiện đi theo các hướng cầu Ngọc Tháp, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cầu Đồng Quang… và lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời, phục vụ đi lại của nhân dân.

UBND tỉnh Phú Thọ cũng kiến nghị giải pháp khắc phục trước mắt là đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 quan tâm lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời, phục vụ đi lại của nhân dân.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ, đồng bộ với quy mô tuyến quốc lộ 32C hiện tại; đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại ngày càng tăng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết như vậy trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về vụ sập cầu Phong Châu.

Theo Cục Đường bộ, năm 1996 đường tỉnh 314 được nâng thành quốc lộ 32C, trong đó gồm cả cầu Phong Châu (xây dựng hoàn thành năm 1995) và giao Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) quản lý. Đơn vị quản lý, bảo dưỡng thường xuyên là Công ty Quản lý, sửa chữa và xây dựng đường bộ Phú Thọ.

Về công tác bảo trì cầu, Sở Giao thông vận tải Phú Thọ đã đấu thầu lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên từ năm 2024 đến 2027.

Năm 2010 cầu Phong Châu được sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn;

Năm 2013 tiến hành thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược; thảm lại mặt cầu;

Năm 2018 xử lý trụ chống va xô;

Năm 2019 xử lý xói lở trụ T6, T7 (trụ bị đổ ngày 9-9);

Năm 2023 sửa chữa sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.

Theo Cục Đường bộ, vào khoảng 10h02 ngày 9-9, trụ T7 bị đổ và sập hai nhịp chính T6 và T7 (hai nhịp dàn thép) gác trên trụ này. Thời điểm đó do ảnh hưởng mưa bão số 3, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn.

Cục Đường bộ cho biết ngày 4 và 6-9 đã ban hành công điện về tập trung ứng phó bão số 3. Tại các văn bản trên, Cục Đường bộ đã yêu cầu các cơ quan đơn vị thực hiện “kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 3; cầu yếu thì phải theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu” .

Đến thời điểm xảy ra sự cố, Cục Đường bộ không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu Phong Châu.

Ngay sau khi xảy ra sập cầu Phong Châu, Cục Đường bộ đã đề nghị Khu quản lý đường bộ 1 bố trí người, phương tiện hỗ trợ Sở Giao thông vận tải Phú Thọ để khẩn trương khắc phục sự cố công trình; rà soát vật tư dự phòng, nhất là các bộ dầm cầu dùng cho công tác khắc phục, sẵn sàng điều động khi có nhu cầu.

Bích Ngân 
Đọc nhiều