Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu: Sự vô lương tâm, vô trách nhiệm với sức khỏe người dân
Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu do ai đó đổ dầu vào con suối trên Hòa Bình và sự chậm chạp trong xử lý sự cố của chính quyền, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội là điển hình cho sự vô lương tâm, vô trách nhiệm…
Từ sự vô trách nhiệm
Với việc nguồn nước máy bị ô nhiễm suốt trong những ngày qua, đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục ngàn người dân ở nhiều quận của thành phố Hà Nội. Họ đành phải xoay xở cuộc sống sinh hoạt hằng ngày theo cách mua nước sạch từ xe bồn, từ nước đóng bình, đóng chai để sử dụng thay thế. Nhưng phản ứng của các cơ quan chức năng TP Hà Nội, của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà và các công ty phân phối nước lại quá chậm chạp và thận trọng. Cụ thể:
Ngày 8/10, những thông tin đầu tiên về mùi khét trong nguồn nước sinh hoạt của người dân Hà Nội bắt đầu xuất hiện. Chính quyền thành phố lặng im.
Ngày 10/10, báo chí bắt đầu lên tiếng về hiện tượng bất thường này. Chính quyền thành phố vẫn tiếp tục im lặng.
Chiều 11/10, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố mới được thành lập để lấy mẫu nước xét nghiệm.
Và đến chiều 15/10, tức là đúng 1 tuần sau, phía chính quyền UBND thành phố Hà Nội đã có kết luận công bố trước báo chí: Tại khu vực đầu nguồn tại khe núi xã Phú Minh (Kỳ Sơn, Hòa Bình) có dấu hiệu đổ trộm dầu nhớt thải ra môi trường. Chất thải này đã lan ra suối, chảy vào hồ Đầm Bài, chuyên chứa nước cung cấp cho nhà máy, đồng thời cũng lần đầu khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước từ nhà máy nước Sông Đà để nấu ăn.
Điều đáng trách ở đây, công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước.
Chính sự “im lặng” bất thường đó đã khiến cho dầu nhớt thải ngấm vào nguồn nước của nhà máy, tiếp tục chảy vào hệ thống cung cấp nước sạch cho dân thành phố quận Hà Đông, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Trong khi đó người dân một số chung cư kêu nước bị ô nhiễm, chẳng có ai đứng ra giải quyết. Dân tự mang nước đi xét nghiệm, về không ai công nhận kết quả. Mãi đến khi các cơ quan báo chí rầm rộ lên tiếng, chính quyền vào cuộc thì công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà mới lộ diện. Tai hại hơn là nước nhiễm dầu thải, nhà máy lại tăng lượng Clo vào khử trùng, rất phản khoa học.
Có hay không né trách nhiệm?
Sự im lặng ấy của các cơ quan chức năng có thể hiểu là sự thờ ơ, trốn tránh trách nhiệm, sự vô cảm hay thiếu đạo đức trong kinh doanh? Điều gì sẽ xảy ra nếu người dân bị nhiễm độc từ nguồn nước? Vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu do ai đó đổ dầu vào con suối trên Hòa Bình là điển hình cho sự vô lương tâm, vô trách nhiệm, phải bị truy tìm, xử lý thật nghiêm minh, thậm chí phải bị truy tố. Kẻ đổ dầu ra suối đã gây tổn hại môi trường lâu dài, không chỉ cho nguồn nước mà còn cho đất đai. Công ty cung cấp nước cho Hà Nội, cũng cần phải bị xử lí trách nhiệm khi phát hiện chậm nguồn nước đã ô nhiễm cung cấp cho hàng triệu người, lại bưng bít, giấu giếm thông tin gây ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận. Song chúng
ta cần hiểu sự an toàn tính mạng của người dân không thể được đảm bảo bằng sự trả giá của một doanh nghiệp. Người dân chỉ có thể được an toàn khi chính quyền thành phố có trách nhiệm và có khả năng ứng phó một cách phù hợp, kịp thời với các nguy cơ mất an toàn đối với người dân.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu rõ, Thành phố sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vào điều tra làm rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà. Đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà cần xả toàn bộ hệ thống nước sạch của nhà máy từ bể chứa, các tuyến đường ống truyền dẫn, phân phối, kể cả bể chứa khu chung cư. Mọi chi phí do công ty phải chịu trách nhiệm… cũng đã phần nào giúp trấn an và ổn định cuộc sống người dân. Nhưng rõ ràng nếu ngay từ đầu, chính quyền, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà phản ứng nhanh hơn, không né tránh trách nhiệm thì người dân ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai và Thanh Xuân đâu phải khốn khổ với nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm
Diệu Hương