128036
category
510149

Vụ nữ tiếp viên hàng không bị Mercedes tông: Tẩu tán tài sản của tài xế khi bị giam?

Sơn Ca 09/04/2021 10:26

Sáng 9/4, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines) có 5 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi, còn bị hại Lê Mạnh Thường có 7 luật sư.

Tòa cũng triệu tập 8 cá nhân, tổ chức, trong đó có Công ty TNHH TM du lịch vận tải Khang Gia, đơn vị giao xe cho bị cáo Phong điều khiển.

Tuy nhiên, sáng nay, luật sư bào chữa cho Nguyễn Trần Hoàng Phong không có mặt tại tòa. Bị cáo không đồng ý xét xử khi không có mặt luật sư. Do đó, HĐXX quyết định dời ngày xét xử đến 22/4 để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo.

VKS đã đặt câu hỏi tại sao các cơ quan tố tụng quận Phú Nhuận lại cho gia đình và công chứng viên đến nơi tạm giam bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong để làm thủ tục sang tên căn hộ và yêu cầu làm rõ việc tẩu tán tài sản.

Trước đó, hồi giữa tháng 12.2020, Phong đã bị TAND Q.Phú Nhuận đưa ra xét xử sơ thẩm và kết án 7 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 1,4 tỉ đồng cho nữ tiếp viên và hơn 400 triệu đồng cho gia đình tài xế GrabBike đã mất.

Theo nội dung cáo trạng, khoảng 5h27 ngày 30.1.2020, xe ôtô Mercedes mang BKS: 51G-902.57 do tài xế Nguyễn Trần Hoàng Phong điều khiển đi từ tầng hầm toà nhà số 108 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình về ngã tư Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận.

Khi ôtô đi đến địa điểm trước số 123 đường Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận thì không làm chủ được tốc độ, lao sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào xe máy (BKS 62P1-401.23) do ông Lê Mạnh Thường điều khiển chở chị Nguyễn Thị Bích Hường đang lưu thông theo chiều ngược lại.

Cú tông mạnh khiến người và xe máy văng vào lề đường trái, ôtô tiếp tục va chạm vào cây phượng trên vỉa hè. Hậu quả vụ tai nạn khiến ông Thường bị đa chấn thương nặng và tử vong tại bệnh viện, còn chị Hường bị đa chấn thương với tỉ lệ thương tật 79%, trong đó thương tật vĩnh viễn là 75%.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Phong bỏ trốn đi Phan Thiết, Đà Lạt, vứt sim điện thoại, gọi điện báo cho bạn dặn khai không biết gì, sau đó đến cơ quan điều tra để làm việc.

Cơ quan điều tra xác định Phong không có giấy phép lái xe, dương tính với ma túy, lưu thông tốc độ 84 km/h (vượt quá tốc độ cho phép 50 km/h).

Chia sẻ trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, chị Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, sau phiên toà sơ thẩm, gia đình của bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong không một lần hỏi thăm và cũng chưa có động thái bồi thường.

Chị Hường cho rằng hành vi sang tên căn nhà cho mẹ trong lúc Phong bị tạm giam là bị cáo cố tình tẩu tán tài sản để tránh bồi thường. Do đó, chị Hường mong rằng toà phúc thẩm sẽ huỷ bỏ hồ sơ sang tên công chứng căn nhà của Phong cho mẹ, phát mãi tài sản này để đảm bảo lợi ích cho người bị hại.

Ngoài ra, nữ nạn nhân trong vụ án cũng mong toà phúc thẩm không bỏ lọt tội trạng của bị cáo Phong vì cho rằng cấp sơ thẩm đã bỏ lọt một số tội trạng của bị cáo này.

Tai nạn khủng khiếp và giấc mơ vỡ vụn

Đã 1 năm 3 tháng sau vụ tai nạn khủng khiếp khiến mọi ước mơ cuộc đời bị vỡ vụn, nữ tiếp viên hàng không Bích Hường vẫn chưa thể quên được khoảnh khắc chiếc Mercedes tông trúng hất bay chị lên trời.

