8
category
520632

Vụ nữ diễn viên bị lộ ‘clip nóng’: Khi nào công an phường được thu giữ điện thoại?

29/05/2021 13:37

Liên quan đến sự việc Công an TP Hà Nội xác minh thông tin nữ diễn viên V.T.A.T. bị lộ ‘clip nóng’ sau khi công an phường thu giữ điện thoại (kèm mật khẩu), nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào công an phường có quyền thu giữ điện thoại người dân?

Vụ nữ diễn viên bị lộ clip nóng: Khi nào công an phường được thu giữ điện thoại? - Ảnh 1.
Khi kiểm tra điện thoại phải lập biên bản và có mặt chủ sở hữu – Ảnh minh họa

Ai là người phát tán đoạn “clip nóng”? Có hay không việc đoạn clip này bị rò rỉ sau khi công an phường tạm giữ điện thoại? Nữ diễn viên A.T. bị công an thu điện thoại vì lý do gì? Những câu hỏi trên sẽ được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Vấn đề mà không ít người quan tâm lúc này là: trường hợp nào công an được thu giữ điện thoại và quy định của pháp luật đối với người có hành vi phát tán đoạn video clip.

Khi kiểm tra điện thoại phải có mặt chủ sở hữu

Theo các chuyên gia, pháp luật đã có quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục khi tạm giữ, khám xét đồ vật, điện thoại của cá nhân. Và công an chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính.

Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm – Đoàn luật sư TP.HCM, đối với cơ quan công an phường, xã, theo Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì chỉ được tạm giữ điện thoại khi có căn cứ xác định đây là tang vật hoặc để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.

Khi thực hiện tạm giữ, phải lập biên bản và niêm phong tang vật. Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật. Khi tiến hành khám đồ vật phải lập biên bản, có mặt chủ đồ vật, trong trường hợp chủ đồ vật vắng mặt thì phải có 2 người chứng kiến.

Luật sư Lâm cho biết thêm trưởng công an phường, xã có thẩm quyền quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trường hợp cán bộ cấp dưới là người lập biên bản thì trong 24 giờ phải báo cáo với trưởng công an phường, xã để xem xét ra quyết định tạm giữ.

“Như vậy, pháp luật đã có quy định chi tiết về căn cứ, thẩm quyền, trình tự thủ tục khi tiến hành tạm giữ, khám xét đồ vật, điện thoại của cá nhân. Chỉ được khám xét, thu giữ các dữ liệu trong điện thoại có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính. Đối với các dữ liệu không liên quan thì thuộc bí mật cá nhân, phải được tôn trọng và bảo vệ an toàn bí mật” – luật sư Lâm phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng theo nguyên tắc, công an được quyền kiểm tra những thông tin có liên quan đến hành vi vi phạm, nhưng nếu tùy tiện sử dụng dữ liệu cá nhân để phát tán lên mạng là vi phạm pháp luật.

Người phát tán “clip nóng” có thể bị phạt tù đến 15 năm

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, người tung video clip riêng tư của nữ diễn viên A.T. lên mạng có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Bộ luật hình sự hiện hành.

Khung hình phạt nhẹ nhất cho hành vi này là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tùy vào tính chất phức tạp và nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Ngoài ra, người phát tán đoạn clip còn có thể bị xem xét, xử lý về tội làm nhục người khác với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Mức cao nhất của khung hình phạt có thể bị phạt tù đến 5 năm.

ĐAN THUẦN

Tags :
Đọc nhiều