2
category
329828

Vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Chủ tịch Cty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận đưa thông tin sai

Cao Phúc 24/10/2019 13:16

Chủ tịch Công ty gốm sứ Thanh Hà Nguyễn Đức Truyền thừa nhận, hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đối với Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc đã kết thúc từ năm 2017.

Vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Chủ tịch Cty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận đưa thông tin sai

Cung cấp hợp đồng xử lý chất thải nguy hại đã hết hiệu lực gần 2 năm cho báo chí

Trao đổi với PV vào sáng 24/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH) thừa nhận đã có thông tin không chính xác đến báo chí về việc chất thải nguy hại từ công ty sẽ được Công ty Môi trường xanh Minh Phúc (Hải Dương) vận chuyển và xử lý.

Theo ông Truyền, vào năm 2017, Công ty ông có ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Môi trường xanh Minh Phúc (địa chỉ Khu 6, thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương) về việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại.

Cu thể, gồm bóng đèn huỳnh quang thải, giẻ lau dính nhiễm thành phần nguy hại, dầu mỡ bôi trơn thải với tổng giá trị trọn gói là 3.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, hợp đồng này chỉ có giá trị từ ngày 1/7 – 31/12/2017 và đến nay đã hết hiệu lực. Hai bên không ký lại hợp đồng.

“Do công ty bàn giao và cơ quan công an đã tạm giữ, niêm phong các giấy tờ, hợp đồng liên quan và tôi mới về nên chưa nắm được hết mới lấy bản hợp đồng cũ cung cấp cho các cơ quan báo chí.

Sau khi kiểm tra lại, tôi mới thấy, việc cung cấp của mình là không đúng. Hiện tại, năm 2019, công ty chúng tôi đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại với Công ty Cổ phần Môi trương công nghệ cao Hòa Bình (có địa chỉ tại Lạc Thủy, Hòa Bình)”, ông Truyền nêu rõ.

Vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Chủ tịch Cty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận đưa thông tin sai - Ảnh 1.
Khu vực chứa dầu thải tuồn ra cho các đối tượng gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà đã được quây lưới B40, niêm phong.

Ông Truyền cho hay, hợp đồng với phía công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình được ký ngày 12/4/2019, tuy nhiên đang bị cơ quan công an tạm giữ.

“Chúng tôi sẽ có văn bản gửi các cơ quan báo chí và Công ty cổ phần môi trường xanh Minh Phúc về việc cung cấp sai này.

Bản thân tôi nhận thức rõ việc cung cấp không chính xác thông tin, rất mong nhận được sự cảm thông cảm và đính chính về nội dung này của báo chí”, ông Truyền nói thêm.

Không còn chiết xuất săm lốp cao su thải để lấy dầu làm nhiên liệu sản xuất gạch

Trước đó, một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) sử dụng hệ thống nhiệt phân rác thải cao su thành dầu FO – R để làm nguyên liệu sản xuất gạch.

Tại biên bản kiểm tra ngày 19/10, của Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) có nêu, từ năm 2012 Công ty Cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) được Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) tỉnh Phú Thọ chấp thuận cho vận hành 2 dây chuyền sử dụng nhiên liệu từ chiết xuất săm lốp cao su thải thay thế khí hóa than.

Thậm chí, việc Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà áp dụng công nghệ này còn được Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam tuyên truyền trên chính website của đơn vị như một sự cải tiến công nghệ.

Vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Chủ tịch Cty gốm sứ Thanh Hà thừa nhận đưa thông tin sai - Ảnh 3.
Các bồn chứa dầu làm nhiên liệu của công ty.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Truyền thừa nhận, vào năm 2012, công ty được Sở TN-MT tỉnh Phú Thọ chấp nhận việc thay thế nhiên liệu trong quá trình sản xuất gạch từ khí hóa than thay thế bằng nhiên liệu được chiết xuất từ săm, lốp cao su thải.

“Đúng là trước đây, chúng tôi có thể gọi là đứng đầu toàn quốc về việc chiết xuất săm, lốp cao su thải để lấy dầu nhiên liệu sản xuất gạch.

Tuy nhiên, từ cách đây 3 năm khi ứng dụng công nghệ 4.0 và đưa sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ thì chúng tôi đã bỏ việc này, bởi phía Mỹ họ kiểm soát rất nghiêm ngặt, không đồng ý cho cách đốt dầu như vậy.

Thời điểm hiện tại, công ty chỉ đốt và sử dụng nguyên liệu là dầu diesel”, ông Truyền nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà nhấn mạnh, nếu tiếp tục làm theo cách chiết xuất săm, lốp cao su thải lấy dầu làm nhiên liệu thì ông “đã lãi to rồi”.

“Nếu trước đây 3 năm, ai đến công ty sẽ thấy đống lốp cao su lên tới cả nghìn tấn, nhưng do xuất khẩu sản phẩm đi Mỹ, không cho phép làm như vậy nên tôi đã bỏ và giờ đến có còn thấy đống lốp nào nữa đâu”, ông Truyền nêu rõ và thông tin, vừa qua phía Mỹ cũng đã sang kiểm tra, làm rõ việc này.

theo Trí Thức Trẻ

Đọc nhiều