8
category
323449

Vụ Mobifone mua AVG: 2 cựu Bộ trưởng nhận hối lộ đối diện mức án nào?

04/09/2019 08:12

Theo quy định, của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan.

Theo kết luận điều tra, sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ – cựu Chủ tịch AVG đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT ở phố Lý Nam Đế (Hà Nội) đưa cho ông Son 3 triệu USD (hơn 65 tỷ đồng). Hiện, cựu Bộ trưởng xin nộp hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn thừa nhận, sau khi hoàn thành dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng).

6a15e363b123587d0132
Ông Nguyễn Bắc Son (ảnh trái) và Trương Minh Tuấn.

Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng vào việc cá nhân. Ông Tuấn xin nộp 2,12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone Lê Nam Trà bị cáo buộc nhận hối lộ 2,5 triệu USD; cựu thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Mobifone Cao Duy Hải nhận hối lộ 500.000 USD từ ông Phạm Nhật Vũ.

Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà cùng bị đề nghị truy tố về hai tội: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220, Bộ luật Hình sự 2015) và Nhận hối lộ (điều 354, Bộ luật Hình sự 2015). Bị can Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ, theo điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ Luật hình sự năm 2015, của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Mức án cao nhất mà ông Son và ông Tuấn có thể đối diện là tử hình”-luật sư Nguyễn Minh Long nói.

Tuy nhiên, luật sư cho rằng, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ Luật hình sự năm 2015, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4  tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì sẽ không bị thi hành án tử hình.

Đối với bị can Phạm Nhật Vũ, theo quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ Luật hình sự năm 2015, phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Căn cứ vào quy định trên thì ông Vũ có thể đối diện với mức án cao nhất là 20 năm tù.

“Nếu người phạm tội thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả (có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015) thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật – theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Bộ Luật hình sự” – luật sư Nguyễn Minh Long nhấn mạnh.

Liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ, tham ô tài sản, trong lịch sử tố tụng đã có nhiều bị cáo bị tòa án tuyên phạt các mức án về hành vi này.

Cụ thể, đầu tháng 5/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank) và các đồng phạm trong đại án làm OceanBank thiệt hại hơn 1.500 tỉ đồng. Theo đó, bị cáo Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank bị tuyên mức án tù chung thân về 4 tội: Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – cựu Tổng giám đốc OceanBank bị tuyên án tử hình về 3 tội: Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.

Tuy nhiên, Tòa thấy rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra. Ngoài ra, vợ của Nguyễn Xuân Sơn cho biết sẽ nộp 32 tỉ đồng khắc phục một phần thiệt hại cho chồng. HĐXX kiến nghị giảm từ tử hình xuống chung thân với bị cáo Sơn sau khi khắc phục 3/4 hậu quả; kiến nghị giảm từ chung thân xuống tù có thời hạn với bị cáo Thắm sau khi cải tạo tốt cũng như khắc phục hậu quả, sau 12 năm được xem xét giảm hình phạt.

Vào cuối tháng 8/2019, TAND Hà Nội đã tuyên án 4 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí – PVTEX (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Trong đó, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (55 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX) bị tuyên phạt 15 năm tù về tội Nhận hối lộ; 13 năm tù về tội Cố ý làm trái. Tổng hợp hình phạt bị cáo Hiếu lĩnh 28 năm tù.

Về dân sự, HĐXX buộc Trần Trung Chí Hiếu nộp 3 tỷ đồng đã nhận hối lộ để xung công quỹ. Tuy nhiên, khi diễn ra phiên tòa, vợ bị cáo Hiếu đã nộp đủ 3 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên HĐXX ghi nhận.

Trí Anh/VOV

Đọc nhiều