Vì chưa đi lại được bình thường nên chị Hường phải bỏ giày cao gót, bỏ luôn ước mơ quay trở lại làm nữ tiếp viên hàng không

10 tháng sau tai nạn, chị trải qua tới 4 cuộc phẫu thuật, đau đớn nằm một chỗ rồi lại khó nhọc bật dậy tập bước đi. Tròn 1 năm, chị mới bỏ được nạng, nhưng bước “chấm phẩy”, chân to chân nhỏ, cộng với cơn đau nhức mỗi khi trở trời và nhìn những vết sẹo chi chít ở chân, chị quyết tâm phải đòi lại công lý cho bản thân mình.

Trước khi bước vào phiên tòa phúc thẩm, chị Bích Hường tâm sự với Thanh Niên, tới bây giờ, chị vẫn chưa dám đi ngang qua đoạn giao lộ xảy ra vụ tai nạn giao thông năm trước vì quá sợ hãi.

Những nỗi đau cả 1 năm trời chị phải chịu đựng, không được ẵm bồng con, không chơi cùng con khiến bản thân chị bị giày vò, mà bản án cho tài xế Mercedes thì quá nhẹ. “Xương chậu bị dập nát, xương đùi gãy làm 3 khiến mọi sinh hoạt của tôi đều trở nên khó nhọc. Suốt mấy tháng trời, tôi phải có 2 người đỡ, 1 người ấn bụng cả mấy tiếng mới đi vệ sinh được, đau hơn đau đẻ”, chị Hường kể lại.

Sau 1 năm điều trị, chị phải tập quen dần những bước đi của mình và tập chấp nhận sự thật rằng vĩnh viễn từ bỏ ước mơ làm nữ tiếp viên hàng không của cuộc đời.

Trước khi xảy ra tai nạn, chị Hường ở cùng cha mẹ đã về hưu và một mình nuôi con

Chị Hường đã rất kỳ vọng… rồi thất vọng ở phiên tòa sơ thẩm. Tòa tuyên án là thế, nhưng gia đình tài xế Mercedes vẫn chưa một câu thăm hỏi, chưa một đồng nào bồi thường.

Nữ tiếp viên thở dài: “Căn nhà đứng tên Phong lại được sang tên cho mẹ ngay khi Phong đang bị tạm giam để điều tra, clip Phong tông tôi và tài xế GrabBike khi đó đã quá rõ ràng mà công an vẫn dẫn công chứng viên vào để mẹ con Phong làm thủ tục. Tôi thấy vô lý lắm, vội vàng tẩu tán tài sản vậy rõ ràng là để né bồi thường. Ngay khi tòa phát hiện tại sao không hủy hợp đồng sang tên kia đi, công lý nào cho tôi?”.

Đôi chân chi chít sẹo, chân to chân nhỏ của nữ tiếp viên

Theo chị Bích Hường, tại tòa Phong nói Phong chấp nhận bồi thường, nhưng chờ Phong ra tù đi làm. Vậy ai sẽ giám sát và chắc chắn ra tù Phong sẽ bồi thường cho chị? “Nếu không hủy hợp đồng sang tên nhà được, Phong nói không còn tài sản gì để bán đi mà bồi thường cho tôi, chẳng lẽ vậy là thôi, Phong mất tự do vài năm tù nhưng tôi mất sức khỏe vĩnh viễn. Tuổi thơ con tôi cũng không được chơi đùa cùng mẹ, rồi sau này có sinh thêm con nữa tôi cũng không thể sinh thường được vì xương chậu hai bên vỡ nát”, nữ tiếp viên bộc bạch.

Nữ tiếp viên là lao động chính trong nhà

Trong căn chung cư tại Q.Phú Nhuận, 2 ngày trước phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Anh (59 tuổi, mẹ nữ tiếp viên) nói với con gái “Hay tòa này cho mẹ đến?”, “Thôi, đến làm gì, mẹ ở nhà để con tự đi. Đến rồi nghe họ nói tức lắm mẹ không chịu được đâu”, chị Hường đáp.

