2
category
327504

Vụ Phó chánh án Nguyễn Hải Nam: Yêu cầu điều tra thêm hành vi hủy hoại, trộm cắp tài sản

04/10/2019 06:21

Yêu cầu điều tra thêm xuất phát từ việc khi được nhận lại nhà, gia đình bà Thảo phát hiện nhiều tài sản đã bị đập phá, mất cắp… trị giá hàng trăm triệu đồng.

Đồ đạc trong nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM bị lục tung, xáo trộn và đập phá /// Ảnh: C.T.V
 Đồ đạc trong nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM bị lục tung, xáo trộn và đập phá

Ngày 3.10, bà Huỳnh Thị Thu Thảo (người ký hợp đồng mua nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM của bà H.T.A.Ch) đã gửi đơn yêu cầu Công an Q.1 điều tra thêm về hành vi hủy hoại, trộm cắp tài sản của nhóm người xông vào chỗ ở của bà vào chiều 19.9.

Nhiều đồ đạc bị xáo tung, hư hỏng

Khám xét nơi làm việc của bị can Nguyễn Hải Nam, Lâm Hoàng Tùng

Vụ Phó chánh án Nguyễn Hải Nam: Yêu cầu điều tra thêm hành vi hủy hoại, trộm cắp tài sản - ảnh 1
Công an đưa Nguyễn Hải Nam đi, sau khi khám xét nơi làm việc của bị can này ngày 3.10 ẢNH: C.T.V

Trưa 3.10, Công an Q.1 tiến hành khám xét nơi làm việc của bị can Nguyễn Hải Nam tại TAND Q.4 và nơi làm việc của bị can Lâm Hoàng Tùng tại Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, để phục vụ công tác điều tra. Công tác khám xét kéo dài khoảng 13 giờ cùng ngày, sau đó công an đưa 2 bị can lên xe, rời đi.

Trác Rin

Theo nội dung đơn của bà Thảo, chiều 19.9, ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cùng nhóm người tự ý xông vào chỗ ở trên của gia đình bà Thảo. Sau khi trục xuất nhóm người chiếm dụng căn nhà trên, ngày 28.9, Công an Q.1 mời ông Tùng, bà Thảo chứng kiến công tác khám nghiệm hiện trường và kiểm kê tài sản thì bà phát hiện tủ áo quần, đồ đạc cá nhân bị lục tung; nhiều cửa phòng, bồn cầu, bồn rửa mặt, bồn tắm, tủ, giường, bàn, ghế; hệ thống điện, nước… bị đập phá, tháo bỏ hủy hoại không thể sử dụng được gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, bà Thảo tố cáo nhóm người này cạy cửa tủ lấy 130 triệu đồng, 8 đồng hồ cùng nhiều nữ trang, trang sức có giá trị…

“Công an còn phát hiện nhiều son, phấn, sữa tắm của gia đình tôi cất giấu trong 1 ba lô của bảo vệ. Số tài sản này trị giá hàng chục triệu đồng. Sau đó công an lập biên bản, quay phim ghi hình hiện trạng căn nhà bị đập phá, đồ đạc trong nhà bị trộm cắp…”, bà Thảo nói và cho biết việc viết đơn yêu cầu Công an Q.1 điều tra thêm hành vi hủy hoại, trộm cắp tài sản là muốn xử lý nghiêm nhóm người vi phạm pháp luật.

Thế nào là “xâm phạm chỗ ở của người khác” ?

Ông Tùng từng đột nhập chỗ ở của bà Thảo vào tháng 8.2019 ?

Vụ Phó chánh án Nguyễn Hải Nam: Yêu cầu điều tra thêm hành vi hủy hoại, trộm cắp tài sản - ảnh 2
Ảnh: Bà Huỳnh Thị Thu Thảo cung cấp

Ngày 3.10, bà Huỳnh Thị Thu Thảo cho biết đã gửi đơn đề nghị Công an Q.1 chỉ đạo Công an P.Đa Kao trích xuất camera an ninh khu phố, trích lục các biên bản làm việc, bản tường trình về việc ngày 8.8, ông Tùng cùng một nhóm người lạ tự ý đột nhập chỗ ở của bà (29 Nguyễn Bỉnh Khiêm) dọa nạt, đe dọa dùng vũ lực, dùng lời lẽ sỉ nhục, lăng mạ… để điều tra xử lý.

Về vụ việc này, thiếu tá Trần Hải Đăng, Trưởng công an P.Đa Kao, nói khi công an xuống hiện trường thì thấy nhóm người này đang đứng bên ngoài căn nhà và đã mời về phường làm việc (ảnh).

Đ.Huy

Trong diễn biến có liên quan, ngày 2.10, luật sư (LS) Trần Thu Nam (Đoàn LS TP.Hà Nội, bào chữa cho ông Tùng) có bản kiến nghị khẩn cấp gửi cơ quan chức năng cho rằng bà Thảo không có quyền và không được phép cư trú tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm; việc CQĐT khởi tố, bắt tạm giam ông Tùng có thể dẫn đến oan sai.

