Vụ kit test tại Công ty Việt Á: Trách nhiệm của Bộ Y tế ở đâu?
Bộ Y tế vừa lên tiếng về những vấn đề liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Câu hỏi là liệu Bộ Y tế có thực hiện đúng quy trình và “không liên quan” đến vụ việc?
Bộ Y tế nói gì
Trong thông cáo báo chí phát đi chiều 21.12, Bộ Y tế nêu ra một số vấn đề:
Thứ nhất, Bộ Y tế khẳng định đã “thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á”.
Theo đó, việc cấp phép căn cứ vào ý kiến của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài độc lập cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Đồng thời, theo kết quả đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của Công ty Việt Á đã đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016. Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng vào ngày 4.3.2020 để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.
Tính đến ngày 20.12.2021, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP). Theo bộ này: Tất cả các sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định.
Bộ Y tế khẳng định: “Việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố”. Để làm rõ vấn đề này, Bộ Y tế chứng minh: “Tính đến nay, đối với sinh phẩm xét nghiệm PCR, theo danh sách EUL của WHO có 23 sản phẩm được phê duyệt; trong khi đó, tại Châu Âu đã chấp thuận 589 loại sinh phẩm, Mỹ chấp thuận sử dụng 276 loại sinh phẩm, Hàn Quốc chấp thuận sử dụng trong nước 31 sinh phẩm…”.
Thứ hai, Bộ Y tế khẳng định “Giá sinh phẩm xét nghiệm phải thông qua đấu thầu công khai, minh bạch”. Bộ này cho rằng, theo quy định của Luật Giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.
Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
Thứ ba, Bộ Y tế đưa ra nhiều văn bản để khẳng định “các địa phương, đơn vị phải thực hiện việc đấu thầu mua sắm theo các quy định hiện hành của Nhà nước và tự chịu trách nhiệm về việc mua sắm này”. Đồng thời, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng sinh phẩm xét nghiệm chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định.
Thứ tư, Bộ Y tế cho rằng đã “cương quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu”.
Những dấu hỏi về trách nhiệm của Bộ Y tế
Thứ nhất, về quy trình cấp phép và lưu hành kit test của Việt Á, hãy lùi về thời điểm Bộ Y tế đồng ý. 16h ngày 3.3.2020, Hội đồng KH-CN cấp Quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH-CN (là ông Chu Ngọc Anh, hiện là Chủ tịch UBNDTP Hà Nội) thành lập đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step với tỷ lệ 08/08 (100%) thành viên đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kit real-time RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất.
Gần như ngay lập tức, ngày 4.3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BTY về việc ban hành danh mục hai sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus corona (SARS-CoV-2).
Thời điểm đó, số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay (ngày 6.3, Hà Nội mới công bố ca nhiễm đầu tiên).
Câu hỏi là việc Bộ Y tế cấp phép thần tốc cho bộ kit test của Việt Á có quá vội vàng, nếu như không nói là “thần tốc” (chưa đầy 24 giờ sau khi Bộ KHCN đề nghị) và chỉ căn cứ vào các kết quả do của Hội đồng của Bộ KHCN thành lập và xác nhận của Viện Vệ sinh dịch tễ?
Cũng cần nói thêm, phải gần 1 năm sau, tức là ngày 4.12.2021, Bộ Y tế mới cấp số 2000001 có giá trị 5 năm cho sản phẩm LightPower.
Thứ hai về giá bộ kit test, Bộ Y tế cho rằng “trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá”, thế nhưng ngay từ đầu, tại cuộc họp báo ngày 5.3.2020, ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã tự định giá bộ kit test này “chỉ từ 400-600 nghìn đồng, bằng 1/3 giá tiền của WHO”. Kể từ khi Việt Á tự công bố giá cho đến tháng 7.2021, khi Bộ Y tế có văn bản do Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế khi đó là ông Nguyễn Minh Tuấn ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và giá bán test xét nghiệm, vật tư do các đơn vị cung ứng công bố, Bộ Y tế, kit test của Việt Á luôn đứng ở vị trí số 1 trong danh sách với giá niêm yết luôn là 470.000 bộ. Vậy có hay không sự “ưu ái” của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Việt Á?
Xin trích bản tin ngày 18.12 từ Bộ Công an: “Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit”. Vậy có thể hiểu Bộ Y tế đã mặc nhiên để Việt Á “qua mặt”?
Thứ ba, Bộ Y tế cho rằng đã “cương quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu”. Cuối tháng 9.2021, trên các báo và mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ánh về giá xét nghiệm COVID-19 đang ở mức cao, Bộ Y tế mới thông tin về vấn đề này như sau: “Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở, đơn vị và có nhiều văn bản gửi các đơn vị trong ngành y tế thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng tình hình dịch COVID-19 để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường” (trích bản tin ngày 29.9.2021 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế).
Vậy thì tại sao, trước khi Bộ Công an công bố vụ án “Khởi tố 07 đối tượng trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương” ngày 18.12.2021 thì Bộ Y tế có biết, có thông tin hay không? Quá trình thanh kiểm tra đã thu được kết quả gì hay mới chỉ dừng lại ở các văn bản, giấy tờ?
Với những vấn đề nêu trên, Bộ Y tế không thể “rũ trách nhiệm” trong vụ Việt Á chỉ bằng một văn bản khẳng định “đúng quy trình”.
Ngọc Hoa