Nghe con gái nói vậy, bà Anh quay về phía PV kể, đợt tòa sơ thẩm bà không đi, nhưng sau đó có coi được đoạn clip mẹ Phong gào khóc ở sân tòa khiến bà bức xúc. Bà nói, ngày mẹ Phong đến bệnh viện là ngày con gái bà vừa trải qua cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh.

Nghe con gái nói vậy, bà Anh quay về phía PV kể, đợt tòa sơ thẩm bà không đi, nhưng sau đó có coi được đoạn clip mẹ Phong gào khóc ở sân tòa khiến bà bức xúc. Bà nói, ngày mẹ Phong đến bệnh viện là ngày con gái bà vừa trải qua cuộc phẫu thuật thập tử nhất sinh.

“Mẹ Phong hết khóc lóc rồi quỳ lạy van xin nói bỏ qua cho con trai của bả vì Phong là lao động chính của gia đình, mà không hề hỏi thăm con tôi phẫu thuật xong sức khỏe thế nào. Con gái tôi cũng là lao động chính trong nhà vậy mà. Rồi lúc thì nói Phong giấu không cho mẹ biết để đến thăm, lúc thì nói công an khuyên đừng đến, rất mâu thuẫn”, bà Anh lắc đầu kể lại.

Khi đó, chị Hường cũng vừa phẫu thuật xong, mất nhiều máu nên chỉ nằm đắp hờ miếng khăn lên người. Thấy con gái cần được yên tĩnh nghỉ ngơi, bà Anh đã nói mẹ Phong khoản viện phí mà bà vừa phải đóng, thu nhập hằng tháng của con gái để phía bên gây tai nạn chuẩn bị. Nhưng kể từ đó, cả gia đình bà đều không nhận được lời thăm nom nào từ phía gia đình tài xế Mercedes.

Bà Anh nói bà vẫn còn ám ảnh hôm con vừa nhập viện, xương gãy sưng to, đen xì khiến cả bác sĩ nhìn còn thấy sợ. Lần ấy, nữ tiếp viên phải tiêm kháng viêm liều cao và được bác sĩ vệ sinh tỉ mỉ mới dần hồi phục lại.

Mẹ nữ tiếp viên chia sẻ: “Giờ con tôi còn đủ thứ nẹp trong người, phiên tòa sơ thẩm xong tôi cũng thất vọng vì không thấm vào đâu với những đau đớn con gái tôi phải chịu đựng. Cả tương lai của con tôi sau này nữa ai sẽ bù đắp, 1,4 tỉ đó nếu được bồi thường thì cũng không thấm vào đâu với 79% sức khỏe của một con người”.

Điều khiến cả gia đình bà Anh bức xúc nữa là ngay tại tòa tài xế Mercedes đồng ý bồi thường nhưng lại nói giờ không còn tài sản gì, đợi ra tù đi làm rồi bồi thường sau. “Thật vô lý là đang tạm giam lại đi sang tên nhà cho mẹ của mình, nếu vậy thì tội phạm tẩu tán hết tài sản trước khi ra tòa hết đều được hay sao”, mẹ nữ tiếp viên thắc măc.

Sau phiên tòa sơ thẩm, nhiều người tìm đến trang cá nhân của chị Bích Hường động viên, chia sẻ, nhưng cũng có một số người vào để lại bình luận nói chị tham lam khi đòi bồi thường. Những lần như vậy, nữ tiếp viên đều mặc kệ để tránh ảnh hưởng tâm lý.

“Thương nhất là nhiều người bị tai nạn cũng không được đền bù gì như tôi, họ hỏi tôi thủ tục làm sao để được bồi thường. Tôi nói trường hợp tôi được dư luận quan tâm, báo chí đưa nhiều mà còn chưa nhận được một đồng nào nên tôi cũng chẳng biết khuyên sao”, chị Hường nói.

Hơn 1 năm trời chịu đựng những cơn đau thấu xương, hôm nay, nữ tiếp viên bị Mercedes tông lại một mình đến tòa để tìm công lý cho chính mình…

Sơn Ca

Đọc nhiều