Vụ học sinh Gateway tử vong: ‘Giáo dục vô cảm thì nên đóng cửa trường’
“Nếu coi giáo dục là dịch vụ, dạy con người vô cảm, vô trách nhiệm thì nên đóng cửa trường”, TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
“Liên tục trong các bản tin, thông báo của nhà trường đều rất quanh co, lập lờ về nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Tôi không thấy sự chân thành, hối lỗi nào ở phía nhà trường. Lương tâm của người thầy trước vụ việc như thế này là nên nhận lỗi và chịu trách nhiệm chứ không phải tìm cách giảm tội”, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nói về vụ việc bé Lê Hoàng Long tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway, Hà Nội, chiều 6/8.
Nhiều chuyên gia, phụ huynh đều cho rằng cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm vụ việc này để làm gương cho các hoạt động trong ngành giáo dục.
Quy trình có lỗ hổng
Bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho biết tất cả thông tin hiện tại đều cho thấy khâu đưa đón trẻ và nhiều khâu khác của trường đang có lỗ hổng, giáo viên, nhân viên không được tập huấn chuyên nghiệp.
“Có thể thấy rõ ràng nhân viên phụ trách đưa đón học sinh làm theo cảm tính dẫn đến bỏ quên trẻ trên xe. Nếu có khâu điểm danh, bàn giao trẻ cho cô giáo một cách chi tiết hoặc chí ít tài xế kiểm tra xe trước khi đóng cửa thì đã không có sự việc đau lòng”, bà Quyên nói.
Chia sẻ quan điểm trên, TS Vũ Thu Hương cho rằng quy trình đón đưa trẻ đến trường thường qua nhiều khâu, nếu được thực hiện nghiêm túc và giáo viên không vô tâm thì đã không có sự việc đau lòng chiều 6/8.
“Người phụ trách đưa đón trẻ không làm hết trách nhiệm. Giáo viên trong lớp cũng không phát hiện trẻ vắng hoặc phát hiện nhưng không liên hệ phụ huynh để hỏi. Tài xế cũng không kiểm tra xe xem trẻ có quên đồ đạc hay không. Chỉ cần một trong những khâu này được thực hiện, chúng ta đã không phải chứng kiến vụ việc như hôm nay”, bà Hương nói.
Làm giáo dục đừng vô tâm, vô trách nhiệm
TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng khi chỉ coi giáo dục là dịch vụ, nhiều trường chỉ quan tâm tâm lý phụ huynh – khách hàng – mà không chú trọng lợi ích, cảm giác của trẻ.
“Theo tôi quan sát, trường đang coi giáo dục là một dịch vụ, mà đã là dịch vụ thì họ quan tâm người trả tiền. Nếu chúng ta coi giáo dục đơn thuần chỉ là dịch vụ, sẽ có rất nhiều điều xảy ra. Chúng ta không quan tâm đến cảm giác của từng đứa trẻ mà chỉ quan tâm đến bố mẹ chúng – người trả tiền”, bà Hương nêu quan điểm.
Nữ tiến sĩ tâm lý nêu quan điểm với giáo dục, đó là điều rất không ổn. Sự việc của trường Gateway đã cho thấy điều ấy. Học sinh vắng trên lớp cũng không ai biết và gọi điện báo với phụ huynh.
Chuyên gia giáo dục này cho rằng cách ứng xử của nhà trường cũng không cho thấy cái tâm của người làm giáo dục. Nhiều ý kiến trên mạng cũng hướng tới chủ đề này: Làm giáo dục mà thiếu cái tâm và vô trách nhiệm thì hậu quả khôn lường.
“Cứ tiếp tục kinh doanh giáo dục một cách vô tâm như vậy sẽ còn nhiều vấn đề khác xảy ra. Nếu coi giáo dục là dịch vụ, dạy con người vô cảm, vô trách nhiệm thì nên đóng cửa trường”, bà Hương nhấn mạnh.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope (Mỹ), cố vấn khoa học của tổ chức Ruy Băng Tím, cũng cho rằng ban đầu, trường Gateway thiếu thành thật trong thông tin phản hồi về vụ việc. Sự chậm trễ đó gây bức xúc dư luận.
Với tư cách vừa là phụ huynh vừa là một giảng viên, cô Thanh (TP.HCM) cũng cho rằng khi giáo dục được đem ra kinh doanh nhưng thiếu cái tâm và trách nhiệm là điều tồi tệ. Sự việc này là hồi chuông cảnh báo cho tất cả trường học, nhất là các trường tư thục.
(Theo Zing News)