Chiều 3.10, trao đổi với PV , LS Trần Thu Nam cho rằng hành vi xâm phạm chỗ ở người khác, tức bà Thảo phải là người ở hợp pháp trong căn nhà 29 Nguyễn Bình Khiêm. Tuy nhiên, từ tháng 3.2019, bà Thảo ở tại căn nhà trên không được sự đồng ý của bà Ch., không có giấy tạm trú, đồng thời không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn cho kinh doanh lưu trú.

“Theo thỏa thuận các bên, bà Chi. chỉ bàn giao công trình thi công cho bà Thảo để theo dõi, thực hiện quản lý thi công còn lại, không phải bàn giao nhà, nên tháng 3.2019, bà Thảo dọn vào ở luôn là cư trú bất hợp pháp”, LS Nam nói.

Ngoài ra, theo LS này, khi bà Thảo tiếp quản công trình xây dựng đã cho điều chỉnh, thay đổi thiết kế, dẫn đến công trình bị Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính và quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm.

“Ông Tùng được bà Chi. ủy quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng, hoàn công căn nhà… Khi được sự ủy quyền của bà Ch., ông Tùng phải thực hiện động tác di dời những người đang ở bất hợp pháp trong căn nhà”, LS Nam nêu và nhấn mạnh: “Ông Tùng đang di dời những người trong căn nhà để thực hiện việc sửa chữa căn nhà. Thanh tra xây dựng cũng đã nhận định rõ trong các biên bản làm việc giữa các bên, rằng người sinh sống trong căn nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nên tôi cho rằng việc di chuyển người khác ra khỏi căn nhà, tránh nguy hiểm đến tính mạng là hoàn toàn cần thiết”.

Trả lời PV, một lãnh đạo Công an Q.1 xác nhận Công an và Viện KSND Q.1 đã tiếp nhận bản kiến nghị khẩn cấp của LS bào chữa cho ông Tùng; đồng thời khẳng định việc khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tùng để điều tra, làm rõ hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là đúng quy định pháp luật.

Rất nhiều chuyên gia pháp luật cũng khẳng định cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện các biện pháp đúng theo quy định pháp luật. Ông Võ Văn Thêm, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, phân tích: “Xâm phạm chỗ ở của người khác không có khái niệm về chế độ sở hữu. “Người khác” ở đây có nghĩa là bất kỳ ai đang sinh sống tại đó, dù ở có hộ khẩu, tạm trú hay không. Bà Thảo và gia đình ở trong căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm từ tháng 3.2019 đến khi xảy ra sự việc, nên bà Thảo và gia đình đang là chủ thể trong căn nhà đó. Vì vậy, nếu chủ nhà là bà Ch. muốn trục xuất bà Thảo ra khỏi nhà, chỉ có thể đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, yêu cầu; thuyết phục bà Thảo di dời; xử phạt hành chính…; hoặc bà Ch. phải khởi kiện bà Thảo ra tòa; yêu cầu bà Thảo trả lại nhà và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết có hiệu lực của tòa án”.

Ông Thêm cũng nhấn mạnh, điều luật quy định rất rõ về hành vi “xâm phạm chỗ ở của người khác”, không phải cụm từ “chỗ ở bất hợp pháp”. “Hơn nữa, bản thân ông Tùng cũng không có tư cách pháp lý để ngang nhiên xông thẳng vào nhà, trục xuất những người đang ở trong nhà ra ngoài. Hợp đồng ủy quyền giữa bà Ch. và ông Tùng chỉ liên quan đến vấn đề xây dựng, hoàn công căn nhà. Còn việc công trình xây dựng vi phạm nhưng bà Thảo không thực hiện theo yêu cầu của bà Ch. hoặc quyết định của cơ quan chức năng thì chính cơ quan chức năng sẽ có biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật”, ông Thêm nói.

LS Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm: “Chỗ ở bất hợp pháp” và “chưa hợp pháp” là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau và sẽ do cơ quan chức năng quyết định, cụ thể là tòa án.

“Lẽ ra, bà Ch. cần tỉnh táo để yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp tố tụng (khẩn cấp tạm thời) nhằm tránh các nguy cơ đe dọa hay đang xâm hại quyền lợi của mình, thì bà Ch. và người được ủy quyền lại chọn cách tự mình thay nhà nước nhân danh quyền lực đi chiếm lại nhà và trục xuất người ra khỏi nhà một cách trái phép. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân được hiến định và là khách thể được bộ luật Hình sự bảo vệ. Chỗ ở có hợp pháp, bất hợp pháp hay chưa hợp pháp không bị tách riêng phân biệt để trở thành tình tiết định tội. Cứ có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác là cấu thành tội phạm. Chỗ ở hiểu đơn giản và theo luật là nơi thường xuyên hay đang sinh sống”, LS Hưng chỉ rõ.

Đàm Huy – Phan Thương

Đọc nhiều