128036
category
512578

Vụ kiện chai bia ‘giá 23 tỷ’: Nên làm gì khi gặp sản phẩm lỗi?

21/04/2021 07:05

Ngày 20-4, TAND quận 5 (TP.HCM) mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du và bị đơn là Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (SABECO).

Theo đơn khởi kiện, ông Du mua 1 két bia hiệu Sài Gòn đỏ loại chai. Gia đình ông khui ra uống, phát hiện bên trong chỉ còn 1/2 lượng nước và có mùi hôi nồng nặc. Trong két bia này còn có 1 chai bia khác chỉ còn một phần nước bên trong nên ông giữ lại và báo với phía nhà sản xuất là SABECO, nhưng SABECO không có thiện chí giải quyết, nên ông khởi kiện.

Chai bia chưa khui chỉ còn 1/2 nước

Trước khi đưa vụ án ra xét xử, TAND quận 5 đã trưng cầu giám định chai bia trên. Kết luận giám định xác định nắp chai bia nhãn hiệu Sài Gòn export mẫu giám định có đặc điểm giống với mẫu so sánh, không phát hiện dấu vết thủng, trượt xước, biến dạng lạ.

Đối với yêu cầu xác định chai bia trên có phải là sản phẩm do SABECO sản xuất ra hay không, cơ quan giám định kết luận các lớp in trên nhãn mác của mẫu giám định và mẫu so sánh không phải được in ra từ cùng một bản in.

Chai bia được ông Du giao nộp cho tòa án – Ảnh: Đ.T.

Trong phần xét hỏi, đại diện nguyên đơn cho rằng ông Du phát hiện chai bia Sài Gòn có lỗi khi uống bia ở quán nhậu Hòn Thơm. Sau đó, ông Du đã mua chai bia của quán này. Tuy nhiên, phía SABECO cho rằng hiện tại vẫn chưa xác định chai bia trên có phải do SABECO sản xuất ra hay không.

Đại diện SABECO cho biết quy trình sản xuất khép kín, sử dụng công nghệ “mắt thần”, được kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt nên rất khó xảy ra tình trạng “lọt” sản phẩm lỗi ra thị trường.

Ngừng phiên tòa để giám định

Luật sư Hoàng Hữu Nhân (bảo vệ quyền lợi cho SABECO) cho rằng chai bia mà ông Du nộp “không được xem là vật chứng” vì không được thu thập đúng theo quy định pháp luật. Luật sư cũng cho rằng khi nhân viên nhà hàng biết chai bia bị lỗi chưa mở nắp đã mang vào cất, nhưng ông Du yêu cầu đem ra và nói “chỉ xin làm kỷ niệm và báo công ty chấn chỉnh”.

Lúc này chai bia thuộc sở hữu của nhà hàng, chưa thỏa mãn điều kiện là hàng hóa và ông Du cố tình mua chai bia này không phải nhằm mục đích tiêu dùng.

Luật sư cho rằng nếu chai bia là sản phẩm của SABECO thì liệu có bị cá nhân hay nhóm người nào đó vì mục đích xấu đã cố tình tác động dẫn đến sản phẩm bị lỗi, hay do những nguyên nhân khác như lỗi do sản xuất, do quá trình vận chuyển, bảo quản.

Tương tự, luật sư Nguyễn Minh Tâm (bảo vệ quyền lợi cho SABECO) cho rằng ông Du đã tự biến mình thành nạn nhân vì ông không nhất thiết mua chai bia lỗi này, đồng thời đề nghị tòa chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xác định động cơ của ông Du.

Trái lại, luật sư Trần Đình Dũng (bảo vệ quyền lợi cho ông Du) cho rằng ông Du là người trả tiền mua chai bia và có quyền yêu cầu bồi thường mà không cần biết ông mua về để làm gì, cũng không có quy định mua bia xong phải uống thì mới là người tiêu dùng.

Luật sư cho rằng hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng tài sản cho người tiêu dùng nên đề nghị tòa buộc SABECO phải bồi thường thiệt hại cho ông Du.

Trình bày quan điểm giải quyết vụ án, đại diện Viện KSND quận 5 cho rằng cơ quan giám định chỉ kết luận về 2 vấn đề như nêu trên là chưa có cơ sở xác định nguồn gốc chai bia nên đề nghị tạm ngừng phiên tòa để giám định, thu thập thêm chứng cứ. Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Việc tòa yêu cầu thu thập thêm chứng cứ chứng minh chai bia lỗi có phải là của SABECO hay không là rất cần thiết. Đó là căn cứ quan trọng nhất để xác định trách nhiệm của các bên.

Bà Phan Thị Việt Thu

Người tiêu dùng nên làm gì khi gặp sản phẩm lỗi?

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM), người tiêu dùng khi gặp các trường hợp tương tự thì nên mời thừa phát lại lập vi bằng hoặc báo ngay đến cơ quan chức năng, công an để lập biên bản. Đồng thời, yêu cầu chủ quán và những người đang có mặt ở đó làm chứng.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên giao nộp sản phẩm này hoặc gửi cho đơn vị có chức năng như công an yêu cầu cất giữ (có biên bản giao nhận), các trung tâm bảo quản lưu giữ để tránh làm hư hại vật chứng.

Luật sư cho rằng nếu chai bia được xác định là do SABECO sản xuất, theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì công ty này trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

Còn nếu chai bia này bị làm giả thì SABECO sẽ trở thành là nạn nhân, họ cũng có thể bị thiệt hại và ảnh hưởng về thương hiệu. Nếu xác định được đối tượng có hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả thì đối tượng đó có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 98/2020 hoặc bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Còn theo bà Phan Thị Việt Thu – chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, trường hợp người tiêu dùng phát hiện sản phẩm lỗi thì cần gọi ngay vào đường dây nóng của công ty cung cấp sản phẩm, đề nghị cử người có trách nhiệm đến lập biên bản, ghi nhận. Hoặc gọi vào đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP để được tư vấn.

“Khi có phản ánh về sản phẩm lỗi, người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh sản phẩm đó có phải là do công ty bị phản ánh sản xuất hay không. Trách nhiệm này thuộc về phía công ty bị phản ánh. Trong trường hợp xác định sản phẩm trên đúng là do công ty sản xuất thì công ty sẽ có trách nhiệm thỏa thuận, bồi thường” – bà Thu nói.

Rút yêu cầu bồi thường 23 tỉ đồng

Ông Du khởi kiện SABECO đòi bồi thường hơn 23 tỉ đồng và khẳng định nếu tòa chấp nhận số tiền này ông sẽ chuyển giao cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Du đã rút yêu cầu này, chỉ đòi bồi thường 10.000 đồng giá trị chai bia và 15 triệu đồng tiền tổn thất tinh thần.

TUYẾT MAI – ĐAN THUẦN/ TTO

Tags :
Đọc nhiều